Hồi hộp... cáp treo

21/02/2010 00:20 GMT+7

Mất điện 45 phút, hàng trăm khách lơ lửng trên cabin cáp treo. Đến chiều 20.2, hệ thống cáp treo Chùa Hương vẫn không hoạt động. Mời nghe đọc bài

Khi cáp treo mất điện

Trong hai ngày mở hội, từ 19.2, khu di tích nổi tiếng Chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã đón gần 9 vạn du khách tới hành hương lễ Phật (ngày 19.2 có 4,5 vạn du khách, ngày 20.2 có 4,3 vạn du khách). Mọi việc đều diễn ra tốt đẹp nếu không xảy ra việc mất điện đột ngột trên hệ thống cáp treo lên động Hương Tích chiều 19.2.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Lê Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết bước đầu đã xác minh được nguyên nhân sự cố nói trên là do việc lưới điện quốc gia trục trặc làm cháy biến thế điện, làm cháy thiết bị cầu dao của lưới điện cáp treo Chùa Hương. Hiện Công ty cổ phần cáp treo Chùa Hương đang tìm mua cầu dao mới về thay thế.

Trước đó, vào khoảng 15 giờ 30 chiều 19.2, toàn bộ huyện Mỹ Đức bị mất điện do sự cố tại trạm biến áp trung gian Vân Đình, Ứng Hòa. Toàn bộ khu vực di tích Chùa Hương cũng bị mất điện và hệ thống cáp treo bị tê liệt khi đang vận chuyển khách lên động Hương Tích, làm cho hàng trăm du khách (trong đó có cả phụ nữ, người già và trẻ em) bị treo lơ lửng trên các cabin nằm cách mặt đất cả trăm mét suốt 45 phút trong tâm trạng đầy lo lắng. Việc mất điện đột ngột hệ thống cáp treo đã gây nhốn nháo, ứ đọng hành khách tại ga cáp treo. Rất may, sau đó, nguồn điện lưới cho khu vực Chùa Hương được cấp lại trong vòng 1 giờ và hệ thống cáp treo hoạt động trở lại, đưa số du khách bị mắc kẹt trên không trở về ga Thiên Trù. Nhưng ngay sau đó, sự cố mất điện lại tiếp diễn trên toàn bộ huyện Mỹ Đức, và kéo dài tới 20 giờ tối 19.2 thì sự cố trạm điện Vân Đình mới được khắc phục và cấp điện trở lại.

Từ năm 2006, hệ thống cáp treo Chùa Hương được đưa vào hoạt động với 45 cabin đi qua 3 nhà ga (Thiên Trù, Giải Oan và Hương Tích). Tổng chiều dài toàn tuyến cáp là hơn 1 km. Mỗi cabin chở được 6 hành khách và mỗi giờ hệ thống này vận chuyển được chừng 1.000 khách. Đây là lần đầu tiên hành khách bị treo trên không do mất điện ở hệ thống cáp treo Chùa Hương. “Bình thường, nếu mất điện nguồn thì sau 5 phút, máy phát điện tự hành của trạm điện cáp treo sẽ hoạt động ngay để tiếp tục cung cấp điện, đảm bảo cho việc vận hành của các cabin đang chở khách trên cao. Nhưng trong sự cố này, do chập cầu chì, xung đột điện phóng vào làm cháy automat nên máy phát điện tự hành cũng bó tay” - ông Sang phân tích.

Ông Lê Văn Sang cho biết thêm, tuy điện lưới quốc gia đã được cấp lại cho khu vực Chùa Hương, nhưng đến chiều 20.2, hệ thống cáp treo Chùa Hương vẫn không hoạt động được. Do lưới điện cáp ngầm ngay tại trạm biến áp bị hở điện nên máy phát điện tự hành dự trữ cũng không thể hoạt động được vì không đảm bảo an toàn. Sự cố đang được Chi nhánh điện huyện Mỹ Đức và Công ty cổ phần cáp treo Chùa Hương tập trung kiểm tra, sửa chữa. Ông Sang đã yêu cầu công ty dừng toàn bộ hoạt động của hệ thống cáp treo Chùa Hương để khắc phục tuyệt đối an toàn mới cho tiếp tục vận hành. Do cáp treo tê liệt, nên du khách lên thăm động Hương Tích phải hành hương bằng đường bộ trong ngày 20.2. Ông Sang cho biết, có khả năng trong ngày 21.2, hệ thống cáp treo Chùa Hương mới hoạt động trở lại bình thường.

Không phải lần đầu...

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố liên quan đến hệ thống cáp treo tại Việt Nam. Ngày 19.3.2008, tại hệ thống cáp treo tuyến Giải Oan - Hoa Yên khu vực Yên Tử (Quảng Ninh) đã xảy ra sự cố khiến tuyến cáp treo này phải ngưng hoạt động khi cầu chì của hệ thống chống sét của cáp treo bị chập, cháy. Ông Phạm Gia Lượng, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) cho biết thêm, trước đây, tại hệ thống cáp treo núi Bà Đen (Tây Ninh) đã xảy ra 2 sự cố liên quan đến cửa cabin. Theo ông Lượng, do việc đóng mở cabin của hệ thống cáp treo công nghệ của Trung Quốc không thật sự chắc chắn nên một người dân vì u buồn chuyện gì đó trong cuộc sống đã mở cửa cabin nhảy xuống đất. Vụ thứ 2, khi cháu bé tựa người vào cửa cabin, cửa đã bật mở và cháu bé rơi xuống đất. Rất may, không có thương vong xảy ra trong cả hai sự cố này. Tuy nhiên, người ta đã phải sửa lỗi kỹ thuật bằng cách lắp thêm hệ thống dây xích an toàn tại khu vực cửa cabin cáp treo.

Bắt đầu du nhập vào Việt Nam khoảng 7 - 8 năm trước, đến nay, hệ thống cáp treo đã được lắp đặt ở rất nhiều khu du lịch khắp từ Bắc vào Nam như: Yên Tử, chùa Hương, Bà Nà, Vinpearl Land, núi Lớn (Vũng Tàu)… góp phần phục vụ đắc lực du khách tham quan danh lam thắng cảnh. Ông Trần Thục, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, cáp treo là một trong những hệ thống thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật an toàn, khi vận hành có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của nhiều người. Vì thế, khi triển khai các công trình xây dựng cáp treo, phải kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu thiết kế đến tổ chức xây dựng công trình.

Theo ông Phạm Gia Lượng, hệ thống cáp treo ở nước ta được xây dựng trong vùng thung lũng, nên ít chịu ảnh hưởng của gió bão; có độ dốc lớn nhưng khoảng cách giữa các trạm ga lại ngắn hơn so với các hệ thống cáp treo ở các nước khác trên thế giới. Và mặc dù, từ trước đến nay, ở VN mới chỉ xảy ra một vài sự cố nhỏ liên quan đến cáp treo nhưng nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn khi vận hành cáp treo như cửa cabin bất ngờ bật mở hất du khách xuống đất, đứt cáp, rơi cabin, cabin bị treo giữa các trạm ga… vẫn luôn hiện hữu. Ông Lượng cho rằng, hiện chúng ta chưa chủ động, chưa sẵn sàng trong việc đánh giá tiêu chuẩn an toàn của các hệ thống cáp treo do các nước sản xuất với công nghệ khác nhau. “Cáp treo đã có mặt ở VN khoảng 7 - 8 năm nhưng chúng ta còn hạn chế trong việc chủ động về kỹ thuật để đảm bảo an toàn, cơ quan kiểm soát đánh giá chưa sẵn sàng”, ông Lượng nói.

Thêm vào đó, vẫn theo ông Lượng, hệ thống cáp treo hiện có ở VN được xây dựng theo những công nghệ và tiêu chuẩn khác nhau, trong đó nếu theo tiêu chuẩn châu u thì yên tâm, còn nếu theo tiêu chuẩn của một số nước khác thì vẫn còn những quan ngại nhất định. Việc thực hiện quy trình vận hành an toàn cũng là điều phải nghĩ tới khi mà theo quy định, cứ có gió cấp 5 - cấp 6 là phải ngừng hoạt động cáp treo, nhưng trên thực tế, vì lợi nhuận kinh tế, người ta vẫn cho chạy cáp treo.

Ông Lượng cho biết, thông tư về quản lý các công trình vui chơi công cộng, hệ thống cáp treo, máng trượt vừa mới được ban hành vào đầu năm 2010. “Thông tư có hiệu lực, chúng tôi mới có cái “gậy” để tiến hành kiểm tra đánh giá tổng thể các hệ thống cáp treo đã lắp đặt, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn trong vận hành, nhằm loại trừ các nguy cơ xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn cho du khách”, ông Lượng nói.

Thông tin về các hệ thống cáp treo

Cáp treo Tà Cú

Cáp treo Tà Cú (núi Tà Cú, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) được đưa vào sử dụng từ tháng 9.2003, dài 1,6 km. Ông Nguyễn Phi Long - Giám đốc Khu du lịch cáp treo Tà Cú cho biết nếu hệ thống cáp treo bị cúp điện thì khu du lịch có máy phát điện 720 KVA sẵn sàng. Nếu cả máy điện này bị hư hỏng thì còn có xe cứu hộ chạy bằng dầu, có thể chạy tự động trên hệ thống cáp và đưa du khách xuống núi dù chậm hơn cabin của cáp treo.

Cáp treo Đà Lạt

Hệ thống cáp treo Đà Lạt chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 1.2.2003. Hệ thống này khởi đầu từ đỉnh đồi Rôbin đến Thiền viện Trúc Lâm, với chiều dài 2.267m. Ông Trần Văn Nguyên, Giám đốc Khu du lịch cáp treo Đà Lạt cho biết: trong quá trình vận hành đôi khi vẫn xảy ra sự cố mất điện đột xuất, nhưng sẽ có máy phát điện 3 pha dự phòng tại nhà ga tự động phát điện chỉ sau 30 giây đến 1 phút để hệ thống cáp treo tiếp tục vận hành. Trường hợp máy phát điện cũng trục trặc, công ty dùng đến động cơ diezen kéo cabin vào để du khách không bị cảm giác treo lơ lửng giữa rừng thông.

Cáp treo Vũng Tàu

Năm 2003, theo chủ trương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty CP du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu (gọi tắt là VCCT) được thành lập để thực hiện dự án “Cụm du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ và cáp treo Vũng Tàu”, với tổng vốn  đầu tư 1.400 tỉ đồng. Để đề phòng các sự cố có thể xảy ra như cúp điện, công ty đã có máy phát 450 KVA. Bản thân hệ thống cáp treo cũng có máy cứu hộ dự phòng có thể chạy, kéo cabin suốt 3 giờ đồng hồ nếu sự cố cúp điện xảy ra.

Quế Hà - Nguyễn Long - Lâm Viên

Cáp treo Bà Nà - Suối Mơ

Ông Hoàng Văn Thiệu - Phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ cáp treo Bà Nà (BaNa Hills) cho biết: Sau gần 1 năm đưa vào vận hành sử dụng, hệ thống đã hoạt động khá tốt. Để ứng phó với các sự cố ngoài ý muốn như điện áp không ổn định, mất điện đột xuất, đơn vị đã có riêng hệ thống máy phát điện dự phòng. Do vậy, trong thời gian qua, hệ thống cáp treo vẫn hoạt động bình thường dù khu vực có bị mất điện dài ngày. Đối với trường hợp nếu hỏng toàn bộ hệ thống chuyển động thì sẽ có hệ thống vận hành độc lập bằng động cơ diezel đưa khách về ga với tốc độ 3m/giây. Nếu tất cả các phần điện, cơ đều bị hỏng sẽ có hệ thống thủy lực vận hành với tốc độ 1m/giây đưa khách về ga._Vũ Phương Thảo

Cáp treo Vinpearl

Là tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới, với chiều dài 3.320m, nối khu du lịch và sinh thái Phú Quý với khu du lịch và giải trí Vinpearl Land trên đảo Hòn Tre, thuộc vịnh Nha Trang, Khánh Hòa. Theo thiết kế, trường hợp mất điện lưới, trong vòng 30 giây, máy phát điện dự phòng sẽ được kích hoạt và khoảng 2 phút sau hệ thống cáp treo sẽ vận hành trở lại._ X.H

 Việt Chiến - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.