Khắc phục hậu quả bão lũ

12/08/2007 23:14 GMT+7

Nỗi lo sách vở, áo quần trước thềm năm học mới Từ TP Đồng Hới, vượt gần 100 km, chúng tôi trở lại miền tây tỉnh Quảng Bình, nơi đầu nguồn lũ đi qua. Sau trận mưa "xối bùn" nhỏ nhoi, trời bắt đầu hửng nắng, các đoàn viên thanh niên tình nguyện đổ về, tiếng nói, tiếng cười của họ xóa đi sự u ám đang bao trùm khắp làng bản, xóm thôn. Thế nhưng, trong mỗi ngôi nhà đều ẩn chứa nhiều nỗi lo toan, nhất là đến ngày khai trường năm học mới, nhưng sách vở đã bị dòng nước lũ cuốn đi...

Biết lấy tiền đâu mua lại sách vở?

Hà Tĩnh: Thêm 3 người chết

Chiều qua, do nước chưa rút hết, có thêm 3 em nhỏ ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê khi đi chăn trâu bị chết đuối vì rơi xuống vực sâu. Đó là các em Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Lục và Phạm Thị Hoài (đều sinh năm 1993, quê ở xã Gia Phố). Như vậy, số người chết do lũ ở Hà Tĩnh đã lên tới con số 29 người. Nặng nề nhất là Hương Khê (11 người), Kỳ Anh (8 người).

Trong mấy ngày này, nhiều đoàn công tác của Trung ương và của tỉnh đã túc trực ở 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang để tập trung cho công tác khắc phục hậu quả bão lụt, thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị chết. Và cho đến chiều qua, ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang cho biết, hiện vẫn còn 3 xã bị cô lập do nước lũ rút rất chậm, đó là các xã Đức n, Đức Giang, Đức Lĩnh. Vụ hè thu ở huyện Vũ Quang cũng bị xóa sổ hoàn toàn. Đáng nói hơn là hiện nay việc chuẩn bị bước vào năm học mới của các em học sinh tại 2 huyện này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Hầu như toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập chuẩn bị trước đây đều đã bị lũ cuốn.

Hạnh Loan

Ngoài chuyện nhà trôi sập, thiếu ăn, nước uống, điện..., người dân vùng lũ đang lo ngay ngáy cho việc học hành của con em mình. Chị Cao Thị Lành nói: "Nhà bê tông, lúa gạo, trâu bò còn bị cuốn trôi, ngâm nước huống chi là sách vở? Ướt hết rồi chứ còn mô nữa. Còn mấy quyển chưa bị nát, con bé đang phơi ngoài sân". Nhà chị Nguyễn Thị Duyên càng thảm hơn, chồng bị bệnh phải chạy thận tại Bệnh viện Cu Ba - Đồng Hới đã 3 năm, sách vở của hai đứa con đang học lớp 8 và lớp 6 cũng tan vì nước.

Lâu nay, cuộc sống mỗi hộ dân chỉ dựa vào 3-4 sào ruộng cạn, trước mặt là núi, sau lưng là sông. Hằng ngày, họ phải lên rừng chặt củi bán, nghề phụ cũng không thấm vào đâu. Sắp bước vào năm học mới, hỏi tiền đâu mua lại sách vở cho các em, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu và câu trả lời: "Gạo ăn chưa có thì có được cái gì". Chúng tôi gặp em Hoàng Văn Quý (học lớp 5, ở xã Mai Hóa) khi em qua sông để lên xã thăm ông bà ngoại. Gặng hỏi mãi cậu mới lí nhí cho biết một bộ sách giáo khoa mới, 20 quyển vở đã viết nhãn bị trôi theo dòng nước. Cậu cũng không trả lời được khi nào thì bố mẹ cho tiền mua lại.

Đã 3 ngày giáo viên cùng học trò dọn vén mà trường THCS Châu Hóa vẫn ngập ngụa bùn đất, bàn ghế ngổn ngang, cửa sổ bay mất dạng, tường rào sụp đổ. Hiệu trưởng Lê Văn Hà cho biết: "Thư viện và phòng thiết bị môn sinh, hóa bị ngâm nước, chắc hỏng cả rồi. Theo kế hoạch thì bắt đầu học từ ngày 15.8 nhưng bây giờ chịu rồi. Có thể đến ngày 15 sẽ dọn xong nhưng việc học thì chưa biết, vì giáo viên, học sinh đều bị thiệt hại".

Mỗi người làm việc bằng hai

Em Trương Thị Ánh Nhung, lớp 10 trường THPT Lê Trực đang cố phơi mấy quyển sách may mắn chưa bị nát (ảnh: Kiến Giang)

Mới 6 giờ sáng, bốn anh chàng tình nguyện đang chờ đò qua xã Châu Hóa (Tuyên Hóa). Hóa ra, các anh tranh thủ đi ăn lót dạ ở bên này bờ lũ, lấy sức chiến đấu với bùn đất. Từ hôm 11.8, 40 đoàn viên - những người ở vùng không bị ảnh hưởng lũ của huyện Tuyên Hóa đã ra quân về xã Châu Hóa để giúp dân khắc phục hậu quả. Tối, họ cùng ngủ lại với bà con.

Sáng qua, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cũng cử đoàn công tác gồm 17 y, bác sĩ đến các xã Cảnh Hóa, Phù Hóa (huyện Quảng Trạch); Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) để phun hóa chất tiêu độc khử trùng các vùng trũng, nơi có nhiều sinh vật chết và xử lý nguồn nước đầu nguồn. Đoàn cũng mang tặng 3 cơ số thuốc cho trạm y tế của 3 xã trên. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Huy, Bí thư Đoàn của bệnh viện tâm sự: "Chúng tôi cũng cố gắng đi giúp đỡ bà con, vì mình thuộc lĩnh vực y tế nên bà con rất cần. Nhất là những vùng bị ngập lũ, nguy cơ phát sinh bệnh tật là rất cao. Vì vậy cần có những biện pháp đề phòng".

Cũng trong sáng qua, đoàn viên khối Dân chính đảng trong tỉnh Quảng Bình cũng lên đường mang theo nước đóng chai, mì ăn liền và phụ giúp nhân dân các xã ở huyện Tuyên Hóa.

T.Ư Đoàn tiếp tục thăm, tặng quà nạn nhân bão lũ

Hôm qua 12.8, đoàn công tác do anh Bùi Văn Cường - Bí thư T.Ư Đoàn dẫn đầu đã đến thăm hỏi, động viên, ủng hộ đồng bào, thanh thiếu nhi ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) và huyện Krông Bông của tỉnh Đắk Lắk bị lũ lụt sau cơn bão số 2. Đoàn công tác đã tặng cho 400 gia đình nông dân và thanh niên 4 tấn gạo và 100 thùng mì tôm, trị giá 25 triệu đồng; thăm viếng các gia đình bị mất người thân trong đợt lũ lụt. Trong buổi thăm và tặng quà các gia đình, anh Bùi Văn Cường đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc của Ban Bí thư T.Ư Đoàn đối với những mất mát của đồng bào tỉnh Đắk Lắk; đồng thời, đề nghị thanh niên tình nguyện địa phương giúp người dân khắc phục hậu quả, vượt qua những khó khăn sau lũ. Dịp này, Tỉnh đoàn Đắk Lắk cũng đã vận động các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn và đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh tham gia đóng góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại với số tiền gần 40 triệu đồng.

Anh Bùi Văn Cường (bìa phải) trao quà cho bà con ở Đắk Lắk

Cùng ngày, chị Lâm Phương Thanh - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN đã đến thăm hỏi, động viên và trao tặng 4 triệu đồng cho gia đình trung úy Phạm Hữu Huyên ở huyện Lệ Thủy (đã mất trong khi nỗ lực cứu hộ trong cơn lũ và gia đình có 3 người chết tại xã Châu Hóa). Dịp này, thông qua Tỉnh đoàn Quảng Bình, T.Ư Đoàn cũng hỗ trợ 26 triệu đồng để mua sách vở, bút mực cho các em học sinh.

Đình Anh

Kiến Giang 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.