Kê khai tài sản chưa được coi là giải pháp phát hiện tham nhũng

22/11/2010 01:00 GMT+7

Ngay trước phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban TVQH đã tập hợp và chuyển đến các ĐBQH bản tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6.2010).

Bản tổng hợp dài hơn 1.000 trang gồm những trả lời của Chính phủ và các bộ, ngành với nhiều nội dung đáng chú ý.

Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy cán bộ tham nhũng, tiêu cực

Tại kỳ họp thứ 7, cử tri của khá nhiều tỉnh đã bày tỏ thắc mắc, kiến nghị tới Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về việc “Vì sao nhận định “tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi” cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác mà Chính phủ vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để hiện tượng này?” (cử tri Đà Nẵng); hay cử tri các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Ninh, TP Đà Nẵng cho rằng, “thời gian qua, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (BCĐ PCTN) các cấp còn nhiều hạn chế, nguyên nhân là “do cơ chế hoạt động của Ban chưa được cụ thể, quyết liệt, và trách nhiệm chưa được rõ ràng; những vi phạm tham nhũng trên địa bàn thường do các cơ quan pháp luật, báo chí và nhân dân phát hiện, xử lý; rất ít được phát hiện từ hoạt động của BCĐ PCTN” và đề nghị phải có giải pháp khắc phục quyết liệt thời gian tới.

Việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập thời gian qua mới mang ý nghĩa phòng ngừa mà chưa được coi là một giải pháp nhằm phát hiện, xử lý đối với hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng - Thanh tra Chính phủ

Trong báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri, Thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ luôn xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành; đã tích cực chỉ đạo, triển khai các giải pháp PCTN tập trung vào những ngành, lĩnh vực, những khâu quan trọng của quản lý nhà nước dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực hoặc liên quan trực tiếp tới nhân dân, doanh nghiệp, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để ngăn ngừa, đẩy lùi tham nhũng, kiện toàn bộ máy hoạt động của BCĐ PCTN các cấp thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, bổ sung sửa đổi một số cơ chế chính sách về PCTN còn chưa rõ ràng hoặc có khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện cho phù hợp như: cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng; cơ chế kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; quy định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức; công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội…

Quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản

Trước đề nghị của cử tri TP Đà Nẵng về việc “Chính phủ cần xây dựng pháp luật về chống tham nhũng theo hướng cơ quan chức năng có quyền điều tra tài sản của các quan chức có dấu hiệu bất minh về tài sản”, Thanh tra Chính phủ cho biết pháp luật hiện hành đã có quy định đảm bảo quyền điều tra của các cơ quan chức năng và chế tài xử lý đối với tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, “trên thực tế, nhiều trường hợp công dân, người có chức vụ, quyền hạn sở hữu khối tài sản lớn nhưng lại không có trách nhiệm phải giải trình nguồn gốc tài sản. Việc chứng minh khối tài sản đó có phải là tài sản bất minh hay không thuộc  nghĩa vụ của các cơ quan chức năng”.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật PCTN, việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ áp dụng đối với một bộ phận người có chức vụ, quyền hạn. Việc xác minh tài sản, thu nhập cũng chỉ nhằm xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát sự biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Chính vì vậy, “việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập thời gian qua mới chỉ mang ý nghĩa phòng ngừa mà chưa được coi là một giải pháp nhằm phát hiện, xử lý đối với hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Thanh tra Chính phủ, để tăng cường hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tại Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 Chính phủ đã chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng từng bước công khai và quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập; giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng nghị định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch. Thủ tướng cũng đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì đánh giá, tổng kết việc thực hiện các quy định liên quan như minh bạch tài sản, thu nhập; trả lương qua tài khoản; tặng quà và nộp lại quà tặng để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện và chuẩn bị cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn.

Thanh tra toàn diện một số Tập đoàn

Bộ Tài chính cho biết thông tin trên khi trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới QH tại kỳ họp thứ 7 đề nghị Chính phủ kiên quyết xử lý, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ kéo dài, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết chuyên đề của QH về tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung. Đáng chú ý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm các trường hợp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thua lỗ kéo dài; chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cùng với lực lượng Kiểm toán Nhà nước đã và đang tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. “Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài và có sai phạm trong quản lý tài sản, vốn nhà nước”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.