Hello Mù Căng Chải

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
04/10/2019 08:00 GMT+7

Giàng A Dê là chủ homestay Hello Mù Căng Chải nằm tít trên đỉnh núi cao của xã La Pán Tẩn (H.Mù Căng Chải, Yên Bái).

Du khách trong và ngoài nước tấp nập đến Hello Mù Căng Chải chỉ biết Giàng A Dê mến khách, chăm chút từng ly từng tí cho homestay.
Ít ai biết, chàng trai 30 tuổi người Mông này đã mạnh dạn bỏ việc nhà nước, đi vay từng đồng để dựng nhà làm du lịch, làm gương cho thanh niên địa phương...

Nghỉ Viettel, về nhà làm homestay'

Vợ chồng Giàng A Dê cùng làm mọi việc để phát triển homestay nhà mình

Ảnh: M.T.H

Năm 2007, cả xã La Pán Tẩn xôn xao khi biết Giàng A Dê trúng tuyển đại học. Người Mông trên núi cao, đến cái ăn còn chẳng đủ, đi học cố lắm cũng chỉ hết THPT, nên việc Dê vào Trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên thì quá là bất ngờ. Năm 2011, Giàng A Dê tốt nghiệp đại học, về làm việc tại Viettel Mù Căng Chải, Yên Bái.
Ngày ấy, phong trào điện thoại vừa ngược lên núi cao. Các gói cước của Viettel vừa rẻ vừa tiện, lại thêm các loại điện thoại từ bên kia biên giới tràn sang, vừa rẻ vừa được cài sẵn các bài hát của người Mông, nên đến đâu cũng nghe thấy tiếng đàn hát i ỉ phát ra từ túi áo, cạp quần. Phổ cập thế, nên cái danh “cán bộ Viettel” của Giàng A Dê oách lắm. Chẳng thế mà cứ về nhà, bà con ai cũng xúm xít đến hỏi mua sim, vào mạng.
Bận bịu vậy, nhưng cứ tối là Giàng A Dê nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi: Chồng làm Viettel, vợ Vàng Thị Ly (sinh 1992) cũng tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, làm kế toán ở nhà khách Suối Mơ thuộc UBND H.Mù Căng Chải, nhưng thu nhập mỗi tháng chỉ vài triệu đủ nuôi gia đình gồm vợ chồng và 2 đứa con. “Mình học hành đàng hoàng, có công việc ổn định mà còn vậy thì đồng bào chỉ có ruộng nương trồng lúa, tra ngô bao giờ mới hết đói nghèo”, Giàng A Dê kể vậy và nhớ: Năm 2007, toàn bộ 500 ha diện tích ruộng bậc thang thuộc 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình được xếp hạng là di tích quốc gia - danh thắng độc đáo tại VN. Dần dà, du khách trong và ngoài nước đến La Pán Tẩn ngày một nhiều, nhất là dịp lúa chín. Nhiều người vào xã, thấy đẹp quá muốn ở lại mà không có chỗ, phải quay lại Nghĩa Lộ, Mường Lò hoặc lên tít trên huyện. Cuối 2016, Giàng A Dê tình cờ nghe người bạn nói chuyện làm du lịch. Khái niệm “homestay” ngay lập tức in hằn và anh bắt đầu tìm hiểu, từ thực tế địa phương, vùng lân cận cho đến lần mò tìm kiếm trên mạng internet. Cũng từ đây, Giàng A Dê lẩn mẩn học từ cách nấu ăn, giao tiếp với khách, tổ chức tour…
Cuối năm 2017, sau khi đã thuyết phục và được vợ đồng ý, Giàng A Dê nộp đơn xin nghỉ việc ở Viettel để làm du lịch homestay ngay tại quê hương mình: xã La Pán Tẩn.
Hello Mù Căng Chải

Tổ chức cho khách nước ngoài ăn Tết Độc lập tại homestay

Ảnh: NVCC

Gây dựng từ đôi tay

“Quê mình đẹp vậy, phải cho khách lên đồi cao ngắm nhìn”, Giàng A Dê nung nấu vậy và chọn đỉnh đồi cao hơn 1.000 m để san đất, xây dựng căn nhà sàn với mảnh sân phía trước trải sỏi lấy lên từ con suối dưới chân đồi. Từ đây, du khách thoải mái ngắm nhìn ruộng bậc thang, bản làng, rừng núi và cả cuộc sống thường nhật của người dân.
“Ối! Ngày làm như con trâu. Đêm ngủ toàn mơ thấy tiền”, Vàng Thị Ly, vợ Giàng A Dê năm nay 27 tuổi, gục mặt vào lưng chồng, xấu hổ kể lại những ngày đầu gian khó và thật thà: Vợ chồng vay mượn từ người thân, bạn bè rồi ngân hàng, mãi mới được hơn 500 triệu đồng để làm homestay. Cân đong tiết kiệm, cái gì không thể mới phải mua, thuê. Còn lại tự làm. Ngay như con đường bê tông dốc ngược từ đường xã lên homestay trên đỉnh đồi gần 300 m, vợ chồng Giàng A Dê cũng hì hục đi mua xi măng cát sỏi và tự làm trong nửa tháng trời. Làm xong đường, cả hai đen nhẻm, hốc hác.
Hello Mù Căng Chải

Homestay “Hello Mù Căng Chải” nhìn từ trên cao

Ảnh: NVCC

“Nhà người Mông toàn tay người Mông dựng, mình phải làm giống như ông bà tổ tiên, mới trân trọng khách quý”, Giàng A Dê động viên vợ vậy và tận dụng mọi nguyên liệu sẵn có để dựng từng cây cột, lót từng liếp sàn. Không có tiền thuê thợ, cả 2 vợ chồng kiên nhẫn gùi thồ từng viên gạch, bao xi măng từ dưới đường lên đỉnh núi. Chỉ bãi sỏi trắng khum hình trái tim trước sân homestay, Giàng A Dê khoe: “Em nghĩ ra đấy. Sỏi nhặt dưới suối, vừa sạch sẽ mát chân vừa là điểm chụp hình cho các bạn trẻ”. Đến cả trang web có địa chỉ hellomucangchai.com và trang fanpage trên mạng xã hội Facebook, cũng tự Dê lần mò học hỏi thiết kế và cập nhật liên tục, không chỉ những hình ảnh về nhà mình, bản mình mà còn rộng ra cả Mù Căng Chải và vùng Tây Bắc.
Muốn làm du lịch thì phải biết tiếng Anh và biết cung cách phục vụ, từ gấp chăn màn cho đến cắm hoa, đón khách... Vàng Thị Ly đinh ninh vậy và quyết định gửi con nhỏ ở nhà nhờ ông bà chăm sóc, còn mình sang TT.Sa Pa (Lào Cai) xin vào khách sạn làm thuê để... học tiếng, học việc. Chủ khách sạn lần đầu tiên thấy một cô gái người Mông sõi tiếng Kinh, chăm học hỏi thì mừng như bắt được vàng, giao Ly đủ mọi việc, thậm chí còn định tuyển vào làm dài hạn. Cần cù miết mải gần 1 năm trời, Vàng Thị Ly xin nghỉ việc, về lại La Pán Tẩn, lúc ấy mới chính thức phụ giúp Giàng A Dê làm các việc du lịch.

“Lớp học hợp chủng quốc”

Bây giờ thì homestay của vợ chồng Giàng A Dê đã được du khách trong ngoài nước biết đến. Lượng đặt phòng luôn đầy và nhiều khách, phải vào “sổ chờ” đến mấy tháng sau. Có những khách nước ngoài đến ở vài tuần, trở thành người thân của cả bản. Giàng A Dê cười: Người Mông ở La Pán Tẩn không như người ở Sa Pa đã quen du lịch. Ban đầu phải nói chuyện, thuyết phục bà con bỏ suy nghĩ “người Tây không phải người thường” dám đi gần nhau, cười nói chuyện với nhau và uống rượu chung mâm.
Chính những “khách Tây” thấy vợ chồng Giàng A Dê chăm chỉ, nhiệt tình, ham học hỏi, đã truyền cho cậu tâm niệm: “Muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, phải gắn với cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Mông” và dạy vợ chồng từ những câu tiếng Anh cho đến cách nấu món ăn, bài trí nhà cửa phòng ở.
Đến với Hello Mù Căng Chải, người ta không chỉ được sống giữa thiên nhiên, thỏa thích ngắm đất trời mà còn được Giàng A Dê… dụ tham gia các hoạt động của người dân địa phương như xuống suối bắt cá, lên nương cày cấy, trồng đỗ bẻ ngô, dự lễ cưới hỏi, tham gia lễ hội. Thậm chí, khách còn theo người dân lên núi hái rau hái măng mang về cùng xúm vào chế biến nấu nướng, ăn uống theo đúng kiểu đồng bào.
Giàng A Dê bảo: “Du khách đã lên tới đây là tìm kiếm sự khác biệt, mới lạ, độc đáo về văn hóa, về cuộc sống và thiên nhiên để giảm căng thẳng. Mình phải giữ nụ cười và tạo sự thân thiện hòa đồng, để ai cũng thấy vui và tràn đầy năng lượng sống”.
Cũng từ mục đích “ai cũng sống ý nghĩa”, vợ chồng Giàng A Dê đã mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ con trong xã và kêu gọi du khách nước ngoài đến ở homestay cùng tham gia dạy học, trò chuyện với các học viên nhí. Để khuyến khích khách nhiệt tình dạy học, vợ chồng Dê mời khách các bữa ăn và đưa vào bản thăm đời sống. Cái lớp học tiếng Anh ấy giờ được gọi là “lớp liên hợp quốc” bởi học viên đủ mọi lứa tuổi già trẻ lớn bé, từ giáo viên cắm bản cho đến học sinh tiểu học, và người dạy cũng đủ các độ tuổi và đến từ các quốc gia khác nhau. Ấy thế mà cũng xóa mù tiếng Anh cho bao người và dân bản ở La Pán Tẩn mùa lúa chín tháng 9.2019 này, thấy “Tây” là “hello”vẫy tay chào thân thiện và xúm vào ríu rít hỏi chuyện, chứ không nem nép tránh xa như trước.
Qua gần 2 năm hoạt động, homestay của vợ chồng Giàng A Dê đã có thu nhập đều, ổn định ở mức 30 triệu đồng/tháng với 80% khách là người nước ngoài. Thế nhưng Giàng A Dê vẫn đang nung nấu ý định đầu tư mở rộng thêm 3 khu phòng nghỉ khép kín và nhất là ước ao: “Ai lên Mù Căng Chải, Tây Bắc cũng yêu đất và mỗi mặt người gặp, đều chào mến nhau”. Tôi tin ước mơ của Giàng A Dê sẽ thành sự thật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.