Họp Hội đồng nhân dân Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: Bức xúc vấn nạn giao thông

08/12/2011 00:25 GMT+7

Hôm qua 7.12, kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Hà Nội khóa 14 đã khai mạc.

Hôm qua 7.12, kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Hà Nội khóa 14 đã khai mạc.

 

Các đại biểu tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội - ảnh: Việt Chiến

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã trình HĐND TP các giải pháp về vấn đề giao thông. Theo đó, cùng với việc thực hiện giải pháp điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn, UBND TP tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: xây dựng đề án quản lý phương tiện lưu thông trên các tuyến đường và khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Rà soát, kiểm tra các điểm trông giữ phương tiện ô tô, xe máy trên lòng đường vỉa hè, tiến hành thu hồi tất cả các vị trí dừng đỗ (cả không phép và có phép) gây ảnh hưởng tới giao thông trong khu vực.

Trong Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2011, kế hoạch 2012 của HĐND TP.Hà Nội, Ban Pháp chế thống nhất và đề nghị HĐND TP thông qua đề án Điều chỉnh giờ học, giờ làm do UBND TP trình nhưng đề nghị bổ sung H.Gia Lâm vào phạm vi điều chỉnh (theo tờ trình có 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm trong danh sách đổi giờ học, giờ làm). Theo tờ trình của UBND TP, thời gian bắt đầu học của nhóm THPT từ 6 giờ 30 và kết thúc sau 19 giờ 00. Đối tượng học sinh mầm non, tiểu học cần cân nhắc thời gian làm việc từ 7 giờ 30 - 17 giờ 30 vì thời gian làm việc của giáo viên là 10 giờ/ngày, chưa đúng với quy định của bộ luật Lao động.

Tuy đồng ý với chủ trương cần đổi giờ học, giờ làm nhưng ĐB Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội chê thẳng thừng: “Đề án chẳng có đánh giá cụ thể gì cả, sơ sài vài trang giấy. Tôi cứ tưởng đề án cấp I làm, chứ không phải tờ trình HĐND TP. Một đề án có tác động lớn như vậy phải nghiên cứu thấu tình đạt lý chứ như thế này là thiếu khoa học...”.

ĐB Lê Văn Thư - Chủ tịch UBND H.Từ Liêm cũng đặt vấn đề: “Cháu tôi nhà cách trường 20 km, sáng vào lớp 6 giờ 30, chiều tan sau 19 giờ, vậy nghĩa là cháu sẽ phải dậy từ 4 giờ 30 và về tới nhà sau 21 giờ? Trung tâm thương mại, dịch vụ họ có quyền kinh doanh nên khó buộc họ mở cửa sau 9 giờ. Nếu thế, họ đòi đóng thuế một nửa chúng ta có chịu không?".

TP.HCM: chất vấn về trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông

Chiều cùng ngày, kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa 8 đã thông qua 9 tờ trình của UBND TP.

Theo đó, bảng giá đất năm 2012 vẫn giữ nguyên như năm 2011, chỉ bổ sung hoặc điều chỉnh cục bộ đối với một số tuyến đường, đoạn đường được nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và các tuyến đường, đoạn đường mới hoàn thành hoặc mới được đặt tên. Ô tô dưới 10 chỗ ngồi (kể cả tài xế) khi đăng ký mới và chuyển từ các tỉnh về phải nộp lệ phí trước bạ 15% (tăng thêm 5% so với năm 2011), 10% trước bạ đối với đăng ký lần thứ 2 trở đi. Thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai trên địa bàn TP với mức 200.000 đồng/lần trích lục hồ sơ.

Kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn vốn ngân sách TP năm 2012 với tổng số tiền 15.238 tỉ đồng, ưu tiên thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án (DA) xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, mở rộng xa lộ Hà Nội và DA xây dựng tuyến đường sắt Bến Thành - Tham Lương...

Sáng cùng ngày, Chủ tọa kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thông báo 4 nhóm vấn đề chất vấn trực tiếp theo định hướng của Thường trực HĐND: ô nhiễm môi trường xung quanh các KCX, KCN, trên các kênh rạch và ô nhiễm không khí; tình trạng kéo dài một số DA ảnh hưởng đến đời sống người dân; tình hình và giải pháp thực hiện các DA chuyển tiếp trong lĩnh vực y tế, giáo dục; trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông, biện pháp xử lý nạn đua xe trái phép, đinh tặc, mục tiêu kéo giảm 10% tai nạn giao thông trong năm 2012.

Việt Chiến - Đức Minh - Đình Phú - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.