Khai vống thiệt hại do thiên tai gây ra

Bên cạnh vụ việc khai vống thiệt hại do bão số 10 ở Thanh Hóa lên gần 300 tỉ đồng mới đây khiến dư luận bức xúc, PV Thanh Niên ghi nhận tình trạng này từng xảy ra ở tỉnh này và nhiều địa phương thời gian qua khi báo cáo thiệt hại về thiên tai.

Bờ kè sạt lở được đổ cho bão
Trong báo cáo ngày 18.9 của UBND TP.Sầm Sơn về tình hình thiệt hại sau bão số 10 gây ra có nêu: “Bão đã gây sạt lở đê kè biển Quảng Cư (khu vực resort vạn chài và khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn)”. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế đoạn kè biển này dài gần 200 m nhiều năm qua đã bị biển xâm thực, gây sạt lở hoàn toàn từ trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền. Để khắc phục sự cố trên, từ năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định đầu tư lại đoạn kè biển của P.Quảng Cư và đang trong quá trình chuẩn bị triển khai kè lại thì bão số 10 đổ bộ vào bờ. Tuy nhiên, sau bão, UBND TP.Sầm Sơn lại đưa vào báo cáo là đoạn kè bị sạt lở do... bão số 10.
Kiểm tra 3 lần, đều ra số liệu khai vống
Trước đó, vào các ngày từ 21 - 28.1.2016, nhiệt độ tại các địa phương ở Thanh Hóa xuống thấp nhất từ 6 - 80C, gây thiệt hại về cây trồng và vật nuôi. Sau đợt rét, do các huyện báo cáo con số thiệt hại quá lớn, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp Sở Tài chính kiểm tra, rà soát lại.
Sở NN-PTNT Thanh Hóa tổ chức kiểm tra 3 lần, phát hiện nhiều số liệu các huyện báo cáo sai thực tế. Cụ thể, kiểm tra lần 1 ở 5 huyện Thạch Thành, Triệu Sơn, Đông Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia thì các huyện báo cáo tổng diện tích lúa bị thiệt hại là 103,125 ha, nhưng kết quả kiểm tra chỉ thiệt hại có 92,067 ha. Kiểm tra lần 2 ở tất cả 27 huyện, thị xã, thành phố, đoàn kiểm tra phát hiện các huyện báo cáo khống, tăng diện tích thiệt hại so với thực tế cả lúa và mạ là gần 1.000 ha. Tiếp tục kiểm tra lần 3 ở một số huyện, đoàn kiểm tra phát hiện có huyện báo cáo tăng thiệt hại so với thực tế cả 1.000 ha lúa…
Về vật nuôi, báo cáo của H.Quan Hóa (Thanh Hóa) có số gia súc chết do giá rét là 329 con, nhưng kiểm tra thực tế gia súc bị chết là 303 con. Đặc biệt, tại H.Nga Sơn có 2 hộ gia đình không nuôi lợn nhưng trong báo cáo vẫn có thiệt hại về lợn và nằm trong danh sách đề nghị nhận hỗ trợ.
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Xuân Đào, Phó chủ tịch UBND H.Thiệu Hóa, xác nhận thời điểm rét đậm rét hại đầu năm 2016, huyện có tổng hợp thiệt hại tăng so với thực tế. Nguyên nhân là do các thôn lập báo cáo thiệt hại gửi lên xã, xã báo lên huyện, huyện tin tưởng nên tổng hợp báo cáo lên tỉnh chứ không tổ chức kiểm tra lại theo quy định.
Tự rà soát và "giảm" số liệu thiệt hại
Tại H.Minh Hóa (Quảng Bình), số liệu thống kê nhà bị sập sau bão số 10 có giảm so với thống kê ban đầu. Theo đó, 1 ngày sau bão, số liệu báo cáo của UBND H.Minh Hóa ghi nhận 74 nhà bị sập; tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì chỉ còn 55 nhà bị sập. Theo tìm hiểu, do ngay sau khi bão tan, các trưởng thôn, trưởng bản thống kê báo cáo số liệu lên cấp xã, rồi xã báo lên huyện. Trưởng thôn thấy nhà sập là thống kê, nhưng trong số đó có một số nhà dựng trái phép, một số dựng lên nhưng không có người ở. UBND H.Minh Hóa đã yêu cầu các địa phương rà soát lại để cho con số chính xác hơn. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Cảnh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ H.Minh Hóa, nói: “Không có chuyện thống kê "vống" rồi giảm xuống khi bị phát hiện, mà do thời điểm báo cáo ban đầu chưa có điều kiện để rà soát, chưa phải số liệu cuối cùng”.
Khai khống để lấy tiền hỗ trợ
Tại Nghệ An, năm 2012, Thanh tra H.Yên Thành (Nghệ An) kiểm tra 38 xã thì phát hiện 25 xã sai phạm trong việc báo cáo, tiếp nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do bão, lũ năm 2010, 2011 với số tiền nhận khống là gần 336 triệu đồng. Điển hình tại xã Mã Thành (H.Yên Thành) đã khai khống và nhận số tiền hỗ trợ dư thừa tới 215 triệu đồng để chi vào việc khác. Năm 2011, Thanh tra H.Quỳnh Lưu kiểm tra, kết luận UBND xã Quỳnh Tân (H.Quỳnh Lưu) báo cáo bị thiệt hại về hoa màu 575 ha do cơn lũ tháng 10.2010, nhưng thực tế chỉ thiệt hại 287 ha. Số tiền được hỗ trợ là 480 triệu đồng, UBND xã giữ lại 90,7 triệu đồng để chi vào mục đích khác.
Tại tỉnh Bình Định, vào tháng 2.2014, Ban Nhân dân thôn Luật Chánh (xã Phước Hiệp) công bố danh sách 15 hộ bị thiệt hại gia cầm do nước lũ cuốn trôi trong đợt lũ từ ngày 14 - 19.11.2013. Danh sách này bị người dân phản ứng vì cho rằng số lượng gà, vịt bị chết cao hơn thực tế và hơn nửa số hộ trong danh sách là cán bộ, người thân quen của cán bộ. Tháng 12.2015, UBND H.Tuy Phước ra quyết định thu hồi 179 triệu đồng của 20 hộ dân ở xã Phước Hiệp. Đến tháng 3.2017 vẫn chưa thu hồi được tiền hỗ trợ từ 11 hộ dân với hơn 133 triệu đồng.
Chiều 24.9, trả lời PV Thanh Niên về việc kê khai báo cáo thiệt hại do bão lũ của tỉnh, ông Nguyễn Sĩ Hưng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng BCH phòng chống lụt bão Nghệ An, cho biết rút kinh nghiệm từ các năm trước, từ năm 2015, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương khi báo cáo thiệt hại do thiên tai phải dựa trên thiệt hại thực tế. “Có 2 loại báo cáo thiệt hại về thiên tai, gồm báo cáo nhanh là báo cáo ước tính thiệt hại dựa trên số liệu tạm thời, còn báo cáo chính thức, chúng tôi đề nghị các huyện phải dựa trên mức độ thống kê thiệt hại thực tế, kèm theo bảng thống kê chi tiết và sự quy đổi theo quy định của Thông tư 43/2015”, ông Hưng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.