Hỗ trợ đồng hương ở vùng dịch: Trở về trong an toàn

Hội đồng hương Đà Nẵng bố trí xe chở miễn phí và tặng 500.000 đồng/người làm lộ phí. Trước khi lên xe trở về, người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính và tuân thủ các điều kiện chống dịch của nhà xe.

Nhiều địa phương ở miền Trung nhanh chóng lập kế hoạch đón đồng hương từ vùng dịch, tạo nên sự gắn kết và san sẻ rất đáng quý. Nhưng các chuyến trở về đều “có điều kiện”: đảm bảo an toàn phòng dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly.

Để người dân “được trở về nhà”

Hôm qua 15.7, ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM là đầu mối tiếp nhận thông tin, xử lý việc người dân Đà Nẵng tại TP.HCM có nhu cầu trở về. Các khu cách ly tập trung ở các quận, huyện đã sẵn có và hiện đã kích hoạt lại, để tiếp nhận người dân. “Người dân trú tại địa phương nào thì sẽ về cách ly tại địa phương đó. Sau khi có kế hoạch do Hội đồng hương gửi về, UBND TP sẽ ban hành kế hoạch đón tiếp. Việc đón bà con về sẽ diễn ra theo từng đợt”, ông Nam nói.
Bức thư của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh gửi Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM sáng qua cũng nêu bật tinh thần sẻ chia. “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân TP đều được trở về nhà”, ông Chinh viết.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Hùng Phong, Phó chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM, cho biết Hội đồng hương Đà Nẵng bố trí xe chở miễn phí và tặng 500.000 đồng/người làm lộ phí. Trước khi lên xe trở về, người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính và tuân thủ các điều kiện chống dịch của nhà xe. Nếu người dân đăng ký cách ly tại khách sạn sẽ tự chi trả chi phí tiền phòng, tiền ăn; cách ly tập trung thì được miễn phí tiền ở, miễn phí xét nghiệm và chăm sóc y tế nhưng trả tiền ăn theo quy định của cơ quan y tế.
“Với bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hội đồng hương sẽ tặng tiền ăn khi cách ly tập trung. Dự kiến chuyến xe đầu tiên sẽ xuất phát đầu tuần tới”, ông Phong nói thêm. Đợt đầu tiên, có khoảng 300 người Đà Nẵng về quê, trong đó ưu tiên cho người già yếu, bệnh tật, neo đơn, trẻ nhỏ… và người đăng ký trước.
Hỗ trợ đồng hương ở vùng dịch: Trở về trong an toàn1

Một khu vực cách ly tại khách sạn ở Đà Nẵng

“Đối xử như nhau”

Trong khoảng 1 tuần qua, liên tiếp có các trường hợp công dân Thừa Thiên - Huế từ TP.HCM, Đồng Nai muốn về quê đã phải mua vé ra tận ga Đông Hà (Quảng Trị) và chấp nhận cách ly ở đó. Chính quyền Thừa Thiên - Huế đã cho xe ra đón những công dân này về quê cách ly tập trung (Thanh Niên đã thông tin), nhưng diễn biến này đã đặt ra cho địa phương bài toán gấp rút lên kế hoạch “mở cửa” đón công dân trở về.
Từ cuối tuần qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết đã giao các ngành lên phương án, chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng đón công dân. Ngoài phương án trước mắt (kết nối Hội đồng hương tại TP.HCM để giải quyết kịp thời những khó khăn của người dân), còn có một “kế hoạch bài bản” khác để đón người về. Cụ thể, theo ông Bình, địa phương gấp rút lập kế hoạch sao cho khi đưa công dân về phải đảm bảo đầy đủ điều kiện an toàn. Nguồn lực, cơ sở vật chất tại chỗ cũng đang được rà soát, huy động. “Rất nhiều phương án đang được cân nhắc. Có thể địa phương sẽ tổ chức phương tiện để vào TP.HCM đón công dân, cũng có thể đề xuất nối lại các chuyến bay, chuyến tàu có điều kiện”, ông Bình nói.
Từ hôm 14.7, Thừa Thiên - Huế trưng dụng Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, khu ký túc xá ĐH Huế, để phục vụ đón 3.000 công dân về cách ly. Ngoài ra, các khu cách ly khác cũng đã kích hoạt.
Ở cánh bắc, Quảng Trị cũng đang mở rộng cửa đón người từ các vùng dịch. Đó là những người về từ nước ngoài (qua cửa khẩu quốc tế La Lay ở H.Đakrông và cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ở H.Hướng Hóa) và người về từ vùng dịch trong cả nước. Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng dù biết nhiều địa phương khác đã trở thành ổ dịch, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn… nhưng Quảng Trị luôn chấp hành chủ trương chung của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. “Người Quảng Trị hay kể cả đó là người của địa phương khác, chúng tôi vẫn đối xử như nhau”, ông Hùng nói.
Ít nhất đã có hơn 900 công dân đang cách ly tại 13 khu cách ly tập trung ở Quảng Trị, chủ yếu là những người nhập cảnh từ Lào và từ một số địa phương có dịch trong nước. Với 13 khu này, có thể cách ly tối đa khoảng 1.500 người và hiện Quảng Trị đã chuẩn bị sẵn thêm 5 khu cách ly dự phòng nữa. “Những lúc cao điểm, nếu biết sắp xếp, chúng tôi vẫn có thể đón được 3.000 công dân vào cách ly tập trung”, ông Hùng nói.

Người Sài Gòn ra bưu điện… mua lương thực bình ổn giá từ sáng sớm

Sáng 15.7, UBND tỉnh Quảng Nam đã họp bàn phương án cụ thể đón người lao động từ các tỉnh phía nam về quê an toàn, trước hết là TP.HCM; dự kiến hôm nay (16.7) sẽ ban hành văn bản và thu nhập thông tin từ hai bên để triển khai ngay. Bước đầu sẽ bố trí 10 chiếc xe vào đón. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã yêu cầu rà soát, sẵn sàng kích hoạt các cơ sở cách ly y tế tập trung, ưu tiên sử dụng các ký túc xá và xây dựng “phương án dự lường” (lượng người về tăng đột biến); yêu cầu rà soát các khách sạn, cơ sở lưu trú đủ điều kiện và vận động đăng ký tham gia đón công dân cách ly tập trung có thu phí. Trước đó, ngày 14.7, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn, quyết định hỗ trợ 2 tỉ đồng (thông qua Hội đồng hương) để lo cho người dân gặp khó.
Tại Quảng Bình, kể từ ngày 9.7, các trường hợp về/đến Quảng Bình từ các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ phải cách ly tập trung 21 ngày và phải tự chi trả các khoản chi phí cách ly, tiền ăn, tiền xét nghiệm; trừ các trường hợp được UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất tiếp nhận từ UBND TP.HCM. Từ 0 giờ ngày 23.6, Bộ GTVT đã đồng ý tạm dừng các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đi/đến Đồng Hới (Quảng Bình) và ngược lại.
Mạnh Cường - T.Q.Nam
Người dân có nhu cầu kết nối thì liên hệ như thế nào ?
Quảng Nam: Theo dõi fanpage Đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM (https://www.facebook.com/hdhquangnam); liên hệ ông Mai Phúc (Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM - 0903.924405) nếu có nhu cầu cần giúp đỡ; các Phó chủ tịch Lê Văn Phước (0903.679111), Trần Ngọc Đính (0913.733153), Lê Văn Nga (0913.813395) nếu đăng ký về quê.
Nhắn tin (cú pháp: tên tuổi, địa chỉ ở TP.HCM, số điện thoại, hoàn cảnh, cần giúp đỡ hay cần về quê) đến đại diện của các huyện, thị, thành phố ở TP.HCM, gồm: Điện Bàn (09341684091 - 0917061065); Đại Lộc (0934870568 - 0903 679111); Quế Sơn (0908107777 - 0868890777); Tiên Phước (0903713857 - 0933 052012); Thăng Bình (0903952242 - 0902334818); Tam Kỳ (0913733153 - 0906076317); Hội An (0944627777)…
Đà Nẵng: đăng ký danh sách người về quê qua Hội đồng hương các quận, huyện hoặc qua trang Facebook Hội đồng hương Đà Nẵng (để lại tên và số điện thoại), Hội đồng hương Hòa Vang. Nhắn tin qua số điện thoại 0903787304 (ông Nguyễn Văn Đẩu, Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM).
Quảng Trị: đường dây nóng 0888.25.74.74 và 082.224.74.74 (tìm hiểu mọi thông tin về việc cách ly, chống dịch, nhu cầu trở về); truy cập vào Facebook “Sở Y tế Quảng Trị” (để cập nhật các địa điểm nguy cơ, áp dụng biện pháp cách ly tập trung).
Quảng Bình: số điện thoại đường dây nóng của ngành y tế (0969.871313 - 0905.010.668 - 0917.420.268) để người dân liên hệ khi có thông tin cần kíp, do thời gian qua lượng người về nhỏ lẻ, tự túc, di chuyển bằng các phương tiện công cộng. Trước đó, người dân phải đăng ký với Sở LĐ-TB-XH sở tại, được lập danh sách và liên hệ với Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình để lên phương án tiếp nhận; hoặc có thể qua kênh Hội đồng hương Quảng Bình tại TP.HCM. 
M.Cường - H.Sơn - N.Phúc - T.Q.Nam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.