Hào hùng 'cụ tàu' bánh lái gỗ

13/12/2017 09:26 GMT+7

Các đoàn khách quý thường được đưa xuống thăm các tàu tên lửa hiện đại. Còn những con tàu làm nên lịch sử qua bao thăng trầm sóng gió như tàu 903, hãn hữu lắm mới có người biết mà xuống thăm...

Ở Lữ đoàn vận tải quân sự 125 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân có 1 con tàu bé tí, cũ kỹ và luôn um tùm cây xanh nằm vị trí ngoài cùng các tàu. Bộ đội gọi đó là “cụ tàu 903”, bởi đến nay con tàu đã tồn tại qua 57 năm và vẫn được đại tu để… chạy tốt.


Thường thì cứ buổi trưa là toàn tàu tập trung hết ra boong, dưới tấm bạt trùm để hóng hơi mát từ mặt sông. Các phòng vừa bé vừa chật, không lắp đến cả thứ đơn giản nhất là quạt máy. Ai xuống ở tàu, giảm cân chừng vài ký là thường

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Minh

Từ cuối những năm 1950, quân và dân ta đã nhận được sự hỗ trợ của các nước bạn về trang thiết bị vũ khí, khí tài cho các quân binh chủng, trong đó có hải quân. Đầu năm 1960, nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã giúp nước ta một con tàu trọng tải 200 tấn vừa đóng mới. Đây là con tàu hiện đại nhất Hải quân VN lúc bấy giờ, với biên chế 19 người, có chức năng vừa chuyên chở - bơm hút dầu, vừa có khoang hàng để thực hiện các nhiệm vụ vận tải khác, trong đó đặc biệt là ngụy trang để chở vũ khí.
Ngay khi về đến VN, con tàu được bàn giao cho Bộ Tư lệnh hải quân quản lý sử dụng và hoạt động ở vịnh Hạ Long - khu vực vịnh Bắc bộ với số hiệu P-525. Ngày 4.9.1966, Bộ Tư lệnh hải quân giao tàu P-525 sang Đoàn 125 (Đoàn tàu không số, làm nhiệm vụ cải trang giả dạng, bí mật chở vũ khí cung cấp cho chiến trường miền Nam). Đến tháng 11.1966, tàu chuyển sang căn cứ A2 làm nhiệm vụ và biên chế về tiểu đoàn 1, đồng thời bỏ chữ P trong số hiệu để chuyển thành tàu 525.
Xung phong trên sóng
Ông Trần Phấn, cựu trung tá - Trưởng ban Tác chiến của Lữ đoàn 125, kể lại: Từ cuối năm 1969, các tàu không số của ta bị chặn đánh quyết liệt khiến nhiều tàu phải tự hủy, nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh. Không thể ngồi yên một chỗ, chỉ huy đơn vị quyết định tìm đường đi mới và cử tàu 525 đi trinh sát chuyến đầu tiên. Ngày 20.1.1971, thuyền trưởng Trần Phấn và chính trị viên Trần Ngọc Ấn đã chỉ huy thủy thủ đoàn, điều khiển tàu đi nắm lại tình hình mọi mặt trên biển, từ nam vịnh Bắc bộ đến tây nam vịnh Thái Lan. Đúng 1 tháng sau (ngày 20.2) con tàu trở về mang theo các thông tin thực tiễn quý giá làm cơ sở mở các luồng tuyến, kịp thời cung cấp vũ khí cho chiến trường miền Nam.
Sau chuyến đi này, tàu 525 được đổi thành 625 và đảm trách việc hộ tống các tàu gỗ của đoàn tàu không số chở vũ khí trên các tuyến biển xung yếu. “Tàu 625 đi trước trinh sát mở đường, có tình hình bất thường sẽ báo các tàu chở hàng phía sau vòng tránh. Nếu các tàu hàng bị đeo bám, tàu 625 với lợi thế tàu mới, được hóa trang như tàu chở dầu sẽ nghi binh thu hút địch. Dọc đường, tàu 625 còn đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho các tàu”, cựu trưởng ban tác chiến, Lữ đoàn 125 Trần Phấn giải thích và nhấn mạnh: “Đây là phương thức vận chuyển hợp pháp. Cục 2 - Bộ Quốc phòng lo hết mọi giấy tờ cho tàu thuyền, con người và anh em phải ngồi phơi nắng để đen giòn giống ngư dân miền Nam”.
Ngày 21.4.1971, tàu 625 do thuyền trưởng Nguyễn Đình Phồn điều khiển, Nguyễn Ngọc Ẩn (Phó tham mưu trưởng đoàn 125) chỉ huy đã hộ tống thuyền của anh Tư Mao (thuyền trưởng tàu không số đi sau) suốt từ vùng biển phía bắc đến quần đảo Hoàng Sa. Sau chuyến đi này, Quân khu 9 đã quyết định thành lập đoàn vận tải bí mật mang số hiệu S950 (đến năm 1972 đổi tên thành 371). Cũng từ đây, đoàn 125 đã phối hợp với đoàn 371 vận tải theo hình thức mới và tàu 625 (hiện nay là tàu 903) cùng các tàu 609, 601 đã dẫn dắt, hộ tống thành công 31 chuyến đi của đoàn 371, đưa được 520 tấn vũ khí đạn dược vào cung cấp cho chiến trường Khu 9.
Bánh lái bằng gỗ trên đài lái
Gần 60 năm vẫn… chạy tốt
Xuống thăm con tàu “cụ”, chúng tôi vào cảng Lữ đoàn 125 (Cát Lái, Q.2, TP.HCM), đặt chân lên sàn tàu lồng phồng sơn chống gỉ dày khự, boong mấp mé nước sông Soài Rạp. Đại úy Đặng Văn Đức, thuyền trưởng tàu 903 dẫn chúng tôi đi gượng nhẹ thăm khắp tàu, chỉ hành lang được lót bằng lớp gạch men chuyên dùng cho phòng tắm, bảo:
“Gỉ sét hết, phải lót thế này mới đỡ bị thụt chân xuống dưới” và cười: “Vỏ tàu nhìn thế nhưng cũng phải vá víu chằng đụp mấy lần, giờ dày khự toàn sơn là sơn, mỗi lần đi ra cửa biển chỉ sợ sóng đánh tung miếng vá, tràn nước vào lòng tàu!”.
Bếp nấu ăn vách bị gỉ sét toàn bộ, tôn lá ghép thay cũng chỉ cho đẹp nên lúc nào trong bếp cũng để chiếc rễ tre để hất nước tràn vào. Tàu cũ không có phòng ăn, mỗi khi mưa to, gió lớn hoặc đi làm nhiệm vụ, bộ đội xếp hàng vào bếp, cơm canh cho vào bát và đua nhau đứng ăn ngay hành lang, mồ hôi ròng ròng. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Minh cười cười: “Thường thì cứ buổi trưa là toàn tàu tập trung hết ra boong, dưới tấm bạt trùm để hóng hơi mát từ mặt sông. Các phòng vừa bé vừa chật, không lắp đến cả thứ đơn giản nhất là quạt máy. Ai xuống ở tàu, giảm cân chừng vài ký là thường”.
Già nua, ì ạch và vất vả nhất quân chủng hải quân đang tiến thẳng lên hiện đại hóa, nhưng “cụ tàu” 903 vẫn đang tiếp tục cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Năm 2016, tàu 903 đã khiến các tàu khác phục sát đất khi vừa hành quân trong luồng, vừa cấp 200 m3 nhiên liệu cho tàu KN-290 hiện đại nhất và hút nhiên liệu của tàu 636 ở cảng 171 Vũng Tàu.
Ở Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân bây giờ, các đoàn khách quý thường được đưa xuống thăm các tàu tên lửa hiện đại. Còn những con tàu làm nên lịch sử qua bao thăng trầm sóng gió như tàu 903, hãn hữu lắm mới có người biết mà xuống thăm rồi mân mê bánh lái gỗ cổ kính trên buồng lái, gật gù: “Tàu này quý nhất cái… bánh lái!”. Những lúc như thế bộ đội tàu lại thoáng cười, trầm tư…
Tàu không có thiết bị làm mát nên phải xếp nhiều cây cối và đồ nấu ăn phải đưa ra mặt boong vì bếp chật không đủ chỗ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.