Học Bác Hồ như một người lao động

02/02/2019 16:28 GMT+7

Con đường bôn ba năm châu bốn biển đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ là con đường của một người lao động thực thụ.

Năm 2003, khi đến Paris (Pháp), tôi vô tình được ở một nơi rất gần với một ngôi nhà cũ, nơi đó Bác Hồ đã từng sống một thời gian trong cương vị một người... thợ chụp ảnh. Tuy nơi ấy không còn những chỉ dấu hay hiện vật lưu giữ về nơi Bác Hồ đã từng sống, nhưng những người bạn Việt kiều ở Paris thì biết rất rõ ngôi nhà này.
Ngôi nhà tọa lạc ở một phố nhỏ mà tôi không nhớ tên, rất gần phố Monge (quận 5, Paris), nơi hồi ấy có quán Foyer Viet Nam, một quán ăn thuần Việt do một người bạn tôi làm chủ quán. Nơi ấy còn được gọi là Khu La tinh - một “làng đại học”, xúm xít những trường đại học vào hàng tên tuổi nhất nước Pháp. Như thế, riêng ở Paris, Bác Hồ đã ở nhiều nơi, chứ không riêng ở nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17.
Hồi ấy, từ năm 1911, Bác Hồ qua Paris để làm một người lao động bình thường. Nói như thế để thấy, con đường của nhiều vĩ nhân trên thế giới, trong đó có Bác Hồ, khi thực thi lý tưởng của mình, là con đường lao động. Làm thợ, làm công, làm thuê, học nghề, không từ nan bất cứ công việc nặng nhọc nào, đó là con đường cứu nước của Bác Hồ. Chính lao động và sự cần cù học nghề, từ nghề thợ ảnh tới nghề làm bánh, từ Pháp qua Mỹ, mà Bác Hồ đã vừa làm vừa học, vừa học vừa viết báo, vừa viết báo vừa vận động những người nhiệt huyết từ những dân tộc khác nhau mà Bác quen biết, để họ ủng hộ Việt Nam cùng tìm đường thoát ách đô hộ của thực dân Pháp và giành lại độc lập. Lý tưởng lớn được nung nấu khi làm việc nhỏ, những việc lao động rất bình thường, đó là Bác Hồ của chúng ta. Không có điều kiện học tập chính quy, Bác Hồ học ngay trong trường đời, học cùng những người bạn lao động, và học khi đang lao động kiếm sống.
Bác Hồ thời trẻ ẢNH: TƯ LIỆU

Tôi nghĩ, đó mới thực sự là tấm gương học tập và làm việc cho lớp người trẻ hôm nay đang ngồi trên ghế nhà trường hay tìm đường khởi nghiệp. Phải tự mình kiếm sống trước đã, rồi mới lo được cho cuộc sống hàng triệu người. 

Khi một đoàn cán bộ từ Việt Nam tới thăm khách sạn này, thăm chiếc bàn làm bánh mà Bác Hồ từng lao động, vị đại diện khách sạn The Omni Parker House đã dẫn lại lời nữ nhà văn, nhà báo của tờ Boston Globe, bà Susan Wilson viết: “Thật thú vị để lưu ý rằng, một nhà cách mạng trứ danh đã từng dành thời gian làm việc như là một người thợ nướng bánh tại tiệm bánh ngọt của Omni Parker House từ năm 1911 đến năm 1913. Vị đầu bếp đặc biệt ấy đã đem đến niềm vinh dự cho nơi này…”.

Chính khách sạn ấy đã tôn vinh Bác Hồ như một người lao động, và họ tự hào về điều đó. Chắc chắn, Bác Hồ khi là nhân viên làm bánh ở một khách sạn 5 sao như vậy, phải là người làm bánh giỏi, làm được những chiếc bánh rất ngon đúng yêu cầu của khách sạn. Sự tôn vinh ấy đến khi Bác Hồ đã là một vĩ nhân. Nhưng cách tôn vinh Bác Hồ như một thợ làm bánh thì thật tuyệt vời.

Người Mỹ vốn yêu lao động, họ đặc biệt đề cao và giáo dục lao động cho trẻ em ngay từ khi chúng còn nhỏ. Tấm gương lao động của Bác Hồ ở Pháp, ở Mỹ là rất quý cho các bạn trẻ bây giờ, bạn trẻ Việt Nam du học, và cả bạn trẻ quốc tế. Đừng ngại ngần trước bất cứ công việc lao động nào, miễn nó lương thiện, miễn nó cho mình những kỹ năng, những trải nghiệm, và nó tạo đà cho mình phát triển, làm những việc lớn hơn.

Khởi nghiệp rất cần một tấm lòng và sự nhạy bén. Tôi vừa đọc một bài viết Khởi nghiệp sống xanh của tác giả Đình Phú trên Báo Thanh Niên số Tết, bài viết về cặp vợ chồng trẻ, chồng Mỹ vợ Pháp, tới Việt Nam với tấm lòng muốn cùng bạn trẻ Việt Nam đẩy lùi ô nhiễm từ rác thải, trong đó nguy hại nhất là rác thải nhựa. Đôi vợ chồng này đã phát hiện ra một loại cây cỏ rất thân quen với người dân Nam Bộ, đó là cây cỏ bàng. Cỏ bàng ngày xưa chỉ dùng để đan đệm, làm nóp. Nhưng cặp vợ chồng Mỹ - Pháp này đã nhận ra, cỏ bàng còn có thể làm thành ống hút hữu cơ tuyệt vời cho các quán ăn, các nhà hàng, các khách sạn. Và họ đã thành công với sản phẩm độc đáo thân thiện với môi trường này.

Khởi nghiệp, đầu tiên là khởi động, kích hoạt trí tuệ, sự nhạy cảm, lòng tốt. Ngày Bác Hồ là thợ làm bánh trong khách sạn Omni, Bác đã vừa làm việc vừa tự học tiếng Anh. Có những lúc Bác phải viết những từ tiếng Anh trên cánh tay mình để vừa làm bánh vừa học cho thuộc từ vựng.

Chúng ta hãy học tập Bác Hồ như học một người lao động, một người vươn lên từ lao động, kết nối được anh em bốn biển năm châu cũng từ môi trường lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.