Hỏa tốc yêu cầu thủy điện Hòa Bình xả lũ

29/09/2020 16:05 GMT+7

Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ vào sáng mai, 30.9.

Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (gọi tắt là Ban chỉ đạo) cho biết, lúc 11 giờ trưa nay, 29.9, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), Phó ban chỉ đạo, đã ký Công điện hỏa tốc gửi giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà về việc xả lũ hồ chứa.

Hỏa tốc yêu cầu Thủy điện Hòa Bình xả lũ ngày 30.9

Theo Ban chỉ đạo, lúc 11 giờ hôm nay, mực nước hồ Sơn La ở cao trình 215,67 m, lưu lượng đến hồ 3.320 m3/giây, tổng lưu lượng xả 2.614 m3/giây (lưu lượng chạy máy phát điện); mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 116,69 m, lưu lượng đến hồ 3.313 m3/giây, tổng lưu lượng xả 2.173 m3/giây (lưu lượng chạy máy phát điện); và mực nước hồ Thác Bà ở cao trình 57,89 m, lưu lượng đến hồ 547 m3/giây, tổng lưu lượng xả 408 m3/giây (lưu lượng chạy máy phát điện).
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ cuối tháng 9 đến tháng 12, các tỉnh Bắc bộ vẫn còn nhiều đợt mưa lớn, lượng nước về hồ vẫn tiếp tục gia tăng. Theo đó, Ban chỉ đạo yêu cầu mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình bắt đầu từ 8 giờ ngày mai, 30.9.
Ban chỉ đạo cũng lưu ý, tình hình mưa lũ thượng nguồn còn diễn biến phức tạp, tùy theo tình hình thực tế, có thể tiếp tục phải mở thêm cửa xả đáy của các hồ Sơn La, Hòa Bình và Thác Bà.

[FLYCAM] Thủy điện Hòa Bình mở 3 cửa xả lũ sau 21 năm vào tháng 7.2017

Cùng ngày, Ban chỉ đạo đã có thông báo đến các tỉnh hạ lưu sông Hồng, các tỉnh Bắc bộ yêu cầu chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra. Các địa phương được yêu cầu thông báo đến chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Đối với tỉnh Hòa Bình, Ban chỉ đạo yêu cầu rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là các trọng điểm đê điều, khu vực sạt lở bờ sông tại tổ 26, P.Đồng Tiến, TP.Hòa Bình, và các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.