Hủy tiệc cưới vì Covid-19, cô dâu chú rể buồn, nhà hàng cũng 'khóc'

Công Nguyên
Công Nguyên
30/03/2020 11:49 GMT+7

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các hoạt động, tiệc đông người bị tạm dừng. Không ít cặp đôi lên lịch tổ chức lễ cưới ở nhà hàng giờ phải hủy tiệc cưới, rắc rối khi giải quyết tiền cọc đặt tiệc.

Rắc rối vì hoãn tiệc cưới do dịch Covid-19 

Theo chị N.N.H.K. (ngụ Q.9, TP.HCM), chị đặt tiệc cưới ở nhà hàng tiệc cưới M.Th. (Q.Thủ Đức). Dự kiến lễ cưới diễn ra vào trưa 29.3 với 40 bàn tiệc, ước tính chi phí là 137, 6 triệu đồng.
Theo hợp đồng giữa hai bên, chị K. đặt cọc cho nhà hàng hai đợt, đợt 1 là 8 triệu đồng, đợt 2 là 45 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 23.3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên vợ chồng chị K. quyết định không tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng M.Th., chỉ tổ chức đơn giản trong gia đình. Cùng thời điểm này, UBND TP.HCM yêu cầu tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các nhà hàng phải tạm nghỉ để phòng chống dịch.

Thiệp mời cưới của chị K. 

Ảnh: C.T.V.

Theo chị K., ngày 23.3 (trước đám cưới 6 ngày) gia đình chị có báo cho nhà hàng M.Th về việc không tổ chức đám cưới tại đây vì lý do dịch bệnh và thực hiện đúng quy định của UBND TP.HCM. Chị K. xin gặp chủ nhà hàng để xin lại 53 triệu đồng đã đặt cọc, nhưng qua điện thoại, chủ nhà hàng không chấp nhận mà yêu cầu dời tiệc cưới qua dịch bệnh hoặc chịu mất 8 triệu đồng đặt cọc lần 1, còn 45 triệu đồng sẽ trả lại khi nào nhà hàng hoạt động ổn định trở lại. Chị K. và gia đình không chấp nhận hai phương án trên.
“Lập gia đình là chuyện trọng đại nhưng chúng tôi phải chấp hành quy định của nhà nước. Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, chúng tôi đề nghị nhà hàng trả lại tiền đặt cọc là chính đáng. Với vợ chồng tôi, hơn 50 triệu đồng là số tiền rất lớn để lập nghiệp” chị K. nói.

Công bố bệnh nhân 189, 190, 191, 192, 193, 194 mắc bệnh Covid-19

Nhà hàng hoàn trả 1 phần cọc, dời tiệc cưới 

Theo luật sư (LS) Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM), hợp đồng đặt cọc giữa nhà hàng tiệc cưới và chủ tiệc là một giao dịch dân sự, được xác lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Mọi vấn đề phát sinh liên quan sẽ được giải quyết căn cứ vào hợp đồng này.
Tuy nhiên, theo LS Cường, đây là tình huống bất khả kháng (trong đó có dịch bệnh truyền nhiễm, thiên tai...). Khoản 1 Điều 156 bộ luật Dân sự quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".  
Việc chấp hành quy định pháp luật trong thời điểm cả nước đang gồng mình chống đại dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết và phải được thực hiện một cách triệt để. Nếu tổ chức đám cưới trong thời gian chính quyền sở tại cấm thì cả 2 bên đều vi phạm, bị xem xét xử lý hành chính, thậm chí khởi tố hình sự. Do vậy, hai bên không nên căn theo từng câu chữ trong hợp đồng mà làm khó lẫn nhau.
"Nếu chưa phát sinh thiệt hại từ các bên (nhà hàng đã đặt đồ ăn….) thì các bên có thể thống nhất hoàn trả tiền cọc cho nhau. Hy vọng rằng các bên sẽ cùng chia sẻ, hợp tác để cùng vượt qua hoàn cảnh “éo le” này", LS Cường nói.
Ông T.T.L, quản lý nhà hàng M.Th., nói với PV Thanh Niên: "Do lúc đầu hai bên làm việc qua điện thoại, chưa hiểu nhau nên có sự hiểu nhầm dẫn đến chị K. bức xúc. Ngày 28.3, nhà hàng đã họp và thống nhất phần 8 triệu đồng chị K. đặt cọc lần 1 mỗi bên sẽ chịu thiệt hại 50% (tức chị K. nhận lại 4 triệu đồng). 45 triệu đồng đặt cọc lần 2, trước mắt nhà hàng trả lại chị K. 50%, 50% còn lại chị K. sẽ nhận sau ngày 15.4 (hết lệnh tạm dừng hoạt động các hàng quán đông người theo quy định của TP.HCM - PV)". Chị K. đã đồng ý với cách giải quyết này của nhà hàng M.Th.
Anh Phạm Khánh Hiệp (33 tuổi, ngụ đường Bình Quới, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dự định tổ chức tiệc cưới tại một nhà hàng trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) vào ngày 21.3, nhưng rồi phải tạm hoãn ngày trọng đại để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19. Anh đã đặt cọc 40 triệu đồng cho nhà hàng.
Khi hoãn tiệc cưới, anh Hiệp đã được nhà hàng đồng ý chuyển sang một ngày hợp lý mà chủ tiệc yêu cầu. “Tôi thấy nhà hàng chọn giải pháp này cũng hợp tình, hợp lý trong thời buổi khó khăn do đại dịch Covid-19” anh Hiệp chia sẻ.

2 lần hoãn đám cưới vì Covid-19

Ngày 29.3, ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, gia đình ông Huỳnh Tấn Thư (ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông) đã hoãn đám cưới của con gái lần thứ 2 để phòng dịch Covid-19.
Con gái ông Thư là chị Huỳnh Thị Quỳnh Trang, từ Nhật Bản về nước, dự định tổ chức đám cưới vào ngày 19.3 với anh Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền xã Bình Đông đến động viên hoãn đám cưới lại. Thay vì chuẩn bị làm cô dâu, chị Trang tự cách ly theo quy định tại gia 14 ngày.

Chính quyền trao giấy chứng nhận hết thời hạn cách ly cho chị Quỳnh Trang

Ảnh: Thanh Vũ

Đến ngày 27.3, chính quyền và ngành chức năng địa phương trao giấy chứng nhận hết thời hạn cách ly cho chị Trang. Gia đình ông Thư dự kiến tổ chức đám cưới cho con vào ngày 29.3, với khoảng 150 khách mời. Gia đình đã mua các loại thực phẩm để nấu tiệc cưới. Thế nhưng, khi đại dịch còn phức tạp, gia đình ông Thư lại quyết định hoãn đám cưới con gái lần 2.
Mấy ngày qua, ông Thư phải gọi điện cho bà con, họ hàng và bạn bè để xin lỗi khách mời về việc hoãn ngày cưới của con. Ngày 29.3, thay vì làm mâm cỗ đãi khách thì gia đình ông Thư chia thực phẩm đã mua về cho người thân, hàng xóm. "Họ chấp hành phòng chống dịch Covid - 19 quá tốt, nghĩ cũng thương cho họ", ông Nguyễn Thanh Vũ nói.
Phạm Anh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.