'Hoãn xuất cảnh nhưng ung thư phải ra nước ngoài chữa bệnh thì giải quyết thế nào'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/07/2019 12:20 GMT+7

Ủy ban Quốc phòng an ninh bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với những đối tượng qua thanh tra, kiểm tra xác định vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn bỏ trốn.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp phức tạp, không dễ quyết.

Tạm hoãn xuất cảnh người vi phạm đặc biệt nghiêm trọng

Trình bày báo cáo một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau tại phiên họp 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15.7, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho hay, một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh (điều 36).
Ông Việt cho hay, tiếp thu ý kiến các đại biểu, thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh với trường hợp: “người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” và “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án”.
Ngoài ra, thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng lược bỏ quy định “người có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” vì nội dung quá rộng, thời hạn chấp hành ngắn (10 ngày) và nếu bị tạm hoãn xuất cảnh (tước quyền công dân) thì quá nghiêm khắc, không cần thiết.
Thảo luận sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị rà soát kỹ các quy định liên quan để tránh ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân, đồng thời không để lỏng, tránh những trường hợp như thời gian qua.
Góp ý cụ thể, bà Nga cho rằng, việc bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn xét về cách đặt vấn đề thì đúng nhưng quy định lại khá chung chung bởi vì chưa thấy được trình tự thủ tục để xác định những trường hợp nào là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn người đó bỏ trốn.
Trong khi đó, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thì nêu vấn đề: quy định nêu “xét thấy cần ngăn chặn” thì ai sẽ là người “xét thấy” và ai sẽ là người quyết định tạm hoãn xuất nhập cảnh của đối tượng này? 

Diện đối tượng quá rộng, chưa cụ thể

Giải trình thêm sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ rà soát kỹ lưỡng nội dung này.
Ông Vương đồng tình với các ý kiến cho rằng, diện đối tượng này hơi quá rộng, chưa cụ thể và sẽ rất khó cho các cơ quan thực hiện sau này.
“Bản thân tôi cũng băn khoăn, có những đối tượng thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh nhưng lại mắc bệnh hiểm nghèo, như ung thư, cần khẩn trương ra nước ngoài chữa bệnh, cấp cứu, mổ xẻ thì giải quyết thế nào?”, ông Vương nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, mặc dù quy định thẩm quyền như vậy song quyết định tạm hoãn xuất cảnh cũng rất khó vì động chạm tới quyền con người, quyền công dân.
“Chúng tôi cho rằng phải rà soát kỹ để phạm vi tạm hoãn xuất, nhập cảnh phải hết sức chặt chẽ. Vì ngoài các trường hợp có quyết định của cơ quan tố tụng, còn lại nhiều trường hợp khác liên quan tới thuế, hành chính hay dân sự thì rất phức tạp”, ông Vương nhấn mạnh.
Dự luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây.
Điều 36. Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh (theo dự thảo đã chỉnh lý)
1. Bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Người chấp hành án hình sự, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách theo quy định của luật Thi hành án hình sự.
3. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án, trọng tài thương mại đang có hiệu lực pháp luật, trừ các trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh theo quy định pháp luật thi hành án dân sự.
4. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân khác hoặc để bảo đảm thi hành án.
5. Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
6. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
7. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh và chữa bệnh.
8. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.