Hội Luật gia Việt Nam sát cánh cùng các nạn nhân để đòi công lý

14/06/2007 17:12 GMT+7

Giới Luật gia sẽ sát cánh cùng các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam để đòi công lý. Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh khẳng định như vậy tại buổi mít tinh được tổ chức ngày 14.6 tại Hà Nội, nhân dịp Tòa phúc thẩm số 2 Hoa Kỳ mở phiên tranh tụng để xét xử vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Tham dự buổi mít tinh có Phó viện trưởng thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiêm Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Quốc Vượng và các đông đảo các luật gia công tác tại các bộ, ngành Trung ương. Đến dự còn có các nhân chứng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Làng Hữu Nghị - Vân Canh, Hà Tây.  Các đại biểu tham dự buổi mít tinh cũng đã quyên góp ủng hộ các nạn nhân.

Tại buổi mít tinh, Hội Luật gia Việt Nam lên tiếng yêu cầu Tòa phúc thẩm số 2 Hoa Kỳ bất chấp mọi sức ép, có quyết định công minh, công bằng, buộc các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã sản xuất và cung cấp những chất độc này cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam
về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đối với các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã cung cấp chất độc này cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam

Trong suốt một thập kỷ, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa chất lớn nhất trong lịch sử loài người tại miền Nam Việt Nam; không quân Mỹ đã trút 80 triệu lít chất diệt cỏ lên một diện tích gần 3 triệu ha rừng và ruộng lúa. Các chất diệt cỏ này gồm 41.635.000 lít chất độc da cam có chứa dioxin, một chất độc mạnh hơn triệu lần chất độc tự nhiên mạnh nhất được biết đến vào thời kỳ đó. Chất độc da cam/dioxin đã để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường và con người Việt Nam. Thực tế đau thương của nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã khẳng định các công ty hóa chất Mỹ do chạy theo siêu lợi nhuận đã trắng trợn và thô bạo vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm nhân quyền, gây nên nhiều thảm họa; ước tính có khoảng 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin, trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, chưa kể các nạn nhân bị đầu độc sau này qua thực phẩm. Điều đó cho thấy rằng, các công ty hóa chất Mỹ không thể lẩn tránh được trách nhiệm phải đền bù thiệt hại cho các nạn nhân.

Năm 1991, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật về da cam” thành lập một Ủy ban nghiên cứu vấn đề này. Sau khi công nhận tính nguy hiểm của chất độc dioxin, Ủy ban này khẳng định rằng “dioxin là một hệ thống phá hỏng hóc môn và có tác động nghiêm trọng lên hệ thống sinh sản của bào thai đang phát triển, lên não và đến hệ thống miễn dịch”. Năm 1996, Viện Y học Mỹ đã công nhận mối liên hệ giữa phơi nhiễm chất da cam và hàng chục căn bệnh như saccôm, lim - phôn, bệnh máu trắng, bệnh Hodgkin, ung thư hệ thống hô hấp, ung thư tiền liệt tuyến, tiểu đường loại 2, bệnh rối loạn sa chậm do póc-phi-ri, đau dây thần kinh cấp tính và bán cấp tính.

Năm 1979, do Hiến pháp Mỹ không cho phép khởi kiện Chính phủ về những hành động chiến tranh mà quân đội Mỹ đã tiến hành, 70.000 cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam và các tổ chức cựu chiến binh Mỹ đã khởi kiện đòi các công ty Mỹ sản xuất chất da cam phải bồi thường thiệt hại; để chấm dứt vụ kiện, các công ty này đã phải nộp 180 triệu đô la vào Quỹ bồi thường cho các cựu binh bị nhiễm bệnh do dioxin. Mới đây, tháng 1.2006, một tòa án Hàn Quốc đã buộc 2 công ty Dow Chemical và Monsanto phải bồi thường 6.800 nạn nhân Hàn Quốc bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.

Ngày 10.4.1975, Mỹ đã phê chuẩn Nghị định thư Genève và tuyên bố từ bỏ việc sử dụng chất diệt cỏ và khí chống bạo loạn trong chiến tranh.

Ngày 31.1.2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và 5 nạn nhân với danh nghĩa cá nhân đã khởi kiện đòi các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất da cam để cung cấp cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam phải bồi thường. Tuy nhiên, thẩm phán Weinstein ở Tòa sơ thẩm Mỹ đã đưa ra một phán quyết sai lầm là bác đơn kiện của các nguyên đơn Việt Nam, vì bị đơn đưa ra lập luận rằng Nghị định thư Genève chỉ cấm hơi ngạt và “các chất tương tự”. Tuy nhiên, các công việc chuẩn bị cho Nghị định thư Genève, cũng như mọi sự giải thích của các nhà chức trách ở Mỹ thời điểm ban hành Nghị định chứng tỏ rằng Nghị định thư Genève cấm mọi loại khí. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã xác nhận sự giải thích này trong Nghị quyết số 2603 A (XXIV) ngày 16.12.1969. Tại Nghị quyết này, Đại hội đồng Liên Hợp quốc tuyên bố, việc sử dụng trong chiến tranh bất kỳ loại hóa chất gây hậu quả độc hại trực tiếp đến con người, động vật và cây trồng đều trái với những nguyên tắc của pháp luật quốc tế được chấp nhận rộng rãi như các nguyên tắc được ghi tại Nghị định thư ký ở Genève ngày 17.6.1925.

Với những bằng chứng và lý lẽ nêu trên, Hội Luật gia Việt Nam tuyên bố cực lực phản đối phán quyết nói trên của thẩm phán Weinstein; yêu cầu Tòa phúc thẩm số 2 Hoa Kỳ vì công lý và lẽ phải, buộc các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam phải bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, vì công lý và lương tri, các nạn nhân chất độc da ca/dioxin Việt Nam nhất định sẽ được bồi thường thỏa đáng; thảm kịch đã xảy ra ở Việt Nam không được để xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Hội Luật gia Việt Nam xin gửi lời chia sẻ sâu sắc đến tất cả các gia đình và nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chúng tôi sát cánh cùng với các bạn để đòi công lý.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.