Hóa chất độc hại đổ thẳng ra môi trường

22/07/2016 07:00 GMT+7

Thay vì đưa đến nhà máy xử lý, hóa chất độc hại được đem đổ giữa rừng tràm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ngày 21.7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra vụ đổ trộm rác thải công nghiệp tại bãi rác tự phát của ông Lê Tư Hiệp (ấp Cây Xoài, xã Tân An, H.Vĩnh Cửu), đồng thời làm rõ nghi vấn đường dây đổ trộm hóa chất độc hại tại đây do người dân phản ánh.
Người dân làm “trinh sát hình sự”
Theo ghi nhận của PV, nơi đổ hóa chất độc hại sát với khu vực đổ trộm rác thải công nghiệp, được đào sâu xuống khoảng 10 m, rộng gần 300 m2, nằm ngay móng trụ điện 220 KV đường dây Sông Mây - Uyên Hưng. Từ hố này luôn bốc mùi nồng nặc, khó chịu như a xít. Một người dân cầm cây thọc xuống hố cho chúng tôi ghi hình đã nôn ói ngay tại chỗ. Cách đó khoảng 20 m, một hố sâu khác cũng ngập mùi hóa chất, a xít được lấp đầy rác thải. Cây cối xung quanh hố đều bị chết cháy, rác thải công nghiệp vẫn còn cháy nghi ngút, mùi khét lẹt.
Theo ông N.V.R (50 tuổi, ngụ ấp Cây Xoài), bãi “rác trộm” này xuất hiện cách đây hơn 5 năm, có diện tích khoảng 10 ha, nằm giữa rừng tràm mênh mông và ít người qua lại nên xe tải vào ra không bị phát hiện. Đây cũng là nơi tiếp giáp giữa xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) và xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom). “Có khi họ đốt rác cháy từ ngày này sang ngày khác mà vẫn chưa tắt. Mùi thì đủ các loại, từ vải vóc, đến giày dép, hóa chất độc hại... Lâu lâu chính quyền cũng có đi kiểm tra nhưng sau đó rác lại tiếp tục cháy. Nguy hiểm hơn, họ còn cho đào các hố để đổ chất tẩy rửa kim loại có mùi hôi nồng nặc như a xít, đến gần khu vực này như muốn ngạt thở vì mùi bốc lên”, ông R. bức xúc.
Để tìm hiểu hóa chất được đổ xuống hố sâu độc hại ra sao, ông R. cùng người thân âm thầm theo dõi hoạt động đổ trộm như... trinh sát hình sự. Những xe thường xuyên đem hóa chất độc hại đến khu vực này đổ trộm được ông R. ghi lại biển số và thời gian vận chuyển một cách cẩn thận. “Cứ 12 giờ trưa, xe tải chở bồn đến KCN Nhơn Trạch, còn 14 giờ thì ra KCN Biên Hòa lấy hóa chất. Tối thường đổ trộm giấc 19 - 20 giờ, sáng thì 2 - 4 giờ”, ông kể và cho biết, cách đây khoảng hai tháng, ông âm thầm chạy xe máy theo dõi xe tải đến tận nơi lấy hóa chất ở KCN Nhơn Trạch. Sang hôm sau, ông giả vờ đến xin việc rồi nhờ bảo vệ lấy cho 5 lít hóa chất đem về để kiểm tra. Ở KCN Biên Hòa, ông cũng đã tìm cách lọt vào bên trong nhưng bị bảo vệ ngăn lại.
Những chứng cứ này cùng với can hóa chất sau đó được người nhà ông R. cung cấp cho cơ quan chức năng để điều tra, nhưng vẫn không thấy có kết quả.
Hồ chứa hóa chất độc hại, bốc mùi hôi nồng nặc như a xít Ảnh: H.Tuấn
Xưởng “tập kết” và đường dây đổ trộm
Từ phản ánh của người dân, PV Thanh Niên vào cuộc tìm hiểu. Sau gần một tháng theo dõi, chúng tôi phát hiện hoạt động của những xe nghi chở hóa chất đi đổ trộm rất chuyên nghiệp và tinh vi. Chất thải lỏng được các xe tải biển số 60C-199..., 60C-025... và 60S-756... (xe tải có thùng dùng để chở hàng nhưng khi vận chuyển hóa chất được gắn bồn lên, đồng thời phủ kín bạt bên ngoài) chở từ KCN Nhơn Trạch và Biên Hòa 2 đưa về tập kết tại một nhà xưởng ở khu vực ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) chờ đêm hoặc rạng sáng mang đến đổ trộm. Trước cửa nhà xưởng được gắn nhiều camera theo dõi và luôn đóng kín, che giấu phương tiện bên trong.
Trước khi xe tải xuất phát đều có những xe máy chạy trước để dò đường. Xe vào khu vực đổ trộm thì tắt hết đèn, xả van trong vòng 10 - 15 phút rồi nhanh chóng rời khỏi khu vực này. Xung quanh hố hóa chất đều là những vườn tràm rậm rạp rất khó tiếp cận.
Sau khi nắm bắt “đường đi nước bước” của những xe tải đáng ngờ, ngày 13.7, PV liên hệ với PC49 Công an tỉnh Đồng Nai nhằm phối hợp triệt phá đường dây này. Khi nghe chúng tôi trình bày, một lãnh đạo PC49 cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cũng rất bức xúc tình trạng đổ trộm chất thải ra môi trường và đã có văn bản yêu cầu giám đốc công an tỉnh triệt phá. Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã giao cho PC49 vào cuộc.
Ngay trong đêm ấy, PC49 cử một tổ công tác phối hợp với PV Thanh Niên. Suốt nhiều đêm liền, dù trời mưa lớn, nhóm PV cùng trinh sát PC49 vẫn kiên trì mật phục. Thế nhưng, các nhà xe đổ trộm đều “án binh bất động”.
Một người dân ngụ tại ấp Cây Xoài tiết lộ: “Hệ thống “ăng ten” của nhóm đổ trộm rất nhiều và phủ rộng khắp nơi. Hễ có bất kỳ người nào lạ mặt hoặc đi xe biển số lạ xuất hiện là bị dòm ngó ngay. Khi nghi ngờ có công an hay nhà báo, mọi hoạt động đều dừng lại”.
Xe chở chất thải đến đổ trộm tại bãi rác tự phát vào ngày 12.7 Ảnh: Công Nguyên
Dẫn đường đổ trộm chất thải ăn tiền
Đến tối 20.7, như Báo Thanh Niên đã thông tin, khi xe tải biển số 60L-5253 mò vào đổ trộm 4,35 tấn phế phẩm giày da, vải vụn tại “bãi rác tự phát” này thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Đến hôm qua, cả phương tiện và tang vật vẫn đang tiếp tục được tạm giữ để làm rõ.
Theo thông tin từ PC49, chủ xe là ông Vũ Đức Cường (ngụ Bình Dương) khai hằng ngày thu gom chất thải công nghiệp từ các công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương đem về kho tại số 117A/4, KP.3, P.An Phú (TX.Thuận An) để phân loại. Những chất thải nào không tận dụng được thì chở qua Đồng Nai đổ trộm. Khi đến Đồng Nai, ông Cường gọi điện cho ông Tuyển (ngụ tại Biên Hòa) để dẫn đi đổ. Mỗi lần đổ trộm, ông Cường trả cho ông Tuyển 500.000 đồng.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thiệt, Phó chủ tịch UBND xã Tân An (H.Vĩnh Cửu), tỏ ra ngạc nhiên khi chúng tôi cung cấp hình ảnh bãi rác và những hố nghi chứa chất a xít tồn tại như thách thức chính quyền. Ông Thiệt nói: “Bãi rác này là của ông Tư Hiệp nhưng đã dẹp cách đây mấy tháng rồi mà. Ông Tư Hiệp cũng viết cam kết với bên điện lực không đổ rác thải nữa để giao đất thi công đường dây 200 và 500 KV”. Khi được hỏi đến trách nhiệm của địa phương, ông Thiệt phân trần: “Do địa bàn xa khu dân cư, lực lượng công an xã không thường xuyên kiểm tra được. Ngày mai đích thân tôi sẽ xuống kiểm tra để xác định lại vị trí đổ rác thuộc xã nào, vì đây là khu vực giáp ranh giữa hai xã Tân An và Bắc Sơn”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom), cho biết khu vực bãi rác trái phép của ông Tư Hiệp đã nhiều lần bị xã, huyện và tỉnh xử lý. “Sau này ông Tư Hiệp không đổ nữa. Có thể là người ta lén lút đổ trộm một vài xe rác thải thôi”, ông Tuấn nói.
Trước lo lắng về an toàn của đường dây 220 KV khi bị đổ thải dung dịch a xít dưới chân móng trụ điện, PV liên hệ Trạm biến áp 500/220/110 KV Sông Mây (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom), nhưng nơi này từ chối tiếp nhà báo vì lý do “không có giấy giới thiệu của cấp trên”.
Trong khi đó, trả lời đơn thư tố cáo của người dân vào cuối năm 2015, C49 cũng chỉ yêu cầu chính quyền địa phương lập các rào chắn tại khu đất nhằm ngăn chặn việc đổ trái phép chất thải công nghiệp. Yêu cầu chủ sở hữu có trách nhiệm trong việc quản lý đất và ngăn chặn việc đổ rác thải công nghiệp; đồng thời cam kết nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng đất là bảo vệ đất được nhà nước giao thì Phòng TN-MT tham mưu UBND huyện xem xét thu hồi quyền sử đất theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.