Hiến tạng cứu người: 'Tôi không bán tạng con mình'

Nhật Linh
Nhật Linh
13/02/2021 07:18 GMT+7

Mặc dù là chuyện hiến tạng cứu người, nhưng nhiều gia đình người hiến tạng gặp không ít dị nghị từ những người xung quanh, thậm chí bị hoài nghi... bán tạng người thân.

“Họ nói tôi bán tạng con mình”

Quê ở Giồng Trôm, Bến Tre, bà Nguyễn Thị Ánh Phụng (51 tuổi) rời quê lên Sài Gòn từ những năm 1990. Qua 2 đời chồng và nhiều lần ở đậu trên đất chờ giải tỏa, bà Phụng chuyển về sống tại một xóm trọ nghèo ở P.Bình Trưng Đông (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) cùng 3 người con.
Hằng ngày, bà Phụng mưu sinh bằng gánh nước nhỏ, bán trước công trường nơi con trai lớn N.V.L làm việc. Đến năm 2016, sau một tai nạn xe, L. (20 tuổi) được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và tiên lượng không qua khỏi.
Khi Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy đến tư vấn về việc hiến tạng từ người đã chết não, ngưng tim, bà Phụng đồng ý. “Đồng ý hiến tạng con, tôi nghĩ đó là việc tốt, có thể cứu người khác, rồi cũng nghĩ là để đức lại cho con”, bà Phụng nhớ lại.
Khi đưa L. về làm hậu sự tại nhà nội ở Q.5, bà Phụng bất ngờ vấp phải những lời dèm pha từ gia đình chồng cũ. “Cô dì chú bác thấy vết mỗ trên người con rồi họ nhìn mình bằng nửa con mắt. Họ nói tôi bán tạng con mình. Dù tôi nói thế nào thì họ cũng không tin”, bà Phụng kể.

Bà Phụng và con trai út trước căn trọ đã gắn bó gần 20 năm.

NHẬT LINH

Lời đồn theo bà Phụng về tận xóm trọ nhỏ. “Cứ đi ra ngoài gặp hàng xóm là người ta lại hỏi mình bán tạng được bao nhiêu tiền. Nghe vậy mình chỉ biết quanh quẩn ở nhà, không dám đi ra đường”, bà Phụng kể thời gian đó cứ bật truyền hình thấy những người trạc tuổi con trai lớn của bà thì nước mắt lại chảy. Để rồi, đến ngày nhận được Kỷ niệm chương vì sức khỏe cộng đồng do Bộ trưởng Bộ Y tế tặng, bà Phụng đã có thể tự thanh minh cho chính mình.
“Tôi đã cầm Kỷ niệm chương của L. sang cho chủ nhà trọ xem để họ thấy, tôi không bán tạng con mình”, bà Phụng nói chắc nịch.
5 năm sau khi con trai lớn qua đời, người con gái lớn đi lấy chồng, bà Phụng vẫn ở lại căn trọ rộng khoảng 10 m2 cùng đứa con trai út năm nay 11 tuổi. Chi phí sinh hoạt hằng ngày trông cậy vào tiền công phân loại ve chai của bà Phụng. “Giờ mọi chuyện vẫn còn khó khăn nhưng không còn lời ra tiếng vào như trước nữa. Với quyết định hiến tạng con trai mình ngày đó, tôi chưa bao giờ hối hận”, bà Phụng tâm sự.
Đứng trước căn trọ vách tôn đã gắn bó gần 20 năm, bà Phụng nhìn đứa con trai út cười ấm áp: “Nó học dốt lắm. Vậy mà thấy mấy chú công an khu vực là nó nói cũng muốn làm công an, muốn bắt cướp giống mấy chú”.

“Rồi mọi chuyện cũng nguôi”

Năm 2018, từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ông Hà Minh Tâm đã gọi về cho gia đình tại Đắk Lắk để hội ý về việc hiến tạng con trai H.M.N (37 tuổi). Sau một tai nạn giao thông, anh N. được tiên lượng không qua khỏi. Cả gia đình nội ngoại và anh chị em của N. đều nhất trí việc hiến tạng cứu người. Sau đó, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã tiếp nhận tim, gan và 2 thận của N., giúp cứu sống 4 người khác.

Vợ chồng ông Tâm ngồi trong khoảnh sân trước nhà, nhớ lại những chuyện đã qua.

NHẬT LINH

Nhưng khi đưa linh cữu anh H.M.N về an táng tại quê nhà huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, gia đình ông Tâm lại gặp phải những lời mỉa mai từ hàng xóm. “Đi đâu người ta cũng nói mình bán tạng. Họ nói ông Tâm đi tha hương cầu thực bao nhiêu năm rồi học thói gì lạ đời để làm chuyện như vậy với con mình”, ông trầm ngâm “đau lắm chứ”.
Cuối năm 2019, không chịu được “miệng đời”, anh Sáng, người con trai út đã liên lạc Đơn vị Điều phối nhờ “minh oan” cho gia đình. Lặn lội gần 450 km, tiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối cùng cộng sự đã đến gặp trực tiếp chính quyền địa phương giải thích trường hợp của gia đình ông Hà Minh Tâm.
Hơn 1 năm sau, vào một ngày cuối tháng 1.2021, sau hơn 10 tiếng di chuyển, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu và gia đình ông Tâm tay bắt mặt mừng trong khoảnh sân trước căn nhà đơn sơ của gia đình tại Đắk Lắk.
Ngồi trong khoảnh sân có những cây ca cao gãy ngọn do thời tiết xấu, ông Tâm kể lại mình cũng vừa từ TP.HCM về nhà sau một năm làm việc luân phiên giữa TP.HCM và tỉnh Long An. Còn bà Nguyễn Thị Nghi Hảo, mẹ anh H.M.N, vẫn ở quê cùng đứa con trai út.

Đây là lần thứ 3, tiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (trái) cùng các cộng sự đến thăm, chúc tết gia đình ông Tâm ở Đắk Lắk. "Lần này không khí gia đình nhẹ nhàng hơn, phấn khởi hơn những lần trước", bác sĩ Thu chia sẻ.

NHẬT LINH

Ông Tâm kể, từ khi con trai lớn qua đời, sức khỏe của bà giảm đi nhiều. Tai bà Hảo bị lãng nặng, cuộc viếng thăm hầu hết do ông Tâm tiếp chuyện. Tuy nhiên, từ đầu đến cuối, bà Hảo luôn nắm tay bác sĩ Thu hỏi thăm đường đi từ Đắk Lắk đến Bệnh viện Chợ Rẫy để một lần bà được vào thăm các bác sĩ, như cách họ đã đến thăm gia đình bà 3 năm qua.
Nhớ lại chuyện cũ, ông Tâm bùi ngùi: “Người ta có phát loa lúc 5 giờ sáng và 5 giờ chiều về trường hợp của gia đình tôi. Rồi lâu dần, người ta không bàn tán nữa, mọi chuyện cũng qua, cũng nguôi ngoai”.
Ông Tâm còn hóm hỉnh: “Giờ thì tôi cứ hối thằng út lấy vợ. Như tôi bây giờ chưa có cháu nội nên đâu được ngồi mâm trên, vẫn còn phải ngồi mâm dưới đây”.
Hiện câu chuyện hiến tạng từ người cho chết não hoặc ngưng tim còn gặp nhiều khó khăn do văn hóa “chết toàn thây” của người Á Đông nói riêng và châu Á nói chung. Theo tiến sĩ – bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, bao nhiêu gia đình đã đồng ý hiến tạng của người thân là bấy nhiêu hoàn cảnh khác nhau, câu chuyện khác nhau. “Có những gia đình mình đến một lần thấy họ ổn thì mình an tâm. Còn có những gia đình mình phải đi thăm nhắc lại nhiều lần để động viên họ, cho đến khi họ thật sự “ổn” với câu chuyện hiến tạng rồi mới thôi”, bác sĩ Thu trăn trở.
Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập năm 2014 là nơi tiếp nhận điều phối, quản lý việc hiến - nhận tạng theo quy định của pháp luật. Tính đến năm 2020, tại Đơn vị Điều phối, 18.500 người đã đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.