Hành trình về nhà của gần 200 người Hrê

14/07/2021 06:18 GMT+7

Rạng sáng 11.7, 47 người Hrê đã về đến quê nhà Ba Tơ - Quảng Ngãi trong sự ngỡ ngàng của người thân vì cứ tưởng họ đi bộ về mà sao nhanh đến vậy. Đến ngày 13.7, 147 người Hrê khác nối gót số người này.

Khi lương thảo cạn kiệt Anh Phạm Văn Đinh, 46 tuổi, người được bầu làm trưởng nhóm, kể: “Tháng 5.2021, chúng tôi được ông Phạm Từ Đại, quê H.Đồng Xuân (Phú Yên) về Ba Tơ tuyển người, có nói là vào Khánh Hoà để chặt keo, bóc vỏ đưa lên xe, với 230.000 đồng/ngày công. Chặt keo, bóc vỏ là việc quen thuộc với chúng tôi, lại được làm liên tục như ông Đại nói nên anh em đồng ý. Xe ô tô đón từ Ba Tơ vào, bỏ đoàn người ở chân núi, chúng tôi phải đi bộ vào tiểu khu 231, sau khi đã mua một ít lương thực, thực phẩm từ số tiền ứng trước 30 triệu cho cả nhóm 47 người. Những căn lán dựng vội giữa rừng keo bạt ngàn làm chỗ trú ngụ cho cả nhóm trong những ngày sắp tới”.

Theo tính toán của nhóm người này, tiền một ngày công lao động như thế so với ở Ba Tơ là không chênh lệch bao nhiêu - 200.000 đồng so với 230.000 đồng. Tuy nhiên họ vẫn chấp nhận vì “được làm thường xuyên” như lời hứa của chủ thuê lao động, vả lại ở quê nhà mùa nắng này không có việc gì làm. Thế nhưng, khi vào đến nơi thì mới biết công việc không như ông chủ thuê lao động đã hứa. Ở vùng Suối Tân năm nay mưa thường xuyên nên làm 1 ngày thì nghỉ 2 ngày. Vô đây từ tháng 5 nhưng cả nhóm chỉ làm được 15 công mỗi người, tính ra khoảng hơn 3 triệu/người.
Lương thực cạn dần mà tiền ứng thì cũng sắp hết, đúng lúc ấy ông Đại gọi điện nói: “Khánh Hòa đang có dịch Covid-19, giãn cách toàn tỉnh nên không có việc gì để làm nữa, ai muốn về cứ về tùy ý. Tiền nợ sẽ gửi trả sau”. Anh Đinh điện cho ông Đại hỏi số tiền còn lại thì ông nói là sẽ chuyển khoản sau. Máy ông Đại “ngoài vùng phủ sóng” suốt những ngày sau đó nên cả nhóm quyết định hạ sơn. Rạng sáng 9.7, đoàn người rời lán trại, 2 giờ sau thì có mặt tại QL1 để đón xe về Ba Tơ.

147 người Hrê tập trung tại điểm tập kết để chuẩn bị về quê

Ảnh: Hiền Lương

Không có xe thì đi bộ

Ông Phạm Văn Đổi, 58 tuổi, người lớn tuổi nhất trong nhóm, hỏi trưởng nhóm Phạm Văn Đinh, sau khi gọi khắp nơi để thuê xe nhưng đều bị từ chối: “Tao đuối rồi, có xe thì tao đi còn không thì tao... chết ở đây!”. Cả nhóm nghe thế tá hỏa, nhưng cố động viên ông: “Thôi ráng chút, biết đâu dọc đường lại có xe khách, mình đón được”. Ông Đổi cùng đoàn người lầm lũi đi trong nắng nóng như thiêu. Cứ đi chừng vài cây số, họ lại ghé vào các ngôi nhà dọc đường để xin nước uống. “Lục tung khắp các ba lô, tôi đếm chỉ còn hơn 30 gói mì tôm. Cả 47 người mà chừng ấy mì thì chỉ ngậm mì như ngậm... sâm rồi uống nước cầm hơi thôi. Còn đâu được mười triệu bạc để thuê xe, giờ quyết định mua... bánh mì. Nhưng hỏi chỗ nào cũng gặp cái lắc đầu của các chủ quán dọc đường kèm theo cái nhìn vừa tò mò vừa ái ngại của họ. Chắc họ không biết chúng tôi từ đâu đến mà trông khác lạ thế này”, anh Đinh phân trần.
Cho đến khi được xe của quân đội “giải cứu”, anh Đinh và đoàn người mới hiểu tại sao trên QL1 lại không thấy bất cứ một chiếc xe khách nào chạy mà toàn xe tải. Thì ra là dịch Covid-19 nên không có xe nào dám chạy trên đường.
Đến nước này thì quyết định đi bộ thôi. Hỏi, có biết đi từ Khánh Hòa về Quảng Ngãi bao xa không? Anh Đinh nói đâu chừng 400 - 500 cây số gì đó! Lại hỏi trong túi hết tiền thì đi sao nổi? Anh bảo cứ đi liều vậy với hy vọng là dọc đường xin ăn thế nào cũng có người giúp mình. Đúng như niềm hy vọng của họ, cuối cùng rồi cũng có người ra tay cứu giúp.
Cho đến bây giờ, anh Đinh và đoàn người cũng không biết là mình qua đêm ở quãng nào trên đất Khánh Hòa khi họ phải xuyên qua địa phận của hai huyện Cam Lâm và Diên Khánh, băng qua rìa của TP.Nha Trang và chớm bước vào TX.Ninh Hòa. Chỉ biết rằng, khi được ăn tô mì tôm nóng hổi do các anh ở Trạm kiểm soát dịch bệnh của xã Ninh Ích đãi thì đoàn đã vượt qua 50 km sau 2 ngày và 1 đêm! Lúc đó là 13 giờ 30 ngày 10.7.

Bản tin Covid-19 ngày 13.7: Cả nước 2.301 ca bệnh, TP.HCM có thể cách ly F0 tại nhà

Gặp những cánh tay cứu giúp

Đang trưa ngồi trong trạm gác của UBND xã Ninh Ích, nhìn thấy một đoàn người lưng đeo ba lô lầm lũi bước, trông mặt họ quá lạ lẫm, giống người Raglay của Khánh Hòa nhưng nhìn kỹ thì không phải, một thành viên của trạm hỏi thì mới biết họ là người Hrê ở Ba Tơ đang đi bộ về Quảng Ngãi! Thông tin về đoàn người chuẩn bị đi bộ 400 km để về quê được cấp báo đến Ban phòng chống dịch tỉnh Khánh Hòa, lập tức quyết định được đưa ra ngay: Cho đoàn ăn uống tử tế, test nhanh xem có ai bị dương tính không rồi gọi... Tỉnh đội điều xe quân sự đưa về.
Đại tá Bùi Đại Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa, là người Quảng Ngãi, chợt giật thột khi nghe có đoàn 47 người Hrê ở Ba Tơ đang trên đường đi bộ về quê. Một quyết định nhanh khi nghe lời đề nghị từ Ban phòng dịch “giải cứu” đoàn người: “Điều ngay hai ô tô của Tỉnh đội để xuyên đêm!”. Đúng 9 giờ tối 10.7, cả đoàn lên xe về quê trong ngỡ ngàng. 5 giờ sáng hôm sau, tất cả đã có mặt tại quê nhà. H.Ba Tơ đã tổ chức đón số người này chu đáo sau khi được tỉnh Khánh Hòa thông báo sự việc.
Nghe thông tin được tỉnh Khánh Hòa giúp sức để về quê, 147 người Hrê khác, cũng ở Suối Tân (H.Cam Lâm, Khánh Hòa), ngay hôm sau tiếp tục xuống núi. Lần này thì họ không phải đi bộ hai ngày một đêm như đồng hương của họ nữa mà tập kết tại ủy ban xã để... xin xe. Đại diện Ban phòng chống dịch Khánh Hòa đã có mặt ngay trong đêm 12.7. Các thủ tục về xét nghiệm được làm ngay, lương thảo và nước uống cũng được tiếp viện cho đoàn người. Lại 5 chiếc xe của Tỉnh đội được trưng dụng để chở số người Hrê này về. Sáng hôm qua, 13.7, đoàn người đã có mặt tại quê nhà. Hai lần được “giải cứu”, những người Hrê này sẽ suốt đời không quên sự cưu mang ấy.

Chính quyền thả nổi người lao động

Khi được hỏi vì sao để dân đi lao động trôi nổi hàng trăm người mà chính quyền không biết, ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND H.Ba Tơ, nói: “Thật khó để quản lý số lao động là người Hrê. Vì số người này được những tay “cò lao động” dắt mối từ cái chợ lao động trên QL24 nối Ba Tơ với Kon Tum. Họ tự thỏa thuận các điều khoản xong cứ thế lên đường. Lúc họ đi cũng không ai hay mà khi họ về cũng không ai biết. Nếu biết chúng tôi đã cho xe đón rồi, vì cách đây 10 hôm, trước khi giãn cách, huyện cũng đã đón 260 người Hrê làm thuê khắp nơi trở về sau khi nghe họ nhờ giúp đỡ”.
Trong khi đó, chính quyền địa phương - nơi có số lao động này đến làm thuê thì cũng không quan tâm. Phóng viên có gọi điện thoại cho ông Nguyễn Ngọc Khuê, Chủ tịch UBND xã Suối Tân, để hỏi về vấn đề này, đồng thời nắm thêm thông tin liệu còn bao nhiêu người Hrê bị mắc kẹt ở đó nữa, thì ông này sẵng giọng: “Các ông lên đây mà hỏi chứ tôi không rảnh!”. Không biết ông ta “bận” chuyện gì mà hàng trăm người lạ mặt xuất hiện trên địa bàn mình quản lý mà vẫn để cho họ tập trung đông đi bộ giữa đại dịch như thế?
Ly hương để đi làm thuê khắp nơi đối với người miền Trung là điều khó tránh. Tuy nhiên, chính quyền cứ thả nổi cả nơi đi lẫn nơi đến như thế, nhỡ có sự cố nào, như chẳng may lở núi sụp hầm, thậm chí họ bị dịch bệnh thì lúc ấy biết cứu dân cách nào đây?
Dịch Covid-19 đã làm lộ sáng một mảng tối trong việc quản lý con người, rất cần được chấn chỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.