Hiến kế cho du lịch Huế

17/02/2012 10:31 GMT+7

Thừa Thiên-Huế có nhiều tiềm năng để trở thành điển hình du lịch xanh ở VN nếu biết quảng bá và chọn chiến lược đầu tư lâu dài.

Chiến lược truyền thông

Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia nước ngoài, trong buổi hội thảo quốc tế về chủ đề “Du lịch Di sản theo hướng tăng trưởng xanh” ngày 14.2 do Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng cho rằng, Huế rất cần xúc tiến thương hiệu điểm đến và chiến lược truyền thông. Ông Hans Hoefer, người sáng lập bộ sách hướng dẫn du lịch Guide Book APA toàn cầu cho rằng “Huế vẫn còn yếu kém trong việc xúc tiến thương hiệu điểm đến và chiến lược truyền thông”. Theo ông Hans Hoefer, xúc tiến thương hiệu điểm đến là một khâu quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm du lịch, đó cũng là chiến lược mà Huế cần hướng đến.

Huế đã có nhiều điểm đến điển hình cho du lịch cộng đồng như làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền), làng Sình (xã Phú Mậu, H.Phú Vang), P.Kim Long (TP.Huế)... Tuy nhiên, rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, vẫn rất khó khăn trong việc tìm điểm đến. Bởi Huế chưa có một hệ thống hướng dẫn điểm đến cho du khách. Làng cổ Phước Tích là một điểm đến hấp dẫn mấy năm gần đây. Nhưng, làng cổ vẫn rất “đói” tour. Du khách muốn về thăm làng này rất khó, bởi không có một bảng chỉ dẫn nào cụ thể. Trong khi đó, khách du lịch hiện nay ngày càng có xu hướng du lịch tự do, không phụ thuộc các công ty lữ hành.

 
Du lịch di sản là thế mạnh của Thừa Thiên-Huế - Ảnh: Tuyết Khoa

 
Xích lô là sự lựa chọn của nhiều du khách đến Huế - Ảnh: Tuyết Khoa

Không làm du lịch “ăn sẵn”

Huế không chỉ là một thành phố di sản với một hệ thống lăng tẩm, cung điện, chùa chiền, mà Huế còn là nơi lý tưởng cho việc phát triển du lịch cộng đồng. Bởi nhiều cộng đồng địa phương đã tổ chức khối dân cư với một hệ thống tập tục, truyền thống sinh hoạt cộng đồng cùng với sự phong phú của nguồn lực du lịch. Chính vì thế, ông Lal Kurukulasuriya, cố vấn cao cấp của chương trình LHQ về môi trường, cho rằng Huế có nhiều lợi thế để ưu ái trong việc quảng bá một hình mẫu du lịch dựa trên cộng đồng một cách toàn diện nhất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Huế vẫn đang ì ạch dựa vào nguồn lực có sẵn, mà chưa có những chiến lược phát triển du lịch lâu dài. Tính đơn điệu và thụ động đang khiến cho du lịch Huế đánh mất nhiều cơ hội.

Theo ông Ando Katshurio, chuyên gia phát triển du lịch JICA (Nhật Bản), du lịch xanh dựa vào cộng đồng là xu thế của toàn cầu. Tại Huế, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền) là một địa điểm hấp dẫn của du lịch xanh, du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta cần xây dựng một mô hình du lịch cụ thể, nếu không nó mãi chỉ là một di sản, vấn đề phát huy là điều cần hướng đến trong du lịch.

Ông R.Unterburger - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Tập đoàn Messe Muenchen Internation (MMI) châu Á lại cho rằng Huế là một thành phố di sản mang tính đặc trưng cao, dựa vào nguồn lực sẵn có để bảo tồn và phát huy. Vì thế, cần phát huy tính đặc sắc của bản sắc địa phương, không nên máy móc chạy theo các tiêu chuẩn của các nơi khác. “Ở Huế, khách sạn 5 sao không có nghĩa là phải bán cà phê Mỹ, trà Trung Quốc, mà nên bán cà phê của Huế, trà Huế. Cái mà khách du lịch cần là tính bản sắc, độc đáo của điểm du lịch”- ông R.Unterburger nhấn mạnh.

“Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn chung hiện nay, để xây dựng Huế thành một thành phố du lịch hàng đầu VN thì cần có sự chung tay của các doanh nghiệp”, một đại biểu của Ngân hàng thế giới cho biết.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.