Hành trình 12 năm của Metro ở TP.HCM

30/04/2018 08:33 GMT+7

Năm 2006, dự án tuyến metro số 1 chính thức được khởi động, do Cục Đường sắt VN - Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía nam (Tedi South) là đơn vị được giao lập dự án.

Trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ GTVT, tháng 4.2007, UBND TP.HCM phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư tương đương 17.388 tỉ đồng. Ngày 21.2.2008, dự án chính thức khởi công tại P.Phước Long,Q.9 với tổng chiều dài toàn tuyến là 19,7 km, bao gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao.
Tuy nhiên, đến năm 2009, tổng mức đầu tư dự án được đơn vị tư vấn NJPT của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại lên mức tương đương 47.325 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP. Việc điều chỉnh vốn tăng cao khiến tiến độ tuyến metro số 1 gặp nhiều khó khăn.

Phải đến ngày 28.8.2012 dự án mới được khởi công xây dựng. Tiến độ chung vì thế cũng lùi lại 2 năm so với kế hoạch ban đầu hoàn thành năm 2018.
Sau khi duyệt vốn đầu tư lên hơn 47.000 tỉ đồng, trên cơ sở đồng thuận của các bộ, ngành liên quan, TP.HCM đã ký kết 2 hiệp định vay ODA với số tiền 31.000 tỉ đồng của Tổ chức JICA (Nhật Bản) và giải ngân được khoảng 40%, tương đương 43% tổng khối lượng thực hiện của toàn dự án. Tuy nhiên, về tiến độ giải ngân vốn năm 2017, đến ngày 28.4.2017, Văn phòng Chính phủ mới có quyết định chấp thuận đề xuất của Bộ
KH-ĐT về phân bổ vốn. Sau đó, Bộ KH-ĐT mới chính thức phân bổ vốn cho TP.HCM. Thực tế này dẫn đến độ trễ lớn so với nhu cầu vì đã bước sang quý 2 mới có vốn. “Nhu cầu vốn theo tiến độ thi công của tuyến metro số 1 năm 2017 cần 5.400 tỉ đồng để thanh toán cho các nhà thầu. Tuy nhiên, TP chỉ được phân bổ 2.100 tỉ đồng. Số tiền này chỉ đủ trả nợ nhà thầu bằng tiền tạm ứng trước đó của TP”, đại diện ban quản lý cho biết.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, bày tỏ vui mừng khi sau 12 năm lận đận, từng hạng mục, từng gói thầu của dự án đang dần hoàn thiện. Theo ông Hòa, không chỉ ông mà tất cả người dân đang sinh sống, di chuyển hằng ngày tại TP.HCM đều mong đến ngày các tuyến metro đi vào hoạt động vì đối với giao thông công cộng, hệ thống metro vận chuyển được khối lượng khách lớn nhất. Chính vì thế, dù nhiều khó khăn khiến dự án bị chậm nhưng mỗi bước tiến bộ, phát triển đều mang đến niềm vui rất lớn cho toàn TP.
“Mỗi nhà ga là biểu tượng của một tuyến tàu điện, hoàn thành việc lắp mái nhà ga là báo hiệu sớm có tuyến metro hoàn chỉnh”, ông Hòa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.