Hơn 10 tấn cá bớp ở biển Kê Gà chết đột ngột

23/06/2016 18:18 GMT+7

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, có khoảng 10 tấn cá bớp chết, ước tính thiệt hại khoảng 2,5 tỉ đồng.

Chiều 23.6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Bình Thuận và Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) tỉnh tiếp tục lấy mẫu để phân tích tìm nguyên nhân khiến hơn 10 tấn cá bớp ở biển Kê Gà chết hàng loạt.
Tại hộ ông Nguyễn Văn Sáu, có 10 lồng cá bớp (khoảng 44 m2/lồng) nổi lên nhiều xác cá chết.
Theo ông Lê Văn Dưỡng, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Tân Thành, hộ ông Sáu chết hơn 3.500 con cá (cá từ 4-5 kg/con) ước khoảng hơn 7 tấn cá. Nơi nuôi cá có độ sâu từ 6 đến 8 m.
Đối với hộ của ông Nguyễn Đức Lộc (nuôi sát hộ ông Sáu), có 8 lồng cá, trong đó 7 lồng cá bớp bị chết. Cá của ông Lộc nuôi sau, nên nhỏ hơn (3 kg/con; tương đương khoảng 4 tấn).
“Hiện tượng cá chết đã xảy ra 2 ngày nay. Tổng cộng cả hai lồng bè cá của hai hộ dân này đã có hơn 10 tấn cá bị chết, tính đến sáng nay (23.6)”, ông Dưỡng cho biết.
Cũng theo ông Dưỡng, 2 hộ dân khác là các ông Cao Hòa Minh và Lâm Quốc Ẩn cũng nuôi cá bớp ở khu vực này nhưng không xảy ra hiện tượng cá chết.
Còn theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, có khoảng 10 tấn cá bớp chết, ước tính thiệt hại khoảng 2,5 tỉ đồng.
Trong khi đó, Chi cục Thủy sản Bình Thuận khẳng định, toàn bộ các hộ nuôi cá lồng bè khu vực Kê Gà đều là tự phát và trái phép vì tỉnh không quy hoạch nuôi cá bè ở khu vực này (khu vực này được quy hoạch cho du lịch). 
Tất cả cá bớp bị chết đều tróc da và có màu trắng trên da

Phó chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Nam Đỗ Văn Hoàng cho biết: “Công an phát hiện có một ống xả thải ngầm ra biển từ lò cá cơm của một hộ dân chuyên làm nghề hấp cá cơm phơi khô. Vị trí ống xả thải này cách khu vực nuôi cá chừng 1 km. Công an huyện đã đến kiểm tra và lập biên bản hiện trường. Tuy nhiên, việc cá chết của 2 hộ dân có phải từ việc xả thải này hay không phải chờ cơ quan chuyên môn của tỉnh điều tra, làm rõ”.
Cơ sở hấp cá cơm mà công an vừa phát hiện ống xả thải ngầm dưới biển là của ông Huỳnh Trí Thiện, trú ở P.Mũi Né, đến Kê Gà mở cơ sở hấp cá cơm xuất khẩu.
Theo bà Mai Thị Lệ Ngà, cán bộ Phòng TN-MT H.Hàm Thuận Nam, cách đây 2 năm, ông Thiện có làm hồ sơ xin xả thải ngầm ra biển, nhưng không được các cơ quan chuyên môn của huyện cho phép.
Ông Đỗ Văn Thái, Phó giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận cho biết thêm, Chi cục môi trường phối hợp với PC49 đã lấy mẫu nước, mẫu cá chết từ lồng bè của 2 hộ dân. Đồng thời, lấy mẫu nước từ cơ sở hấp cá cơm của ông Thiện để kiểm nghiệm, tìm nguyên nhân cá chết.
Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho rằng các bè nuôi cá ở Kê Gà là tự phát vì nơi đây đã được quy hoạch làm du lịch
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.