Khắc phục yếu kém để không 'thua trên sân nhà'

Trong buổi họp hôm qua (24.2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2015 của Chính phủ, Thủ tướng, Tổng kiểm toán Nhà nước...

Trong buổi họp hôm qua (24.2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2015 của Chính phủ, Thủ tướng, Tổng kiểm toán Nhà nước...

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVNPhó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN
Báo cáo do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định trình bày cho thấy 5 năm qua Chính phủ đã tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chính phủ đã ban hành 1.069 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 715 nghị định và 354 quyết định. Chất lượng văn bản được nâng lên, tiến độ ban hành nhanh hơn; tình trạng nợ đọng văn bản giảm rõ rệt. Năm 2015 chỉ còn nợ 4 văn bản, thấp nhất từ trước tới nay...
Vẫn còn tình trạng “xin - cho”
Năm 2015, báo cáo nêu rõ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của VN trong 5 năm tăng 19 bậc, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông tăng 36 bậc...
Chính phủ và Thủ tướng cũng nghiêm túc nhìn nhận còn những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, như khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, năng lực phân tích, dự báo. “Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi”, báo cáo nhìn nhận.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật do Chủ nhiệm Phan Trung Lý trình bày, cho thấy bên cạnh kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, chồng chéo; nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin - cho”. Đặc biệt, bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.
Góp ý kiến thêm cho báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn vấn đề chống tham nhũng, lãng phí. “Tôi đọc báo thấy nhà đầu tư Nhật Bản nói sợ nhất là “chi phí dưới gầm bàn” thì phải chống được vấn nạn này”, ông Giàu nói.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ trân trọng lắng nghe những góp ý của Ủy ban Thường vụ QH để có giải pháp khắc phục hiệu quả.
“Trong thực thi nhiệm vụ của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua vẫn còn nhiều bất cập, có việc để kéo dài như khiếu nại tố cáo; hay những bất cập của nội tại nền kinh tế vừa phải khắc phục nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng; nền kinh tế hội nhập sâu, rộng nhưng điều kiện để ta hội nhập còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ... Những tồn tại này cần phải được xử lý, làm sao bảo đảm tinh thần chúng ta không bị “thua trên sân nhà” khi hội nhập, khi nền dân chủ và yêu cầu của người dân đối với bộ máy nhà nước ngày càng cao hơn trước”, Phó thủ tướng nói.
Nội bộ đấu đá mới ra tham nhũng
Cùng ngày, góp ý cho báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2015 của Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị cần khắc phục việc chồng chéo trong kiểm tra của kiểm toán với các cơ quan thanh tra của Đảng, Nhà nước. “Một địa phương nói với tôi không biết đất đai màu mỡ làm sao mà kiểm tra, kiểm toán đến nhiều quá, đoàn này vừa đi, đoàn khác đã đến. Trong khi đó, địa phương khác thì kiểm tra, kiểm toán lại không thấy đến”, ông Hiện ví von.
Cũng theo ông Hiện, báo cáo cho thấy 5 năm qua kiểm toán đã kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, chủ yếu xử phạt hành chính, còn kiến nghị xử lý về hình sự rất hạn chế. “Những người tham nhũng thường có trình độ rất cao về chuyên môn và có trình độ che giấu hành vi tham nhũng, cho nên chỉ có lực lượng thanh tra chuyên ngành mới phát hiện được. Trong khi đó, ở VN thì lại để nhân dân và chỉ nội bộ đấu nhau, báo chí vào cuộc thì mới phát hiện ra tham nhũng”, ông Hiện nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề, đặc biệt trong 5 năm phát hiện 101.000 tỉ đồng sai phạm, bằng 50% trong 21 năm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Ông Giàu “bày tỏ vui mừng với con số trên” nhưng cũng đặt vấn đề:
“5 năm sau mà tăng lên hơn 5 trước thì quản lý tài chính công đi đến đâu”. Trích dẫn một số câu trong báo cáo như: bố trí đầu tư dàn trải, chi đầu tư chưa hợp lý; một số địa phương bổ sung ngoài dự toán, sử dụng sai kinh phí cho vay… kéo dài nhiều năm, ông Giàu bình luận: “Đánh giá như thế thì quản lý tài chính công 5 năm qua không tiến bộ chút nào”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng lưu ý báo cáo của kiểm toán về yếu kém trong kỷ luật tài chính, vi phạm… rất đúng nhưng kiến nghị chưa thấy đề xuất xử lý, kỷ luật ai.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 QH khóa 13. Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp sẽ khai mạc ngày 21.3 và kết thúc ngày 9.4.2016. Nội dung nổi bật nhất của kỳ họp này là từ ngày 6 đến ngày 9.4, QH sẽ xem xét về công tác nhân sự cấp cao. Đặc biệt, QH lần đầu nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án luật Biểu tình.
Căng thẳng trên Biển Đông tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2015 của Chính phủ và Thủ tướng cũng nêu rõ, tình hình phức tạp, căng thẳng ở Biển Đông đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng, Chính phủ, Nhà nước và nhân dân kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền và thực hiện các giải pháp phù hợp để giữ vững hòa bình và quan hệ hữu nghị với các nước.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai triệt để các biện pháp chính trị - ngoại giao, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo; đồng thời vận động cộng đồng quốc tế và nhiều đối tác trong và ngoài khu vực ủng hộ lập trường chính nghĩa của VN, nỗ lực góp phần thống nhất lập trường ASEAN trong đấu tranh bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.