Hàng loạt ô tô bị trét sơn, dán giấy 'cảnh báo': Tại anh hay tại ả?

13/09/2020 05:52 GMT+7

Vụ hàng loạt ô tô bị trét sơn, dán giấy “cảnh báo” đã dấy lên luồng tranh luận khá gay gắt về cách ứng xử và vấn đề pháp lý.

Thanh Niên ghi nhận sự việc được cư dân mạng quan tâm trong những ngày qua. Theo đó, hàng chục chiếc xe đậu dưới lòng đường, cản trở lưu thông, sau một đêm đã bị trét sơn, dán giấy nhắc nhở về ý thức “lòng đường không phải là nơi để đỗ xe...”. Vụ việc được cho xảy ra ở một khu chung cư đang gây ra tranh cãi kịch liệt trong cộng đồng mạng. Nhiều người hả hê vì hành vi thiếu ý thức nhận cái kết đắng. Tuy nhiên, số khác cho rằng người thực hiện hành vi này đã quá đà, có dấu hiệu hủy hoại tài sản người khác.

Lấy quyền gì hủy hoại tài sản người khác ?

Sự việc nêu trên rất được bạn đọc (BĐ) Thanh Niên quan tâm vì đây là hiện tượng khá phổ biến ở những đô thị lớn, như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Theo lập luận của một số BĐ, lòng đường là của chung. BĐ An Trần cho rằng: “Lòng đường là của công. Nếu không có biển cấm đậu thì không thể có chuyện hành xử kiểu này (trét sơn, dán giấy “cảnh báo” lên ô tô - PV). Chủ xe chỉ chịu trách nhiệm khi vi phạm pháp luật và việc xử phạt là do cơ quan chức năng xử lý. Những người này vì sao phá hoại tài sản của người khác?”. Từ đó, một số BĐ nêu ý kiến đây chính là hành vi phá hoại tài sản của người khác và cần có sự can thiệp của cơ quan pháp luật. Không phải ai cũng tự cho mình cái quyền như vậy được.
“Ai nói lòng đường không phải chỗ đỗ xe? Chỉ khi có bảng cấm thì mới không được đỗ xe và chỉ cơ quan có thẩm quyền mới có quyền xử phạt hành chính. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và phá hoại tài sản của người khác!”, BĐ Nguyễn Bảo viết.
“Nếu ở đó không có bảng cấm đậu thì chủ xe được phép đậu xe. Nhiều người có nhà mặt tiền cứ nghĩ đương nhiên lòng đường là của nhà mình”, BĐ Nguyễn Bảo Thiện nêu quan điểm.
một góc nhìn khác, BĐ Nguyễn Thế Khải lập luận: “Nếu chủ xe biết tôn trọng luật pháp và tôn trọng quyền lưu thông cũng như bảo vệ sự an toàn lưu thông cho mọi người sống dọc theo con đường thì không nên đậu xe trên đường. Việc trét sơn, trét giấy cảnh báo là cần thiết, là bài học đối với những chủ xe trong cách hành xử ở những nơi thuộc về công cộng”.

Đặt mình vào vị trí người khác

Từ hai quan điểm như nêu trên, đứng ở góc độ pháp lý, BĐ Minh Lương phân tích: “Người đậu xe chiếm giữ lòng lề đường thì sai rồi, nhưng những người tự xưng là “cô”, “chú” lại đi bôi sơn phá hoại xe người khác như thế còn sai hơn!”. Từ đó, BĐ Minh Lương cho rằng: “Nếu biết đặt mình vào vị trí người khác khi hành xử, kể cả người có xe và người đã vấy bẩn lên những chiếc xe kia, thì cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ bớt đi những muộn phiền”.
BĐ Võ Văn Sơn cũng mong muốn: “Nếu như trên cung đường đó có bảng cấm thì những chủ xe nên rút kinh nghiệm. Mong xử sự sao cho phải đạo lý”.
Bày tỏ thái độ của mình bằng cách trét sơn vào ô tô người khác được nhiều BĐ đánh giá là biện pháp có thể làm cho một số người “hả hê”, nhưng cũng là dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đặc biệt, cách ứng xử tiêu cực này có thể là căn nguyên của những vụ tranh chấp, thậm chí là án mạng... Vụ việc cũng được BĐ đặt ra vấn đề về công tác quản lý. “Xảy ra thế này là do quản lý địa phương quá yếu kém, để dân quá bức xúc dẫn đến những hành động tiêu cực”, BĐ Nguyễn Phong viết.
Tôi để ý thấy một vài công viên và trường học ở TP.HCM lấy sắt rào luôn phần vỉa hè trước khuôn viên của mình. Làm vậy có vi phạm pháp luật hay không?
Trần Khánh Nam
Hành động cực đoan như trét sơn, dán giấy cảnh cáo... vào xe đỗ sai là tín hiệu cảnh báo cho thấy lực lượng chức năng ở những nơi này không làm đúng trách nhiệm của mình khiến nhân dân không thấy yên tâm và có hành vi quá khích. Nếu không kịp thời giải quyết thỏa đáng và đúng đắn e rằng sẽ có những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Nguyễn Tuấn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.