Hôm nay, khai mạc Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII

03/10/2005 23:09 GMT+7

8 giờ 15 sáng nay, 1.270 đại biểu và khách mời tham dự lễ khai mạc Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội (VTV1 truyền hình trực tiếp). Đại hội mang chủ đề: Phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Thanh Niên xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu của Đại hội.

Anh hùng bắt cướp Nguyễn Văn Minh Tiến: "Không liều, sao bắt được cướp ?"

Không khó lắm để tìm nhà anh Tiến. Ở phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM, ai cũng biết anh chàng... "Vân Tiên họ Nguyễn" (tên thân mật mà bà con dùng để gọi anh) với hơn 150 lần bắt cướp. Nhà đóng cửa im ỉm, tôi phải đợi đến 10 phút mới có người mở. Chị Hồ Ngọc Thu - vợ anh Tiến cho biết: kể từ khi về làm vợ anh đến giờ, nhà vẫn luôn cửa đóng then cài như vậy, bất kể là ngày hay đêm. Hôm tôi đến, anh Tiến đang... bay ra Hà Nội dự Đại hội Thi đua toàn quốc. Trước khi đi anh dặn vợ là tối phải về nhà ngoại ngủ. "Có lần, ảnh bày ra cái cớ gây sự với em, rồi đuổi em về ngoại. Giận quá, em về ở luôn 3 tháng, mãi sau này mới hiểu đó là cách mà ảnh bảo vệ vợ con". Đã không ít lần anh bị bọn cướp đe dọa, nếu còn tiếp tục cản đường "làm ăn" của chúng. Chị Thu kể: "Ban đầu nhiều người bảo ảnh là "thằng khùng", không lo làm ăn, lại đi lo chuyện... bao đồng, làm em cũng chột dạ. Nhưng càng về sau, em càng thông cảm hơn với chuyện "bao đồng" của ảnh".

8 năm ở với nhau, anh sửa chữa hàng điện tử còn chị tần tảo bán báo mỗi sáng sớm. Phấn đấu để có lấy một căn nhà nhưng đến giờ, anh Tiến, chị Thu vẫn ở nhà thuê; và việc sở hữu một căn nhà vẫn là chuyện... trong mơ. Chị Thu kể: "Cứ sau mỗi lần "quăng xe" bắt cướp, anh Tiến trở về nhà với chiếc xe đầy thương tích, chị lại phải âm thầm dắt xe đi sửa. Hư nhẹ thì vài chục ngàn đồng, nặng thì tốn tiền trăm". Trong căn nhà thuê này, quả thật không thấy món gì có giá trị lớn ngoài một số đầu máy cũ để anh Tiến mày mò học nghề. Nhưng cái giàu của anh thì không phải ai cũng có được, đó là 33 tấm bằng khen, giấy khen kèm theo lời khen tặng "Vì nước quên thân - Vì dân phục vụ" treo kín một bên tường phòng khách. Chị Thu chỉ cho tôi xem chiếc xe vừa sửa xong sau chuyến bắt cướp của chồng. Qua điện thoại, anh Tiến cho biết, đó là chuyến bắt cướp mới nhất - ngày 29.9. Chiếc xe Dream anh đã trả lại cho người bị hại tên Hà, dưới yên xe còn đủ 26 triệu đồng. Quá cảm kích, ông Hà đã chiêu đãi anh một chầu ra trò. Chị Thu kể, khi bắt cướp anh Tiến chạy xe rất nhanh. Chị khuyên anh không nên liều mạng, anh cãi: "Không liều sao bắt được cướp? ".

Nhưng anh chàng "Vân Tiên họ Nguyễn" làm tôi thật sự bị "sốc" khi nghe vợ anh kể: "Ảnh đã đi tiệm chụp sẵn một tấm hình chân dung để lỡ có gì vợ con có hình mà... thờ!". Tất cả chỉ vì anh Tiến trước sau vẫn "thề không đội trời chung" với bọn cướp.

Về dự Đại hội có 87 cá nhân anh hùng, trong đó có 9 nữ anh hùng, anh hùng người dân tộc 2 người và 243 đại diện tập thể anh hùng; 122 chiến sĩ thi đua toàn quốc đại diện cho 737 chiến sĩ thi đua toàn quốc từ 2001-2005; 419 đại biểu là những gương mặt điển hình xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, những người gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước những năm gần đây. Theo dự kiến chương trình, Đại hội sẽ nghe 22 báo cáo điển hình, trong đó có 8 báo cáo đại diện đơn vị điển hình, 14 báo cáo của cá nhân điển hình. Trong số các cá nhân báo cáo điển hình có NSƯT Nguyễn Lan Hương - Nhà hát Tuổi trẻ, Nguyễn Khánh Ánh Hoàng - học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận Phú Nhuận, TP.HCM từng đoạt nhiều huy chương vàng trong nước và quốc tế; ông Nguyễn Văn Nguyên - từ một phạm nhân đã bằng ý chí và nghị lực của mình vượt khó, làm giàu và tham gia công tác xã hội thành công ở tỉnh Cao Bằng...

Nguyên Thủy

Cô giáo mù và hai tấm bằng đại học

Cất tiếng khóc chào đời bên dòng sông Ngàn Phố, cô bé Đinh Việt Anh (sinh năm 1978 tại xã Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng có đôi mắt đen long lanh như bao trẻ em khác. Nhưng tai họa ập xuống khi cô lên 3 tuổi: căn bệnh thoái hóa giác mạc khiến mắt cô ngày càng mờ dần.


Đinh Việt Anh bên chiếc máy tính trị giá gần 6 triệu đồng dành dụm gần 4 năm trời mới mua được
Đến tuổi đi học, Việt Anh nằng nặc đòi bố cho đi. Ông bố đành dẫn con đến lớp xin thầy cho ngồi bàn đầu. Ban ngày, cô bé ấy phải ra sát cửa sổ để đọc, đêm về lại khêu to ngọn đèn cặm cụi viết. Có những khi ngọn lửa đèn dầu bập bùng xém vào tóc khét lẹt, Việt Anh vẫn hì hụi viết... Năm lên cấp II, đôi mắt cô càng mờ dần, những dòng kẻ hằn đậm lên cũng không giúp cô nhìn rõ mặt chữ. Việt Anh phải nghỉ học. Nằm nhà ôm gối khóc, tiếng trống trường văng vẳng bên tai thổi bùng trong cô khát khao đi học. "Mù cũng phải học", Việt Anh nói với bố. Ngày hôm sau, người dân trong làng lại thấy ông bố đèo con đến lớp.

"Khó nhất là môn hình học không gian, em không thể nhìn thấy, chỉ có thể căng đầu tưởng tượng", Việt Anh nhớ lại. Có lần đang đêm, bà mẹ giật mình thấy có tiếng động, đứa con gái chợt tỉnh giấc khêu đèn lụi hụi vẽ. Mẹ hỏi, Việt Anh trả lời: "Con vừa hình dung cách giải một bài hình không gian, cần vẽ thêm đường chéo nữa là có thể tính được thể tích hình này". Đáp lại công sức của cô gái mù đầy nghị lực, 12 năm học là 12 năm chiến đấu vật lộn với con chữ để rồi vị trí đầu lớp chưa bao giờ tuột khỏi tay cô.

Tốt nghiệp phổ thông, cô gái 19 tuổi đánh dấu bước trưởng thành của mình bằng những giọt nước mắt trong trang nhật ký. "Mình đã hỏi khắp nơi mà không trường nào nhận hồ sơ cho học sinh mù thi đại học, biết làm thế nào đây ? Chẳng lẽ 12 năm đèn sách giờ đành bỏ phí". Đó cũng là khi những dòng thơ, truyện ngắn của cô chảy tràn trên mặt giấy. Không ít tác phẩm đã được đăng trên báo, đài. Cô được làm quen với chữ nổi và được Tỉnh hội người mù Hà Tĩnh giới thiệu ra học tập tại Trung tâm phục hồi chức năng người mù. Tốt nghiệp khóa học với thành tích xuất sắc, cô được giữ lại làm giảng viên hỗ trợ những người đồng tật. Tìm khắp nơi, cuối cùng cô vui mừng nộp hồ sơ thi vào hệ tại chức khoa Quản lý xã hội Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô đỗ với điểm số rất cao.

Đinh Việt Anh, cử nhân ngành quản lý xã hội, được Hội Người mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương lựa chọn là một trong năm người mù của khu vực tham dự lớp học công nghệ thông tin tại Nhật Bản, hiện là cán bộ phụ trách bộ môn Tin học tại Trung tâm phục hồi chức năng người mù Hà Nội.

Ngày ngày lên lớp chép bài bằng chữ nổi, tối về dò dẫm đọc lại từng dòng, ngày thi lại lạch cạch gõ máy chữ thường để trả bài. Hiếm có bài thi nào của cô dưới điểm 8. Cũng từ đó, công việc của cô bận hơn rất nhiều. Hằng ngày, sáng lên lớp giảng dạy cho người mù, chiều tối cô lại bắt xe ôm tới lớp. Suốt hơn 1.000 ngày, dù mưa gió bão bùng hiếm khi lớp vắng tiếng lách tách từ chiếc máy chữ nổi cổ lỗ của cô gái khiếm thị. Mùa hè 2004, điểm 10 cho khoa luận với đề tài "Thực hiện chính sách giáo dục với người mù tại Việt Nam", Việt Anh tốt nghiệp đại học với điểm số 8,68. Bạn bè trong lớp toàn người mắt sáng, vị trí dẫn đầu lớp thuộc về cô gái mù. Việt Anh kể: "Học đại học, em mới biết tiếng Anh quan trọng thế nào trong quá trình hội nhập. Năm 2002, khi đang học tại chức, em đăng ký thi khoa Tiếng Anh hệ từ xa Viện ĐH mở Hà Nội". Cô đang có dự định đăng ký vào lớp cao học sắp mở của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

Ngày 22.7, một niềm hạnh phúc vô bờ đến với cuộc đời Việt Anh: cô đã vinh dự được kết nạp Đảng.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.