Hiểu thế nào về quy định cho người giúp việc nghỉ 4 ngày/tháng?

Thu Hằng
Thu Hằng
01/06/2020 04:33 GMT+7

Đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH cho người giúp việc gia đình được nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng đang nhận nhiều ý kiến khác nhau. Theo ý kiến các chuyên gia, đây là việc nên để gia chủ và người lao động tự thỏa thuận.

Theo dự thảo Nghị định quy định về lao động là người giúp việc gia đình, theo khoản 2 điều 161 của bộ luật Lao động năm 2019, vừa được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến, một điểm đáng chú ý là quy định việc bảo đảm thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu cho người lao động (NLĐ) ít nhất nghỉ 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục và bình quân nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng.
Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay: “Cần thiết phải ban hành nghị định để quy định cụ thể việc áp dụng các nội dung của bộ luật Lao động phù hợp với đặc thù của lao động giúp việc gia đình, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các bên khi thuê mướn và sử dụng lao động giúp việc gia đình”, ông Hưng nói.

Người giúp việc vui mừng, chủ nhà lo lắng

Bà Đỗ Thị Nhẫn, quê H.Yên Định (Thanh Hóa), giúp việc gia đình tại Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đang làm trông trẻ, chưa có hợp đồng lao động, giấy tờ gì cả. Mỗi năm, trừ về nghỉ tết, cứ 3 tháng chủ nhà cho về quê 1 lần. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có việc đột xuất, chủ nhà không hài lòng, thường yêu cầu ra sớm. Bây giờ, nhà nước cho nghỉ thêm thì thật là cảm ơn quá”. Còn bà Vũ Thị Nga, quê H.Thanh Sơn (Phú Thọ), bày tỏ: “Tôi rất mừng vì không bao giờ nghĩ có một ngày nghề giúp việc lại được quan tâm như những nghề khác trong xã hội. Tôi độc thân, không lập gia đình, một năm chỉ về quê 2 lần, cũng không cần thiết phải nghỉ nhiều như vậy mà sẵn sàng ở lại làm thêm trong những ngày nghỉ, đổi lại gia chủ sẽ trả thêm tiền”.
Trong khi đó, chị Lê Ngọc Dung, nhân viên ngân hàng, chia sẻ mỗi lần người giúp việc về quê là công việc, sinh hoạt của cả gia đình chị như đảo lộn.
“Nay giúp việc được nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng, nếu họ cộng dồn 2 - 3 tháng đòi về 1 lần thì không biết sẽ tính toán kiểu gì”, chị Dung lo lắng. Theo chị Dung, hiện nay lương giúp việc ở thành phố đã khá cao, từ 5,5 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền ăn, ở), tháng lương thứ 13, quà cáp, tiền tàu xe về quê… Giờ lại có thêm quy định được nghỉ 4 ngày sẽ khiến cho nhiều người giúp việc “được đằng chân, lân đằng đầu” đòi hỏi thêm quyền lợi.

Nên để 2 bên tự thỏa thuận

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho hay khi sửa bộ luật Lao động năm 2012 vấn đề này đã được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra thảo luận với mong muốn người giúp việc có quyền thêm lợi ích xung quanh thời giờ làm việc. Tuy nhiên, sau đó xét thấy đây là công việc đặc thù khác với lao động khối sản xuất nên vẫn để cho 2 bên tự thỏa thuận thời giờ làm việc, nghỉ ngơi. “Theo tôi không nên cứng nhắc mà do 2 bên thỏa thuận. Chắc chắn với quy định này nhiều người giúp việc đồng ý, còn chủ sử dụng lao động không đồng tình vì nghề nghiệp giúp việc khác với ngành nghề khác”, ông Huân nói.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, chia sẻ: “Nếu lao động giúp việc mà nghỉ 4 ngày và tính cộng dồn thì thật là khó khăn cho gia đình có người già, ốm đau bệnh tật... Chi bằng, để cho gia chủ và người giúp việc cùng thỏa thuận. Ví dụ trong 4 ngày nghỉ được quyền nghỉ, nếu vẫn làm được trả thêm tiền.
Theo PGS-TS Lê Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), lao động giúp việc cũng có quyền được nghỉ ngơi như các ngành nghề khác. “Tôi đồng ý cần phải có quy định về thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Tuy nhiên, nên có cách tính chuyển đổi linh hoạt hoặc quy đổi thành tiền nếu cả chủ nhà và NLĐ đồng ý. NLĐ có thể nghỉ vào cuối tháng hoặc dồn ngày nghỉ để mỗi đợt về quê dài hơn, hoặc quy ngày nghỉ thành tiền, coi ngày nghỉ là ngày làm thêm…”.

Không quy định cứng 1 tháng nghỉ 4 ngày

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 31.5, ông Nguyễn Huy Hưng cho hay: “Giúp việc gia đình là loại hình lao động đặc thù nên việc bố trí thời gian là do 2 bên thỏa thuận với nhau và chúng tôi tính bình quân thỏa thuận đạt được số lượng 4 ngày/tháng. Ví dụ, tính bình quân 1 tháng có thể lúc này nghỉ nửa ngày, lúc kia cả ngày. Cơ quan soạn thảo chỉ quy định 1 tháng tính bình quân nghỉ ít nhất 4 ngày, chứ không phải quy định cứng 1 tháng 4 ngày nghỉ liền tù tì hoặc nghỉ định kỳ hằng tuần mà do thỏa thuận giữa chủ và NLĐ. Theo điều 111, bộ luật Lao động, NLĐ có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần”, ông Hưng giải thích.
Ông Hưng cho biết thêm Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ ban hành mẫu hợp đồng lao động mới để 2 bên áp dụng cho thuận lợi. Bộ này cũng sẽ tiếp thu ý kiến các chuyên gia và nhân dân đến hết ngày 27.7, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu được thông qua, quy định sẽ áp dụng từ 1.1.2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.