Học giữa thiên nhiên

Công Nguyên
Công Nguyên
22/01/2020 08:00 GMT+7

Tại TP.HCM, phụ huynh đưa con đến các lớp học thiên nhiên ngày càng nhiều hơn với mong muốn thể chất, tâm hồn và trí tuệ của trẻ được phát triển hài hòa, lành mạnh.

“Đây là luống rau muống, không được phun thuốc trừ sâu nhưng không hề có một chú sâu nào bén mảng đến. Đố các con biết tại sao?”, tiến sĩ nông học Nguyễn Văn Bắc, người xây dựng nông trại thực nghiệm Tam Nông, bắt đầu bài học cùng 15 em từ 4 - 8 tuổi bằng câu hỏi như thế ngay tại vườn rau của nông trại Tam Nông (quận 12, TP.HCM). Không khí buổi học bỗng lao nhao với những câu trả lời ngộ nghĩnh của các cô bé, cậu bé. “Chắc con sâu không thích ăn rau muống”, “Tại nhà con sâu ở cách đây xa quá”... Sau khi lắng nghe các bé, tiến sĩ Bắc giải thích: “Các con có biết những cây ở góc kia là cây gì không? Đó là cây kèo nèo mà mẹ hay nấu lẩu cho các con ăn đó. Các con có biết vì sao nó lại được trồng ở đó, lẫn trong đám rau muống không? Là vì cây kèo nèo xua đuổi được sâu bọ, để chúng không dám đến chén sạch rau muống đó. Vậy là chẳng cần đuổi, lũ sâu tự động tránh xa đám rau này”.
Lớp học lại sôi động vì các bé lập tức nảy sinh ra nhiều câu hỏi: “Tại sao cây kèo nèo lại đuổi được sâu?”, “Có loại cây nào đuổi được sâu nữa không?”... Cứ mỗi câu hỏi hồn nhiên, tiến sĩ Bắc cùng các cô giáo lại dẫn đám trẻ đi một khu vực trong nông trại để trực tiếp được sờ, ngửi, chạm, nếm vào cỏ cây hoa lá trong vườn. Kết thúc buổi học về sinh thái trực quan và sinh động, các bé chuyển qua các trò chơi vận động rèn luyện sự khéo léo, tập trung và dũng cảm như đi cầu khỉ, đi zipline...
Đó là chương trình học “Một ngày làm nông dân” do tổ chức giáo dục chuyên thiết kế và tổ chức các lớp học trải nghiệm ngoài thiên nhiên Tatuplay - dắt trẻ đi chơi kết hợp với nông trại Tam Nông thực hiện cho các em bé. Đều đặn 2 tuần/lần, lớp học diễn ra ngay tại nông trại Tam Nông. Ngoài lớp học “Một ngày làm nông dân”, Tatuplay còn tổ chức các lớp học như “Rác ơi bạn đi đâu thế?” (dạy cho bé biết cách xử lý rác thải và nhận thức vấn nạn môi trường), “Cảm nhận sự sống trong vườn” (dạy cho bé sự đa dạng sinh học), “Ra vườn học gốm” (dạy cho bé cách quan sát và làm thủ công)... Tất cả đều diễn ra ngoài thiên nhiên.
Học giữa thiên nhiên1

Các bé cùng học làm giấy tái chế trong không gian lớp học ngoài trời

Ảnh: Công Nguyên

Chị Hà Ngọc Nga, Tổ chức giáo dục Tatuplay, cho biết: “Chúng tôi xây dựng các chương trình trải nghiệm ngoài trời nhằm giúp các bé có được sự kết nối sâu sắc với thiên nhiên. Khi triển khai một dự án bài học, chúng tôi tiến hành khảo sát kỹ các địa điểm như nông trại, các khu rừng, công viên... đánh giá kỹ các yếu tố như độ an toàn, mức độ phù hợp với nội dung dự án...”.
Hiện nay, nhu cầu học trải nghiệm thực tế ngoài thiên nhiên được các phụ huynh ở TP.HCM khá yêu thích, lựa chọn cho con tham gia vì những lợi ích mà nó mang lại. Các tổ chức giáo dục ở TP.HCM cũng bắt đầu tổ chức nhiều hình thức dạy ngoài trời khá phong phú. Điển hình như Facekid chuyên tổ chức lớp học tiếng Anh ngoài công viên hay Konnit chuyên tổ chức các lớp kỹ năng sống ngoài trời cho bé.
Chị Nguyễn Kim Liên (quận 9, TP.HCM), mẹ của 3 em bé có độ tuổi từ 3 - 6, cho biết: “Học bên ngoài thiên nhiên giúp các con tôi linh hoạt và kiên trì hơn. Những buổi đi học như thế làm bé rất hào hứng. Mỗi dịp cuối tuần con tôi đều muốn được tham gia các lớp học như thế này bởi ở đó bé vừa được học vừa được chơi, kết hợp vận động thể chất và thực hành thực tế”.
Theo chị Hà Ngọc Nga, yếu tố có giá trị thiên nhiên giúp trẻ học được sự linh hoạt và giải quyết vấn đề rất tốt, bồi đắp cho các bé sự sáng tạo, trí tưởng tượng, khả năng thích nghi, giải quyết vấn đề... Điều này vô cùng quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ, đặc biệt là giai đoạn 0 - 3 tuổi, giai đoạn phát triển mạnh về giác quan. Khác với những không gian vận động được sắp đặt trong nhà, không gian vận động ngoài thiên nhiên cho phép đứa trẻ vận động một cách tự do, theo cách chúng muốn mà không bị những quy định của người lớn áp đặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.