Hành trình đổi tên kỳ diệu của ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
25/08/2021 07:00 GMT+7

Chỉ một thời gian ngắn sau khi vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp về với cõi vĩnh hằng, Trường THPT chuyên Quảng Bình được đổi tên thành Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp.

Ít ai biết, đấy là một hành trình kỳ diệu, ẩn chứa nhiều chi tiết thú vị và tự hào để ngôi trường được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ước nguyện nhiều năm

Lần giở lại ký ức, ngày 7.8.2014, khi được nhân viên văn thư của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình gọi điện thông báo là đã có quyết định đổi tên trường, thầy giáo Hoàng Thanh Cảnh (hiệu trưởng nhà trường thời điểm đó, hiện đã nghỉ hưu - PV) run người lên. Nước mắt như muốn trào ra, ông vừa bối rối vừa ngập tràn hạnh phúc.
Kể từ đó, cái tên “trường chuyên Quảng Bình” gắn bó với bao thế hệ giáo viên, học sinh nay đã mang tên Đại tướng kính yêu Võ Nguyên Giáp.

Cổng trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp

Ảnh: T.Q.N

“Với chúng tôi, những cán bộ quản lý, các thế hệ học sinh có mặt từ ngày đầu thành lập trường đến nay,  đây là một niềm tự hào chính đáng, một vinh dự lớn lao, một ước nguyện chân thành mà phải sau nhiều năm mới có được”, thầy giáo Cảnh bày tỏ.
Tiền thân của là Trường PTTH năng khiếu Quảng Bình, thành lập năm 1996. Chỉ hơn một năm sau, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1997), nhà trường đã cử đoàn cán bộ, giáo viên do thầy giáo - hiệu trưởng Nguyễn Hồng Lâm làm trưởng đoàn ra Hà Nội thăm, chúc mừng Đại tướng. Chuyến đi này, đại diện trường ngỏ lời xin được mang tên Đại tướng.
Đại tướng và gia đình tiếp đón rất chân tình, đồng ý với nguyện vọng của trường nhưng Đại tướng rất khiêm nhường, nói vui “để khi nào mình về với ông bà rồi đặt cũng chưa muộn”. Cả đoàn mang theo tình cảm, lòng biết ơn, sự gần gũi chân thành của Đại tướng về quê.
Năm 2002, Đại tướng về thăm quê hương Quảng Bình và đến thăm trường. Đại tướng vui mừng trước thành tích mà thầy và trò đã gặt hái được; nhất là thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Đại tướng ân cần trò chuyện, dặn dò cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần đến thăm Trường THPT chuyên Quảng Bình

Ảnh tư liệu

Đại tướng ghi vào sổ truyền thống: “Chúc Trường phổ thông trung học chuyên Quảng Bình ra sức phấn đấu, các cô giáo, thầy giáo dạy giỏi, các em học sinh gái, trai học giỏi trở thành một trường chuyên gương mẫu đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà và cho đất nước".

Đi tìm nhân chứng sống

Đến khi Đại tướng ra đi mãi mãi, hưởng thọ 103 tuổi (tháng 10.2013), niềm mong muốn trường mang tên Đại tướng lại được các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh nhắc đến.
Sau lễ tang, Ban giám hiệu nhà trường đã họp và quyết định sẽ tiến hành các thủ tục để được đổi tên trường theo nguyện vọng. Nhưng phải đợi sau 49 ngày mới bắt đầu thực hiện.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay người dân Quảng Bình trong một lần về thăm quê

Ảnh: Trọng Thái

Theo kế hoạch của trường, đến lễ thất tuần của Đại tướng (49 ngày), nhà trường cử đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và học sinh tiêu biểu ra dâng hương kính viếng Đại tướng tại khu mộ ở Vũng Chùa - Đảo Yến (H.Quảng Trạch). Sau đó, mang tờ trình xin đổi tên trường ra Hà Nội xin ý kiến gia đình Đại tướng.
Một việc mang tính chất tiền đề đó là đoàn lần tìm đại tá Trịnh Nguyên Huân, thư ký của Đại tướng năm xưa và là người tham gia làm việc, ghi chép rất đầy đủ việc trường ra gặp Đại tướng và xin mang tên Võ Nguyên Giáp vào năm 1997. Oái ăm là đoàn chỉ biết nhà đại tá Huân ở phố Hàng Gai.
Phải một hồi lần tìm và được sự trợ giúp của chính quyền địa phương, đoàn mới tìm ra nhà đại tá nằm sâu trong con hẻm của một khu tập thể. Khi nghe nguyện vọng của trường và nhắc lại sự việc năm 1997, đại tá Trịnh Nguyên Huân nhớ rất rõ.
Nhưng lúc đó gia đình Đại tướng đang ở Quảng Bình. Trước nguyện vọng quá tha thiết của đoàn, đại tá Huân đã gọi điện nói chuyện với người nhà Đại tướng và được gia đình Đại tướng đồng ý nguyện vọng của trường; đồng thời ủy quyền cho đại tá Huân ghi ý kiến vào tờ trình cho trường.

Bút tích của đại tá Trịnh Nguyên Huân

Ảnh tư liệu nhà trường

Sáng hôm sau, đại tá Huân dẫn đoàn qua thăm nhà Đại tướng. Mọi người thành kính thắp nén tâm hương lên ban thờ của Đại tướng.

Ra sức rèn luyện, xứng danh ngôi trường mang tên Đại tướng

Về lại Quảng Bình, đoàn công tác của nhà trường liền gửi tờ trình (đã có xác nhận của gia đình Đại tướng) cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình và Sở GD-ĐT.
Lúc đó, Trường THPT Lệ Thủy (quê hương của Đại tướng) cũng gửi tờ trình xin đổi tên thành trường THPT Võ Nguyên Giáp.
Xác định đây là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm, Tỉnh ủy Quảng Bình đã giao các ban ngành tổ chức làm việc để có cơ sở tham mưu, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Đa số ý kiến tại các cuộc làm việc thống nhất đề nghị trước mắt nên để Trường THPT chuyên Quảng Bình được mang tên Đại tướng vì trường hội đủ các tiêu chí.

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi về thăm Trường THPT chuyên Quảng Bình

Ảnh tư liệu nhà trường

Sau một thời gian dài xem xét, cân nhắc, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã thống nhất chủ trương để Trường THPT chuyên Quảng Bình được đổi tên.
Trước thềm khai giảng năm học 2014-2015, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định về việc đổi tên Trường THPT chuyên Quảng Bình thành Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp.
Nhận được quyết định, nhà trường liền lập đoàn công tác ra Hà Nội dâng hương báo cáo với Đại tướng và gia đình. Đoàn khởi hành vào thứ bảy ngày 23.8.2014, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Đại tướng (25.8). Sáng hôm sau, đoàn có mặt tại cổng nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
“Buổi gặp mặt thật sự xúc động, sau khi dâng hương báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quyết định, anh Võ Điện Biên (con trai Đại tướng) mời cả đoàn vào thăm văn phòng làm việc của Đại tướng, thăm vườn cây, ao cá, nơi luận bàn việc công của Đại tướng lúc sinh thời và cùng chụp ảnh lưu niệm”, thầy giáo Cảnh kể lại.

Ông Võ Điện Biên (con trai Đại tướng, bên trái) tặng quà cho đại diện lãnh đạo nhà trường

Ảnh tư liệu nhà trường

Thầy giáo Cảnh tâm sự tiếp: “Cũng từ đó, hình ảnh, tình cảm và những lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn hiện hữu, nhắc nhớ chúng tôi trong mỗi việc làm, suy nghĩ, hành động. Nhà trường liên tục gặt hái nhiều thành tích xuất sắc vượt cả ngoài mong đợi. Ngay trong năm học 2014 - 2015, nhà trường đã vinh dự được nhận cờ đơn vị thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ; cuối năm 2015 được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 và được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương Lao động hạng nhì. Nhiều năm liền, trường đều có học sinh giỏi đạt thành tích cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế”.

Nỗi trăn trở "làm gì để người dân Quảng Bình được hạnh phúc"

Trò chuyện với PV Thanh Niên về những kỷ niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: “Hằng năm, nhân ngày sinh nhật và ngày tết âm lịch, Quảng Bình đều tổ chức đoàn ra thăm, chúc thọ Đại tướng. Lúc nào, Đại tướng cũng hỏi tình hình bà con và nói "Cho tôi gửi lời thăm đồng bào, chiến sĩ và cán bộ trong tỉnh". Lần cuối cùng đoàn tỉnh Quảng Bình được ra thăm và gặp Đại tướng là lúc Đại tướng tròn 100 tuổi. Khi đó Đại tướng rất yếu, phải nằm điều trị tại bệnh viện, chỉ ít người được vào thăm. Khi chào ra về, Đại tướng vẫn bắt tay từng người và dặn dò phải đoàn kết, phấn đấu.
Ấn tượng nhất là 2004, Đại tướng về thăm Quảng Bình, khi phát biểu trước lãnh đạo và cán bộ cốt cán của tỉnh, bác đã nói gần 1 tiếng đồng hồ. Ban bảo vệ sức khỏe lên giục bác về nghỉ thì bác gạt tay, nói "để bác nói".
Bác nói rằng: "Quảng Bình là một tỉnh nghèo, trước đây trong thời kỳ chống Mỹ thì Bác Hồ phong cho Quảng Bình là 2 giỏi, chiến đấu giỏi và sản xuất giỏi, thì bây giờ phải phát huy. Bác Hồ đã dặn là Quảng Bình phấn đấu trở thành một tỉnh gương mẫu. Khi bác phân tích tình hình của tỉnh, bác có nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Nghèo là nhục”. Bác dặn: "Cho nên mỗi cán bộ đảng viên, trước lúc ngủ thì đặt tay lên trán suy nghĩ làm gì cho Quảng Bình giàu lên, làm gì để người dân Quảng Bình được hạnh phúc như các tỉnh. Sau đó bác nói: "Không, đêm nào cũng suy nghĩ thì không được, thôi một tuần suy nghĩ 2 lần trước lúc ngủ".
Thứ hai, Đại tướng nói: "Quảng Bình có QL12 qua Lào và Thái Lan, đó là "kênh đào Suez", con đường ngắn nhất nối sang Lào, Thái. Đó là thế mạnh của Quảng Bình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.