Hàng quán vùng ven TP.HCM rục rịch hoạt động lại: Mừng rơi nước mắt

15/09/2021 12:17 GMT+7

Gần đây, nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống đủ điều kiện tại TP.HCM đã hoạt động trở lại.

Từ ngày 8.9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về.
Khác hẳn những ngày trước đó, nhiều tuyến đường như: Tân Kỳ Tân Quý, Tên Lửa, Tỉnh lộ 10, Mã Lò, Hương Lộ 2 (Q.Bình Tân), Võ Văn Vân (H.Bình Chánh), đường Hậu Giang, Hồng Bàng (Q.6), Lũy Bán Bích, Hòa Bình, Vườn Lài, Nguyễn Sơn (Q.Tân Phú), các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn, uống ở đây hầu hết “cửa đóng then cài”.

Xếp hàng chờ mua bánh Trung thu ở tiệm bánh lâu đời nhất nhì Sài Gòn ngày dịch Covid-19

Tuy nhiên ngay trong ngày 14.9, chúng tôi ghi nhận các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống ở một số tuyến đường nói trên bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại, nhất là tại khu vực địa bàn vùng ven Q.Bình Tân, H.Bình Chánh.
Chỉ trong hơn 1 tiếng đồng hồ, một nhân viên nữ cửa hàng H.G. bán vịt quay, heo quay, trên đường Tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân) đã bán được hơn chục đơn hàng cho khách. Do số lượng hàng đặt nhiều, chị này phải làm việc luôn tay. “Được đi làm trở lại tôi vui lắm, có thu nhập, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn”, nữ nhân viên nói.
Người quản lý cửa hàng H.G. cho biết, trước khi quán hoạt động trở lại lực lượng chức năng cũng đã xuống kiểm tra và anh cũng đã cung cấp đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh. Nhân viên của quán cũng đã tiêm ngừa đầy đủ vắc xin và thực hiện “3 tại chỗ” nên đủ điều kiện được phép hoạt động.
Cũng theo người này, dù tạm nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng do có uy tín lâu năm nên khi quán mở trở lại, việc tìm kiếm khách hàng cũng không quá khó khăn. Thậm chí hiện việc bán hàng chỉ giao qua shipper mang đi là một thuận lợi và là điều kiện để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh lúc này.
Anh Đỗ Thông, chủ quán bún bò Hương Giang 3 trên Tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân) chia sẻ “mừng rơi nước mắt” khi hay tin từ ngày 8.9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên phải mất vài ngày chuẩn bị anh mới mở lại được quán.
Trong ba tháng qua, ảnh hưởng dịch Covid-19, quán anh Thông phải đóng cửa nghỉ bán, tiền điện, tiền thuê mặt bằng, tiền nuôi nhân viên, ăn uống của gia đình, tất cả gần chục người khiến anh khốn đốn. “Buôn bán còn có đồng ra đồng vào, đóng cửa nghỉ miết không trụ nổi đâu, bán lại được mình mừng lắm”, anh Thông cười.
Dù phấn khởi nhưng anh Thông cũng lo lắng vì việc mở cửa buôn bán lại lúc này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả mặt hàng đều tăng giá nên chi phí cũng phải đội giá lên theo. Tuy nhiên, anh Thông cho hay sẽ vẫn bán theo giá cũ như trước lúc dịch để thu hút khách hàng nhằm tăng lượng người mua, đó cũng là cách để quán anh vượt qua khó khăn lúc này.

Quán bún Sài Gòn hiếm hoi mở bán online: Vài tiếng đã hết sạch hàng

Mong mở lại quán… khi có đủ điều kiện

Thuê mặt bằng mở quán nước khá rộng tại đường số 3 khu dân cư Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân) được 1 tháng thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh Nguyễn Văn Hiền (37 tuổi, quê Quảng Ngãi) phải đóng cửa quán, tạm nghỉ, nhân viên cũng phải nghỉ việc. Hiện quán chỉ còn lại hai vợ chồng anh Hiền. Khi biết thông tin hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động trở lại anh đã mở lại quán nhưng phải tự thu hẹp quy mô và bán mang đi nên cũng thưa thớt khách.
“Tôi thuê mặt bằng 35 triệu đồng/tháng, dịch người ta hỗ trợ giảm một nửa tiền mặt bằng. Mỗi ngày chỉ bán được hơn chục đơn hàng, 6 giờ phải đóng cửa nên số tiền kiếm được không thấm vào đâu”, anh Hiền chia sẻ và cho biết mong rằng trong thời gian tới quán sẽ kinh doanh khởi sắc hơn.

Quán nước anh Hiền thu nhỏ hoạt động và chỉ bán mang đi

TRẦN KHA

Trong khi đó, anh Nguyễn Chí Tâm, 34 tuổi, quê Bạc Liêu - chủ quán cơm gà N.Y. gần chợ Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh giáp với Q.Bình Tân) cũng vui mừng vì quán được mở bán trở lại. Tuy nhiên theo anh Tâm quán mới mở trong sáng ngày 14.9 nên số lượng khách còn rất ít; từ sáng đến trưa 14.9 mới bán được hơn 20 phần cơm.
Chị Võ Thị Ánh Hồng (29 tuổi, vợ anh Tâm) thì cho hay do chỉ bán hàng qua shipper nên việc buôn bán bị động, phụ thuộc vào lực lượng này. 
Theo chị Hồng tùy vào địa bàn mà việc bán hàng mang đi sẽ thuận lợi khác nhau. Càng xa trung tâm, các địa bàn vùng ven việc bán hàng sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó khu vực chị đang ở tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều tuyến đường, con hẻm còn rào chắn, việc nhận hàng hóa cũng sẽ hạn chế, ngay cả việc tìm các shipper để giao hàng cũng gặp khó khăn. “Hộp cơm 35.000 đồng, tiền phí ship có khi còn cao hơn tiền phần cơm nhưng rất khó đặt shipper, chưa kể chờ lâu khách sẽ hủy đơn. Nếu bán trực tiếp thì lượng khách nhiều hơn ”, chị Hồng bộc bạch.
Dù còn nhiều lo lắng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều hộ kinh doanh khác gần cung đường quán anh Hiền, chị Hồng cho biết rất muốn mở lại quán để kinh doanh khi có đủ điều kiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.