Hồ sơ giả ‘lọt lưới’ công chứng - Kỳ 3: Phát hiện theo cảm tính !

31/07/2014 02:05 GMT+7

TAND Q.Gò Vấp (TP.HCM) đang thụ lý đơn của ông Ngô Văn Hát (46 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) khởi kiện Phòng Công chứng số 5 về việc thiếu kiểm tra tính xác thực của hồ sơ, gây thiệt hại trên 4 tỉ đồng.

Hồ sơ giả ‘lọt lưới’ công chứng - Kỳ 3: Phát hiện theo cảm tính !
Phòng Công chứng số 5, nơi đang đối diện với vụ kiện vì để hồ sơ giả “lọt lưới” - Ảnh: H.T

Nơi phát hiện, nơi không

Theo đơn khởi kiện, ngày 12.10.2011, ông Hát ký hợp đồng với bà Nguyễn Thị Thanh Loan (40 tuổi, ngụ xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn, TP.HCM) chuyển nhượng 2 quyền sử dụng đất diện tích gần 1.000 m2 tại H.Hóc Môn và được công chứng viên (CCV) Phòng Công chứng (PCC) số 5 ký chứng nhận vào hợp đồng chuyển nhượng. “Sau khi thanh toán trên 4 tỉ đồng và hết thời hạn chuộc lại tài sản như đã thỏa thuận trong hợp đồng, bà Loan xin cho gia hạn thêm thời gian, đồng thời chuyển nhượng cho tôi thêm một căn nhà. Sau khi bàn bạc, tôi và bà Loan đã đồng ý thanh lý các hợp đồng ngày 12.10.2011 và hẹn ký hợp đồng mới tại PCC số 4”, ông Hát cho biết.

Ngày 20.3.2012, ông Hát và bà Loan đến PCC số 4 (Q.Tân Bình) thì bị CCV phát hiện các giấy tờ nêu trên (2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và 1 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở) đều là giấy tờ giả. Bại lộ, bà Loan “cao bay xa chạy” nên vào ngày 8.12.2013, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã phát lệnh truy nã bà này về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tương tự, căn nhà số 15 Phan Đình Phùng, P.17 (Q.Phú Nhuận) của ông Trần Văn Thời và bà Lê Thị Hay xây cất vào năm 1972. Sau khi ông bà qua đời, căn nhà này cho 8 người con thừa kế, trong đó có ông Trần Quốc Dũng (49 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận). Đến năm 2009, ông Dũng đã nhờ một người tên Hạnh (không rõ lai lịch) làm giả giấy chủ quyền và tờ khai lệ phí trước bạ ngày 25.1.2009 đối với căn nhà nói trên. Ngày 10.9.2009, ông Dũng đã đem giấy tờ giả nói trên đến Văn phòng công chứng (VPCC) Bến Thành ký hợp đồng cho ông H.T.T thuê nhà với giá 1 triệu đồng/tháng trong vòng 3 năm (từ 20.9.2009 đến 20.9.2012 với điều kiện ông T. đặt cọc cho ông Dũng 350 triệu đồng). Kiểm tra giấy tờ, CCV tiến hành công chứng. Khi chưa hết thời hạn, người nhà của ông Dũng đã đuổi ông T. ra khỏi nhà với lý do ông Dũng đã làm giấy tờ giả để ký hợp đồng cho thuê nhà. Ông T. quay sang đòi tiền đặt cọc thì ông Dũng tìm cách tránh né.

Chưa hết, ngày 29.10.2009, ông Dũng tiếp tục dùng giấy tờ căn nhà này đến PCC số 4 thế chấp vay tiền, thì bị CCV phát hiện làm giả nên chuyển hồ sơ qua Công an Q.Tân Bình điều tra. Cuối năm 2013, TAND TP.HCM tuyên phạt ông Trần Quốc Dũng 2 năm tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Phát hiện nhờ... kinh nghiệm

Tại PCC số 4, CCV Hoàng Thị Kim Tuyến cho biết đã phát hiện ra trên 10 vụ sử dụng hồ sơ giả đến giao dịch. Đề cập đến việc phát hiện vụ bà Nguyễn Thị Thanh Loan sử dụng hồ sơ giả đến giao dịch với ông Ngô Văn Hát tại PCC số 4 (PCC số 5 không phát hiện), bà Tuyến cho biết: “Quá trình kiểm tra hồ sơ  tôi phát hiện màu giấy (2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và 1 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở) có vẻ tươi hơn giấy thật; chữ ký cơ quan có thẩm quyền không liền nét (do sử dụng máy scan); số sê ri trên sổ đỏ sử dụng in mà không phải đóng dấu chìm như giấy thật. Đặc biệt, trong trang bổ sung của sổ đỏ, tôi phát hiện ra mỏng hơn giấy thật, tờ trước bạ thì ngả qua màu cam (đúng ra phải đỏ)… Nghi ngờ đây là giấy tờ giả, tôi đề nghị giữ lại để nhờ cơ quan xác minh. Đến hẹn, bà Loan không đến PCC, mà chỉ có mình ông Hát. Ông Hát cũng cho biết bà Loan thừa nhận làm giả giấy tờ nên đã làm đơn tố cáo đến công an. Sau đó, Công an Q.Tân Bình cũng đã đến PCC số 4 thu giữ toàn bộ hồ sơ để tiến hành điều tra”. Việc phát hiện ra nhiều vụ hồ sơ giả đến giao dịch, bà Tuyến chỉ nói: “Cái này chủ yếu nhờ kinh nghiệm nghiệp vụ, khả năng phán đoán… mà thôi”.    

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng PCC số 4, thì hầu như tháng nào CCV cũng phát hiện từ 1 - 2 vụ sử dụng hồ sơ giả đến giao dịch tại PCC số 4. “Hiện nay, các đối tượng làm giả giấy tờ rất tinh, rất khó phát hiện. Nếu như CCV thiếu kinh nghiệm, thì rất dễ bị các đối tượng qua mặt”, ông Hòa nhận xét. Đề cập đến kinh nghiệm, ông Hòa nói: “Rất vô chừng, vì không có cái chung. Chủ yếu là kinh nghiệm phán đoán, chẳng hạn như có giai đoạn trong giấy hồng nhà nước sử dụng Tờ khai thuế trước bạ, sau đó đổi qua Thông báo nộp tiền sử dụng đất. Hay như giấy CMND có giai đoạn in số đen, có giai đoạn thì in số đỏ… thì CCV phải nhớ để phát hiện việc nhầm lẫn của người làm giả. Nói chung cũng mang tính cảm quan, khi nghi ngờ thì nhờ cơ quan chức năng xác minh. Nhưng cũng có hồ sơ nghi ngờ giả, nhưng xác minh lại thật”.

Nỗi đau đầu của công chứng viên

Về tình trạng giấy tờ giả tràn lan hiện nay, ông Phan Văn Cheo, Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM, nguyên Trưởng phòng PCC số 1, cho biết đây là nỗi lo sợ và đau đầu của CCV vì chỉ kiểm tra bằng mắt thường và kinh nghiệm là chính. Theo ông Cheo, hiện nay đối tượng lừa đảo bằng hồ sơ giả nhiều nhất là tình trạng mua bán xe và cầm cố, thế chấp tài sản. Trước tình hình này, ông Cheo kiến nghị: “Các ban ngành nên xây dựng, ban hành những giấy tờ chống làm giả kỹ thuật cao để hạn chế việc làm giả. Các ban ngành cần sớm nối mạng với nhau để nhanh chóng tra cứu, cung cấp thông tin về tài sản đảm bảo. Cần sớm có hệ thống liên thông giữa cơ quan đăng ký cấp giấy với các tổ chức công chứng để CCV dễ dàng tra cứu, kiểm tra nguồn gốc tài sản. Song song đó, để tránh bị lừa thì đối tượng tham gia giao dịch phải thẩm tra tài sản, xác minh tính pháp lý trước khi giao dịch. Nếu không có điều kiện thì người mua, người nhận thế chấp có thể yêu cầu CCV đi xác minh tài sản trước khi giao dịch để đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất chuyện giả mạo bị lừa”.

Lê Nga

Hoàng Tuấn - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.