Hòa giải như một lẽ tự nhiên...

05/02/2019 15:00 GMT+7

Thương yêu nhau thật lòng là truyền thống vốn có của dân tộc. Đoàn kết cả dân tộc sẽ tạo nên sức mạnh cho chính dân tộc mình! Các nhân vật dưới đây là những ví dụ điển hình, dù họ chỉ là cán bộ ở cơ sở hay chỉ là một anh nông dân.

Đi xin tội cho… “chồng của vợ cũ” !
Ở làng tôi ai cũng biết ông Nguyễn Hữu Bì (Năm Bì), một cựu tù Côn Đảo, trở thành chủ tịch xã rồi bí thư xã và huyện ủy viên. Gia đình ông là cả một bi kịch trong chiến tranh, oán thù chất ngất, nhưng ông có nhiều hành động mà người thường ít ai làm được với chính những người bên kia “chiến tuyến”. Nhưng ông nói: “Đó là trách nhiệm, là lẽ thường tình thôi!”.
Trong kháng chiến chống Pháp, cha ông bị Tây bắn chết khi hoạt động trong phong trào Việt Minh. Anh trai ông là Nguyễn Hữu Lỳ từng ôm lựu đạn đi ám sát vua Bảo Đại năm 1949 và bị bắt, bị giết thả trôi sông Vĩnh Điện không tìm được xác. Một anh trai nữa là Nguyễn Hữu Thông thoát ly ra bắc rồi trở về làm Bí thư Khu 3 Đà Nẵng, sau bị lộ và hy sinh dưới hầm bí mật. Mẹ ông, chị ông bị tù đày tra khảo nhiều lần sau đình chiến. Ông Bì tham gia hoạt động ở vùng giáp ranh Đà Nẵng và bị bắt năm 1964. Trải qua 9 nhà lao từ Hội An, Huế, Đà Nẵng, Chí Hòa đến Côn Đảo với bản án tù khổ sai, biệt giam chuồng cọp... đến năm 1973 mới được trao trả trong hoàn cảnh tàn phế, ông được đưa đi điều trị bí mật và tiếp tục hoạt động tại địa phương cho đến ngày nghỉ hưu. Ông mất năm 2015 lúc đã ngoài 80 tuổi…
Huỳnh Hoa làm người đưa linh Ảnh chụp từ phim Người đưa linh
Khi ông bị bắt, vợ ông đã có một con gái, do hoàn cảnh bà đã tái giá với người khác nguyên là viên chức của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Lúc đất nước thống nhất, trong thời bao cấp, người này phải đi buôn bán (lúc đó gọi là buôn lậu) nên bị bắt. Ông Năm Bì đang là lãnh đạo ở địa phương đã làm đơn và đi gặp người phụ trách viện kiểm sát ở tỉnh để xin được tha và tránh khỏi truy tố. Cán bộ viện kiểm sát hỏi: “Anh ta là gì với anh mà anh đi xin?”. Trả lời: “Ảnh là chồng vợ trước của tôi. Tôi không thù oán chi cả, vì đó là hoàn cảnh. Tôi xin cho ảnh vì tôi biết đó không phải là người xấu. Vả lại ảnh còn kiếm tiền để nuôi cả gia đình, trong đó có con gái tôi…”. Sau đó, người ấy được tha và luôn coi ông Năm Bì là ân nhân. Có lần ông tâm sự với tôi: “Khi ở Côn Đảo về nghe tin vợ lấy chồng khác, đau lắm. Nhưng nghĩ lại, hòa bình rồi mà cứ ôm mãi lòng thù hận thì giải quyết được gì?”.
Tôi về làng lúc ông Năm Bì đang là Bí thư Đảng ủy xã. Tuy ông chỉ học đến tiểu học, nhưng là người khoáng đạt. Lúc đó làng tôi có không ít người nguyên là sĩ quan, chuyên viên kỹ thuật của chế độ Việt Nam Cộng hòa đều được huy động tham gia vào các cơ sở sản xuất.
Các cháu họ tôi còn kể: Nhiều bạn trẻ là con em của các gia đình sĩ quan, công chức chế độ Việt Nam Cộng hòa trước đó đã bị phê khá xấu vào lý lịch nên không học được đại học, thời Năm Bì đều được ông ký giới thiệu đi học cả.
 
Có một hồ sơ kiện chính quyền địa phương đã bán đất cho một gia đình trước có dính líu ít nhiều đến chế độ Việt Nam Cộng hòa về quê làm nhà. Hồ sơ đến viện kiểm sát huyện. Người ta mang đến hỏi ý kiến ông, ông nói ngay: “Mình cho thuê đất, bán đất cho Việt kiều, cho Tây, cho Tàu, cho Mỹ hàng trăm héc ta còn được, sao lại phân biệt với bà con mình chỉ vì cái nền nhà vài trăm mét vuông?”. Vụ kiện nhờ đó đã xếp lại.
Ông Năm Bì lúc nghỉ hưu cho đến khi nằm xuống, được rất nhiều bà con trong làng và cả những người đã từng quen biết ông đến thăm và tiễn đưa, chính vì cái nhãn quan trông rộng và không kỳ thị của ông.

Anh thợ cày và câu chuyện hòa giải

Cách đây vài năm, đạo diễn Trương Vũ Quỳnh (VTV8) thực hiện phim tài liệu có một cái tên là lạ: Người đưa linh. Tất cả nhân vật, bối cảnh đều diễn ra ở một xóm nhỏ vùng trung du thuộc huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Nhân vật chính là anh nông dân Huỳnh Hoa cùng vợ, con trai và câu chuyện tử sinh của những người trong xóm, kể cả người cha của anh. Tự các nhân vật nói chuyện, đối đáp trong từng bối cảnh với ngôn ngữ, hình ảnh chân chất. Phim dài 37 phút, không một lời dẫn chuyện, lời bình, nhưng xem hết phim người ta có thể hiểu toàn bộ câu chuyện và cả những gì ẩn chứa phía sau.
Đó là câu chuyện của một anh nông dân, sau những buổi cùng con trai dắt trâu, vác cày ra ruộng, nhờ có “giọng hát hay và biết diễn bộ”, đã được người làng mời ra làm “ông Tổng”, tức người phụ trách việc đọc văn, hướng dẫn dân làng đưa những người chết đến nơi an nghỉ.
Xen kẽ những buổi cày ruộng và công việc nhà của một nông dân, Huỳnh Hoa lại sửa soạn, chăm chút cho bộ trang phục của một “ông Tổng” mà ta thường thấy như một nhân vật hát bội: giày cao ống, mão, áo, bộ râu dài và đôi thanh gỗ ngắn khoảng 3 tấc mà người ta thường gọi là “cặp Sinh”, rồi hóa trang và lên đường.
Những người nằm xuống mà Huỳnh Hoa làm nhiệm vụ “đưa linh” có khi là một bà lão, khi là một cựu chiến binh từng tham gia chống ngoại xâm cho đến năm 1975, có khi là một người từng là lính, là công chức chế độ Việt Nam Cộng hòa...
Tôi nghe Trương Vũ Quỳnh kể bà nội của anh là mẹ Việt Nam anh hùng, cha anh là cụ H.K bị lính Pháp bắn khi hoạt động cho Việt Minh.
Khi có người trong làng nằm xuống, người “đưa linh” có nhiệm vụ đến hỏi thân nhân, ghi chép về thân thế, sự nghiệp, gia cảnh và nguyên nhân cái chết... Căn cứ vào những thông tin đó, anh ứng thành bài văn phù hợp từ lúc tiễn đưa hoặc hạ huyệt. Những bài văn tiễn biệt người quá cố anh đã diễn đọc trong phim thật ảo não. Những người thân trong các lễ tang ai cũng nức nở. Ông cụ từng là bộ đội hay một người lính chế độ trước, đều được Huỳnh Hoa tiễn đưa chu toàn, đầy trách nhiệm.
Ở làng tôi và vài làng lân cận ở Điện Bàn cũng có nhiều người định cư ở nước ngoài từ sau 1975. Một số trong họ cũng từng là sĩ quan của chế độ cũ. Có người cũng có ước nguyện được đưa về quê hương sau khi mãn phần. Tôi không được dự những tang lễ ấy, nhưng nghe kể lại, dân làng vẫn đến viếng và tiễn đưa như tình lân lý mà chẳng có sự phân biệt nào. Có lẽ, trong văn hóa truyền thống của chúng ta, đó là một thứ tình cảm tự nhiên đã có gốc rễ lâu bền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.