Hôm nay sẽ 'chốt' việc tăng lương tối thiểu năm 2018?

28/07/2017 06:00 GMT+7

Sáng nay (28.7), Hội đồng tiền lương quốc gia họp bàn về lương tối thiểu vùng năm 2018 diễn ra tại Hà Nội. Đây là phiên họp thứ 2 về việc này vì trước đó các phương án chưa được đồng thuận.

Tại phiên họp cách đây 1 tháng, nhiều phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 được các bên đưa ra. Phía Tổng Liên đoàn lao động đã đưa ra mức lương tối thiiểu năm 2018 từ 370.000 - 450.000 đồng, tương ứng với 13,3% so với mức lương tối thiểu năm 2017.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại kiến nghị không tăng hoặc chỉ tăng dưới 5%. Còn Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra 3 mức tăng: mức 5% (từ 130.000 - 180.000 đồng); mức 6% (từ 160.000 - 220.000 đồng) và mức 6,8% (từ 180.000 - 250.000 đồng). Phiên họp này là cơ hội để các bên tranh luận, bảo vệ phương án của mình
PGS - TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia chia sẻ: “Cứ để công nhân sống khổ mãi thì không ổn. Điều 91 Bộ luật Lao động quy định tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, nhưng luật có hiệu lực 5 năm nay mà đến nay lộ trình vẫn chưa đạt. Tổng Liên đoàn lao động muốn giải quyết vấn đề lương tối thiểu bằng với mức sống tối thiểu trong năm 2018, nên đề xuất mức tăng lương năm 2018 là 13,3%. Sau khi bằng nhau rồi thì lúc đó Hội đồng tiền lương quốc gia có thể 2 năm, 3 năm họp một lần cũng được”.
Trong khi đó, VCCI - đại diện giới chủ doanh nghiệp lại khẳng định, doanh nghiệp đang gặp khó khăn và cạnh tranh gay gắt. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết: “Trước phiên họp lần 2, VCCI đã tổng hợp ý kiến của gần 100 doanh nghiệp và các hiệp hội. Đa phần các doanh nghiệp đều kiến nghị không tăng, chỉ rất ít doanh nghiệp đồng ý tăng ở mức rất thấp”.

tin liên quan

Tranh cãi về lộ trình tăng lương tối thiểu
Tại hội nghị đối thoại về thực thi pháp luật lao động do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 21.7, nhiều doanh nghiệp (DN) kiến nghị giãn lộ trình tăng lương tối thiểu vùng do không chịu đựng nổi, nhưng cơ quan chức năng cho rằng không thể không điều chỉnh mức lương để đảm bảo đời sống người lao động.
Cũng theo VCCI, quỹ lương của doanh nghiệp ngành da giày chiếm 70 - 75% trong giá gia công và ngành dệt may chiếm tới 72 - 78% giá gia công của sản phẩm may xuất khẩu. Nếu lương tối thiểu tăng hàng năm trong khi giá gia công có xu hướng giảm và không tăng, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm dần, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày, thủy sản đã ngừng kế hoạch tăng lương thường xuyên cho người lao động, các doanh nghiệp yếu thì cắt giảm phần lương mềm của đa số người lao động để bù đắp vào các chi phí tăng thêm.
“Nếu tăng lương như đề xuất của Tổng Liên đoàn và phương án của Hội đồng tiền lương, thì nhiều doanh nghiệp sẽ chết, không thể tồn tại được, nhất là những doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp”, ông Phòng nói.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cho hay tăng lương tối thiểu là vấn đề lớn, không chỉ đối với Việt Nam mà với tất cả các nước trong khu vực vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hội đồng tiền lương sẽ tạo điều kiện cho 2 bên tranh luận, thương lượng. Theo quy định, mỗi bên sẽ có quyền dừng phiên họp 1 lần. Khi đã hết quyền dừng cuộc họp, nếu các bên vẫn chưa thống nhất được phương án chung, Chủ tịch hội đồng tiền lương quốc gia sẽ trình phương án đề xuất tăng lương tối thiểu để bỏ phiếu và trình Chính phủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.