Hotline an sinh trong đại dịch - Kỳ 4: Đạo diễn, giám đốc bốc xếp, mang vác hàng cứu trợ

06/09/2021 15:33 GMT+7

Sài Gòn trải qua nhiều cấp độ giãn cách xã hội , người dân gặp không ít khó khăn, nhất là đối với người nghèo, người lao động ở những xóm trọ... Những nhóm tình nguyện viên từ Trung tâm an sinh tỏa đi giúp bao cảnh đời.

Dường như không còn những đường biên địa vị, nghề nghiệp..., khi mục sở thị Trung tâm an sinh TP.HCM, chúng tôi biết nhóm tình nguyện viên trung chuyển rau củ, lương thực, túi an sinh hằng ngày cho các bếp ăn, người dân khó khăn... xuất thân từ mọi ngành nghề, ở đó, có cả những người là giám đốc, đạo diễn. Tất cả đều chung tấm lòng hướng về Sài Gòn thương yêu.

Cái cực của mình chỉ là phần nhỏ nhoi

Có lẽ nhiều người không xa lạ gì với đạo diễn Hồng Phú Vinh (50 tuổi) với những bộ phim truyền hình nổi tiếng như “Vùng hạ chuyển mình”, “Cạm bẫy”...
Ông Vinh sinh ra và sống ở Sài Gòn. Làm phim được 30 năm, hầu như phim ông làm, bối cảnh đa số ở Sài Gòn. Với ông, Sài Gòn là trung tâm kinh tế, là đất của người tứ xứ đến học tập, làm việc. Ông ví von tại nơi này, anh em cả nước sinh hoạt chung với nhau. Thế mà, giờ nhìn đường sá, ông thấy như kiểu anh em đã ly tan.
Đạo diễn Vinh có nhiều dự án phim, nhưng ngừng 2 năm vì dịch Covid-19. Được bạn bè giới thiệu, ông tham gia đội SOS của Trung tâm an sinh TP.HCM (trụ sở đặt tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM) từ ngày 23.8. Đội SOS này có chức năng chuyển nhu yếu phẩm cho trường hợp cấp bách cần cứu trợ mà đội trực tổng đài tổng đài 1022, đường dây nóng của Trung tâm an sinh tiếp nhận.
“Công việc của tôi ở đội SOS là bốc xếp cái túi an sinh lên xe cho các thành viên chuyển đi. Ban đầu, tôi cũng có tham gia vận chuyển nhưng do công việc ở kho nhiều lên và có thêm người vận chuyển, nên tôi ở lại đây. Từ ngày 23.8, chúng tôi không có ngày nghỉ nào cả”, ông Vinh nói.
Loay hoay bốc xếp tại kho thấm mệt, ông Vinh kể: “Nhớ những ngày đầu, khi tôi còn được phân công đi theo phân phát những túi an sinh, tôi đến P.13, Q.Tân Bình. Ở đó, bà con khó khăn nằm trong khu phong tỏa, nhận túi qua hàng rào. Phát xong, bà con cúi đầu cảm ơn mình, tự nhiên, tôi thấy xúc động vô cùng, muốn rớt nước mắt”.
Đội hình SOS của Trung tâm an sinh có khoảng 40 tình nguyện viên, thực hiện công việc bốc xếp các túi an sinh lên xe và nhóm vận chuyển. Trong đó, lực lượng vận chuyển ngoài xe máy còn có 15 ô tô bán tải. Ông Trương Trần Phương, phụ trách Đội SOS của Trung tâm an sinh, cho biết, lượng túi an sinh mà đội SOS chuyển đi tùy thuộc vào danh sách người cần hỗ trợ cấp bách, trung bình những ngày qua không dưới 400 đơn. Tính đến tối 5.9, chương trình SOS đã hỗ 10.548 phần quà và 9.017 lốc sữa.
Với người đạo diễn này, tham gia tình nguyện trong đội SOS có cực nhưng chỉ là cực chút đỉnh vì chẳng sá chi so với niềm vui mà công việc này mang lại.
“Tôi không thể ngồi trong nhà trong khi các y bác sĩ, công an... ở những điểm nóng, đối diện mất mát”, ông Vinh chia sẻ tiếp: “Tuy mình chỉ là một phần nhỏ, nhưng cũng là trong cộng đồng. Mình làm được gì đó, góp chút sức gì đó cho cộng đồng để vượt qua đại dịch là niềm vui lớn lao rồi. Mình làm được gì thì mình cứ làm”.

Đạo diễn Hồng Phú Vinh (trái) và cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh tham gia đội SOS của Trung tâm an sinh

SONG MAI

Trong đội SOS, “người thế vai và thực hiện nhiều pha nguy hiểm nhiều nhất Việt Nam năm 2006” - cascadeur, đạo diễn Nguyễn Quốc Thịnh cũng xắn tay làm nhiệm vụ chuyển các túi an sinh. Tham gia đội từ ngày 23.8, anh Thịnh đi làm với tâm thế “sẵn sàng vận chuyển để giúp bà con, vì giờ phút này người dân rất cần mình”.
Anh Thịnh ngày nào cũng... chạy, sáng nhận nhiệm vụ chạy giao quà theo đơn SOS, xong công việc này, anh về phát tiếp các nguồn rau, củ do anh tự vận động cho người dân ở khu trọ nghèo, khu cách ly...
“Thấy vậy, có nhiều đường khó đi, bị chặn hết không qua được, phải đi đường vòng. Có những người là F0, mình chỉ biết giao đồ cách cánh cửa nhà họ. Và mình có thể nghe tiếng nói đang mệt mỏi của người bệnh cũng như lời cảm ơn của họ qua cánh cửa. Nhưng mình nói là người vận chuyển thôi, còn quà thì của Trung tâm an sinh, là của người dân đồng lòng quyên góp”.
Những ngày đầu đi phát các túi an sinh, anh Thịnh vào những hẻm lao động nghèo, nhiều người cũng rất muốn có đồ ăn nhưng do theo danh sách nên không đủ phần. Vì vậy, bây giờ sau xe của anh luôn “thủ” sẵn gạo, mì, bánh... mà anh tự vận động, để lỡ bà con có cần, anh đáp ứng kịp.
Với công việc này, anh Thịnh nghĩ... còn cực hơn so với nghề đạo diễn, cascadeur. Anh nói: “Vì phải chạy, chạy bằng mọi giá để giao cho người dân. Những ngày qua, tôi chỉ cầm theo bánh để ăn chống đói luôn trên xe. Tôi sẽ làm đến khi nào mình chịu không nổi, nhưng hiện tại thì tôi vẫn còn sức nhiều lắm, cứ cố gắng”.

Chuyển rau củ, chuyển cả tấm lòng của đồng bào

Sáng 5.9, anh Nguyễn Đỗ Đức Dũng, giám đốc một công ty chuyên phân phối các sản phẩm công nghệ, chạy xe xuống Hội dòng mến thánh giá Khiết Tâm (P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) để chuyển các phần rau củ của Trung tâm an sinh TP.
Đến đây, sơ Teresa Phạm Thị Thuê tất bật ra phụ lấy hàng. Sơ nói, tại đây nấu khoảng 300 phần cơm gửi qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Thủ Đức để đơn vị phân phối cho các bệnh viện. Nay có phần rau của Trung tâm chuyển xuống nữa, sơ mừng, vì các phần ăn không chỉ cung cấp cho các bệnh viện mà còn sẽ giúp thêm cho người khó khăn quanh đây.

Anh Dũng (đội xe Caravan) chuyển rau củ xuống Hội dòng mến thánh giá Khiết Tâm (TP.Thủ Đức)

SONG MAI

Anh Dũng là một trong những thành viên của đội xe Caravan tình nguyện tại Trung tâm an sinh. Từ đầu đợt dịch, đội xe Caravan là lực lượng chủ chốt, vận chuyển hàng hóa là lương thực, rau củ... mà các tỉnh hỗ trợ TP.HCM về quận, huyện, các bếp ăn từ thiện, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em mồ côi...
Anh Dũng nói: “Tôi chỉ tham gia được buổi sáng, vì buổi chiều lo việc của công ty. Có những bữa giao hàng nhưng họp đột xuất, tôi đóng cửa, họp luôn trong xe. Tất cả không quan trọng bằng việc là những điều mình làm hiện đang có ích, giúp đỡ người dân”.
Ai trong đội Caravan cũng đều có tinh thần không nề hà vất vả. Chị Võ Thị Thảo (43 tuổi) là chủ một công ty chuyên tư vấn, quảng cáo sản phẩm quà tặng... Chị Thảo cũng ở đội Caravan và kiêm luôn phát túi an sinh ở đội SOS. Chị cho hay, dịch giã nên công ty của chị phải chuyển qua làm việc online. Chị có nhiều thời gian hơn và có thể vừa quản lý công ty, vừa đi tình nguyện.
Thường khoảng 8 giờ, chị Thảo sẽ có mặt tập kết tại Trung tâm an sinh. Chị cho hay: “Buổi sáng tôi giao hàng rau củ trước, sau đó về phát túi an sinh cho đội SOS. Khoảng 18 – 19 giờ sẽ xong. Nếu đơn SOS nào chưa giao kịp thì sáng mai anh em dậy sớm giao sớm”.
Chị Thảo nói, chuyển rau củ không chỉ là chuyển vật chất. Chị chia sẻ: “Ở đây, từng cọng rau, củ, hũ muối, mắm... gửi vào được huy động từ nhiều nguồn, vùng còn nhiều khó khăn như H.Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An..., địa phương đi tới từng nhà để vận động. Người dân có củ khoai, củ sắn, quả bí đều gửi đến hỗ trợ TP.HCM, khi chuyển hàng, đó còn là chuyển tấm lòng của đồng bào mình”.
Thế nên, sau khi bốc xếp chuyển lên xe, cả đội thi nhau “chạy ầm ầm” để hàng có mặt tới các nơi nhanh nhất mà rau củ không bị héo, dập, sẽ rất lãng phí tấm chân tình của bà con cả nước.

Chị Thảo kiêm luôn công việc của đội SOS và đội xe Caravan

SONG MAI

Chị Thảo nhẩm tính, từ lúc tham gia tới giờ đã chuyển được 150 chuyến hàng, có ngày đi gần 300km. “Thường thì tôi chuyển rau, củ xuống các bếp ăn. Tôi nhớ, bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa ở H.Hóc Môn, nơi này chuyên nấu ăn cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện. Có hôm, chuyển hàng xuống lúc 12 giờ trưa, lúc đó đói lắm rồi, tôi không có cơm ăn mới xin bếp phần ăn. Cầm phần ăn lên mà tôi muốn rớt nước mắt, vì ở đó họ khó khăn quá, phần ăn chỉ có cơm, bịch canh ít rau. Nên anh em ở đây thấy ngoài phần hỗ trợ của trung tâm, còn vận động người khác để cho thêm”, chị Thảo kể.
Có khi nữ giám đốc này chuyển hàng tới bệnh viện, nơi có gần 200 y bác sĩ, trực chiến 100% quân số. “3 tháng qua họ ăn ở, sinh hoạt ở trường học, ngủ thì kê bàn học sinh lại làm giường, chưa về thăm nhà, gặp con cái. Khi ấy mình cảm thấy mình quá bé nhỏ quá so với sự hy sinh của họ”.
Như bao tình nguyện viên khác ở Trung tâm an sinh, chị Thảo mong sự cống hiến nhỏ nhoi của mình sẽ góp phần cùng Sài Gòn vượt qua đại dịch. Chị chia sẻ: “Mình muốn là phần gì đó cho xã hội, muốn cho nhân viên, con cái của mình hiểu, ngoài trách nhiệm với bản thân, gia đình, không được quên cộng đồng mình đang sống”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.