Hoàng Sa xa mà gần: Tết ở Hoàng Sa

16/01/2021 07:00 GMT+7

Với ngư dân Quảng Ngãi, từ bao đời nay, họ luôn xem Hoàng Sa là vùng biển nhà. Hằng ngày, hàng trăm con tàu cá ra vào vùng biển ấy vừa để mưu sinh, vừa khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc .

Khi nhiều tàu cá Quảng Ngãi từ Hoàng Sa trở về đất liền đón tết thì cũng là lúc hàng chục tàu cá khác lại rẽ sóng ra Hoàng Sa đánh bắt, đón tết trên biển. Với họ, Hoàng Sa tuy xa nhưng cũng rất gần.

Kiến nghị Trung Quốc bồi thường 300 tấm lưới

Những ngày tháng chạp, cửa biển Sa Kỳ, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) rất sôi động. Trong khi hàng trăm tàu cá hối hả vào bờ, tranh thủ nghỉ ngơi, ăn tết thì cũng có hàng chục tàu cá khác lại chất dầu, lương thực, thực phẩm… lên đầy tàu để chuẩn bị thẳng tiến Hoàng Sa. Trong cái lạnh, mưa phùn nơi cửa biển hôm ấy, chúng tôi gặp lại ngư dân Phạm Quang (60 tuổi, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu), đang chỉ huy anh em ngư dân đưa thực phẩm lên tàu cá để ra Hoàng Sa đánh bắt cá chuồn.

Bài ca giữa đại dương

Vào một đêm trên con tàu lênh đênh ở gần quần đảo Hoàng Sa, tôi lắng nghe âm thanh từ các con tàu đánh cá, vặn to volume của máy thông tin, bởi có một ngư dân nói rất to: “Tôi muốn hát tặng anh em trong đoàn tàu Hoàng Sa một bài. Tôi đã xong chuyến biển và trở về đất liền, mai tạm biệt anh em”. Sau này tôi hỏi lại, đó chính là ngư dân Phạm Quang. Ngày xuân trên biển, các ngư dân thường lên máy Icom hát những bài về quê hương, đất mẹ và cũng không thiếu những bài có giai điệu hùng tráng về biển cả.
20 năm trước, vào mùng 7, mùng 8 tết, khi trẻ em trở lại trường học, chúng tôi đã gặp thuyền trưởng Phạm Quang và người anh trai sau những chuyến đi đánh cá chuồn ở Hoàng Sa trở về. Ngày đó, nghe ông kể về chuyện đánh bắt cá, đón tết ở Hoàng Sa, chúng tôi rất khâm phục.
Thời đó, tàu của ai lắp máy công suất 80 CV là “oách” vô cùng. Tàu của ông Quang công suất chỉ chừng 44 CV nhưng vẫn thẳng tiến Hoàng Sa. Những khi trời giông bão, tàu không chạy nổi về bờ mà phải trụ lại tại Hoàng Sa, luồn sâu vào các đảo nhỏ, chờ trời yên biển lặng mới quay về. Bây giờ ngư dân Phạm Quang đã trở thành lão ngư dân tròn 60 tuổi. Ông Quang cho biết mấy hôm nay chuẩn bị xong hết lương thực rồi, chờ ngớt gió, sóng êm là ra Hoàng Sa ăn tết luôn, cá chuồn mùa này đang được giá.
Sống trọn cuộc đời ngư phủ ở Hoàng Sa, đi đến hầu hết các hòn đảo nổi ở quần đảo này và không ít lần bị tàu tuần tra Trung Quốc (TQ) ngang ngược xua đuổi, bắt giữ, nhưng ông Quang và anh em bạn chài không hề nao núng. Ngồi xuống mũi tàu, ông Quang kể nhiều năm trước, các ngư dân thường cho tàu vào cụm Lưỡi Liềm, áp sát các đảo: Hữu Nhật, Quang Ảnh, Đá Hải Sâm, Linh Côn để thả lưới. Nhưng về sau, việc đánh bắt trên biển Hoàng Sa càng khó hơn do phía TQ đe dọa, rượt bắt.
Trong đó, đáng nhớ nhất là ngày 2.5.2007, ông Quang cùng các ngư dân trên tàu đang quăng lưới ở gần đảo Đá Bắc thì bị 2 tàu tuần tra TQ bắt giữ. Lúc ấy còn có 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cũng bị TQ bắt, lôi vào đảo Phú Lâm để ép xử phạt 12.000 USD. Không khuất phục, tối hôm đó, ông Quang ném một chiếc thuyền thúng xuống nước rồi nhảy lên, bơi giữa đêm đen kịt, lần mò tìm đường thoát thân. Gò lưng chèo mãi thì tiếp cận được một tàu đánh cá của Việt Nam và ông được đưa về đất liền. Sau đó, ông Quang viết đơn gửi các cấp chính quyền kiến nghị TQ phải bồi thường 300 tấm lưới cho ông, vì quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hoàng Sa xa mà gần: Tết ở Hoàng Sa

Cá chuồn từ Hoàng Sa cập bến

ẢNH: LÊ CHƯƠNG

Mùa cá chuồn vẫy gọi

Ngư dân Phạm Quang tâm tình, hầu như ai ra khơi và chấp nhận ăn tết trên biển Hoàng Sa đều canh cánh nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con. Vì vậy, khi thuyền trưởng nổ máy, hú còi và làn khói đen xì bay mù mịt lên bầu trời se lạnh cuối năm, con tàu hùng dũng thẳng tiến ra Hoàng Sa thì lúc ấy nhiều ngư dân mắt rưng rưng ngoái đầu nhìn lại. Khuất trong mờ sương là những người vợ, người con trên đất liền nhìn theo bóng tàu dần xa cửa biển.
Thế nhưng ngư dân vẫn bị biển hấp dẫn. Đêm nằm cứ nhớ từng tốp cá chuồn bay là là trên đầu sóng, nhảy lên không trung, nên háo hức được ra ăn tết ở Hoàng Sa. Khoảng 40 năm lăn lộn trên biển Hoàng Sa, ngư dân Phạm Quang biết rõ mùa cá chuồn Hoàng Sa bắt đầu vào đầu tháng 11 âm lịch, kéo dài đến tháng 7 năm sau. Tết là thời điểm cá chuồn xuất hiện dày nhất, đồng thời giá cá cao hơn ngày thường. Vì vậy, đã là ngư dân đánh cá chuồn thì không ai ngồi nhà để ăn tết. Có một điểm trùng hợp ngẫu nhiên, đó là cứ đến tết thì tàu cá ra Hoàng Sa luôn trúng lộc biển, phong phú đến bất ngờ. Ngoài cá chuồn thì ngư dân còn câu được nhiều con cá bè, cá mú khá to.
Ngư dân Phạm Quang chỉ cho chúng tôi thấy vài bạn chài đang chuẩn bị dây câu, nói: “Đó là họ làm thêm trong những lúc rảnh rỗi. Nghề lưới chuồn ở địa phương này là vậy, khi ra khơi đánh cá, các ngư dân trên tàu sẽ tham gia thả lưới, kéo cá, muối đá, nhưng khi nhàn rỗi thì mọi người câu cá để kiếm thêm thu nhập. Chiều 30 tết thả lưới xong thì tối ngồi thả câu qua giờ giao thừa”.
Trò chuyện với ngư dân thôn Định Tân (xã Bình Châu), chúng tôi mới hay có rất nhiều thuyền trưởng đã hàng chục năm ăn tết ở Hoàng Sa. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Leo kể năm nào ngư dân trên tàu anh trở về cũng xách xâu cá giơ lên thật cao và cười lớn: “Cá Hoàng Sa, ăn tết Hoàng Sa vô đây”.
Thời điểm thịnh vượng của nghề đánh bắt cá chuồn ở Hoàng Sa, các ngư dân chỉ mang theo giàn lưới hơn 150 tấm, quăng xuống nước và kéo lên thường thu được khoảng 1 tấn cá. Thời đó, ngư dân chỉ cần đánh 4 phiên lưới thì chiếc tàu dài 14,2 m, trọng tải 5 tấn không còn chỗ để chứa và phiên biển kết thúc trong vòng 7 ngày. Còn hiện nay, mỗi phiên biển kéo dài hơn 20 ngày. “Cá chuồn nay bán với giá 70.000 đồng/kg, nếu đi biển dịp tết thì bán cỡ 75.000 đồng/kg”, ông Quang cho biết.
Hoàng Sa xa mà gần: Tết ở Hoàng Sa

Thuyền trưởng Phạm Quang tại vùng biển Hoàng Sa

ẢNH: LÊ CHƯƠNG

Đón giao thừa giữa biển khơi

Ngư dân ở thôn Định Tân kể chiều 30 tết tại quần đảo Hoàng Sa, các ngư dân tranh thủ nghỉ ngơi là lên máy Icom gọi nhau í ới hỏi chuyện khi nào tổ chức cúng trên tàu. Thông thường mỗi chiếc tàu làm thịt một con gà có đôi chân đẹp, mâm cúng trên sàn thuyền luôn đầy đủ các lễ vật như trong đất liền và luôn có đĩa bỏng ngô nhiều màu sắc để rải xuống biển. Thuyền trưởng quỳ lạy để cáo với ông bà về một năm mưu sinh ở Hoàng Sa, cầu cho ông bà linh thiêng che chở con tàu đánh bắt thuận lợi. Sau đó, cả tàu tụ tập lại chúc nhau vui ngày đầu xuân.
Còn theo thuyền trưởng Trần Hoan (53 tuổi, ở thôn Định Tân), ông đã đi biển Hoàng Sa hơn 20 năm và cũng là ngần ấy thời gian ăn tết ở đây. Vì vậy, chuyến biển dịp tết, vợ ông lo rất chu đáo từ gà và các lễ vật cúng đầu năm, ngoài ra còn có thịt vịt, thịt heo, xương sườn, chả giò, cá, trái cây, rau, củ quả... Các thứ đều tăng gấp đôi khẩu phần so với phiên biển trong năm, lại còn thêm bia và thức ăn khô. Ông Hoan bảo sau đêm giao thừa đón tết trên biển, thuyền trưởng sẽ cho lao động trên tàu nghỉ làm đến mùng hai tết. Đêm cuối năm nào cũng vậy, thuyền trưởng Hoan luôn kéo hồi còi trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tiếng bia khui ra chúc mừng năm mới hòa với sóng biển ì ầm. Sau đó, cả tàu im lặng nghe lời chúc tết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chương trình nghệ thuật đêm giao thừa qua sóng phát thanh, rồi mới gọi về nhà chúc tết, hát “nhạc sống” cho nhau nghe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.