Hầu hết khu xử lý chất thải rắn đều đang ách tắc

06/07/2019 07:51 GMT+7

Theo thống kê của đoàn giám sát HĐND TP.Hà Nội, hầu hết 17 khu xử lý chất thải rắn của Hà Nội đã phê duyệt nằm trong tình trạng đã ngưng hoạt động hoặc chưa triển khai hoặc chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.

Đáng kể đến đầu tiên là khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, H.Sóc Sơn) có diện tích 83,5 ha (mở rộng đến năm 2020 là 157 ha; năm 2030 là 257 ha; năm 2050 là 280 ha, công suất đến năm 2030 khoảng 6.000 tấn/ngày) hiện đang là “túi rác” chính của Hà Nội.
Hiện nay, ngoài Urenco đang vận hành dự án khu liên hợp xử lý chất thải giai đoạn 1 (83,5 ha) và giai đoạn 2 (73,73 ha); dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt 2.000 tấn/ngày được triển khai theo hình thức hợp đồng BOT (15 ha) đang trong giai đoạn đầu tư; dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao tại xã Bắc Sơn theo hình thức PPP chưa thực hiện; dự án hoàn thiện khu liên hợp xử lý chất thải tập trung tại Sóc Sơn cũng chưa thực hiện.
Riêng dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày do Công ty CP năng lượng môi trường Thiên Ý làm chủ đầu tư hiện đang triển khai và nhà đầu tư cam kết hoàn thành vào tháng 10.2020.
“Túi rác” lớn thứ 2 của Hà Nội - khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (TX.Sơn Tây và H.Ba Vì) ngoài Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây và Xuân Sơn đang vận hành, thì nhà máy xử lý rác 500 tấn/ngày do Công ty Indovinpower làm chủ đầu tư đang ở trạng thái “chưa góp vốn, chưa ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án; chưa thực hiện bổ sung quy hoạch điện lực; đã tạm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai khảo sát, tính toán và lập hồ sơ thiết kế”. Nhà máy xử lý rác công suất 1.500 tấn/ngày do Tập đoàn HitachiZonsen hợp tác với Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư cũng gần như trong tình trạng tương tự (mới đang thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch điện lực).
Khu xử lý chất thải rắn Hợp Thanh (xã Hợp Thanh, H.Mỹ Đức) chưa được sự đồng thuận của nhân dân nên huyện đề xuất thay đổi vị trí, nhưng nhà đầu tư đề xuất không tiếp tục tham gia và được UBND TP đồng ý. Dự án hiện được giao Sở QH-KT nghiên cứu vị trí phù hợp. Khu xử lý chất thải rắn Đông Lỗ (Đông Anh), Núi Thoong (Chương Mỹ), Lại Thượng (Thạch Thất) cũng trong tình trạng giải phóng mặt bằng khó khăn do người dân chưa đồng thuận.
Khu xử lý chất thải rắn Đan Phượng (xã Phương Đình, H.Đan Phượng) đã chạy thử năm 2016 nhưng nay chủ đầu tư xin ngừng tiếp nhận rác do thường xuyên xảy ra sự cố. Công ty đề nghị thay đổi công nghệ tiên tiến nhưng chưa được UBND TP chấp thuận do cần phải điều chỉnh quy hoạch.
Các khu xử lý chất thải rắn còn lại như Đồng Ké hiện mới đang mời thầu; Tây Đằng, Phù Đổng, Cao Dương, Mỹ Thành chưa triển khai đầu tư; Việt Hùng đang giao Sở Xây dựng đề xuất; Kiêu Kỵ và Vân Đình đã đóng bãi; Châu Can đang triển khai chậm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.