Hai vụ tai nạn lao động liên tiếp tại Đà Nẵng: Chủ quan, gây họa

14/01/2017 10:39 GMT+7

Liên quan đến hai vụ tai nạn lao động khiến 13 công nhân thương vong trong hai công trình ở Đà Nẵng, ông Trần Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng khẳng định đều do lỗi chủ quan.

Sáng 13.1, Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng cho hay 5 trong 6 công nhân vụ tai nạn lao động tại Tổ hợp căn hộ, thương mại dịch vụ và khách sạn Alphanam Luxury, lô A1-A6 Khu biệt thự Sao đỏ, đường Võ Nguyên Giáp, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng đã xuất viện.
Nhóm công nhân này gồm Bùi Văn Công (35 tuổi), Hoàng Văn Dương (19 tuổi), Nông Văn Đồng (18 tuổi), Nguyễn Văn Thanh (28 tuổi), Triệu Văn Khê (29 tuổi). Riêng công nhân Hà Văn Thông (20 tuổi) bị thương nặng hơn, gãy chân, hiện vẫn đang được tiếp tục điều trị.
Trước đó, lúc 21 giờ 15 phút khuya 11.11, nhóm công nhân tỉnh Hòa Bình đang thực hiện đổ dầm bê tông tiền sảnh dự án Alphanam Luxury ( đường Võ Nguyên Giáp, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) thì bất ngờ cả giàn giáo và phần bê tông đang đổ rơi sầm xuống đất.
Thời điểm xảy ra tai nạn, dù công nhân đã về hết nhưng vẫn còn một số người ở lại. Sau tai nạn, chủ đầu tư là Công ty CP địa ốc Alphanam đã nhanh chóng đưa người đi cấp cứu và giải quyết các chế độ cho nạn nhân đồng thời hỗ trợ kinh phí điều trị. Được biết, dự án tổ hợp Alphanam Đà Nẵng khởi công từ tháng 7.2015, dự kiến bàn giao từ quý 1/2017 trên khu đất gần 5.500 m2, ngoài 2 tầng hầm, cao 33 tầng nổi, trong đó 5 tầng thương mại dịch vụ, 28 tầng căn hộ, tiện ích, bể bơi, nhà hàng, gym, bar... Đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng một tuần tại TP.Đà Nẵng.
Trước đó, lúc 13 giờ 20 phút ngày 4.1, tại công trình đang phá dỡ phục vụ thi công hầm chui nút giao thông phía tây cầu sông Hàn, nhóm công nhân ngụ H.Thăng Bình, Quảng Nam đang đập bê tông lấy sắt thì bờ tường đổ sập. Hậu quả, 2 công nhân chết tại chỗ, 5 công nhân khác bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng. Đơn vị nhận phá dỡ công trình là Công ty CP Chiến Dũng, trụ sở Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng.
Sau tai nạn, UBND TP.Đà Nẵng, chủ đầu tư đã hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong 10 triệu đồng, mỗi người bị thương 4 triệu đồng, Công ty CP Chiến Dũng hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân tử vong 50 triệu đồng, tuy nhiên, nỗi đau mất người thân không gì bù đắp được.
Tại xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam, tết sắp về nhưng căn nhà nạn nhân Trần Thanh Xuân nghi ngút khói hương. Theo UBND xã Bình Minh, ông Xuân là công nhân có hoàn cảnh tội nghiệp nhất trong 2 người tử vong. Quê ngoài Bắc, ông Xuân lấy vợ ở xã Bình Minh và có 2 con, gia đình khó khăn, vợ thất nghiệp nên ở nhà nội trợ nuôi con nhỏ, còn ông Xuân thường xuyên đi làm công trình xa.
Chủ quan không đáng có
Các công nhân Công ty CP Chiến Dũng thi công phá dỡ, họ nhận giải tỏa công trình khoảng gần một tháng qua và ăn nghỉ tại công trình. Khối lượng công việc đã được khoảng 90%, bờ tường bị đổ sập là bờ tường cuối cùng của tòa nhà, trước đó, công nhân đã đưa xe cẩu đến đục phá nhưng bức tường không đổ. Chiều 4.1, khi mọi người làm việc bên dưới thì xảy ra tai họa.
Còn theo ông Phan Anh Sơn, đại diện đơn vị tư vấn giám sát công trình Alphanam, vị trí bị sập thuộc phần mái che sảnh khách sạn ở độ cao gần 9m, dầm bê tông đang đổ có chiều dài 15m x 20cm, khoảng 3m3. Lúc này, các công nhân đã đổ xong bê tông, vừa xoa mặt hoàn thiện, rất may các công nhân bên dưới đã ra ngoài, còn 6 công nhân đang leo xuống thì giàn giáo bị tụt phần biên sàn nên cả nhóm bị đè, rất may giàn nghiêng và đổ từ từ nên các công nhân còn sống sót.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng khẳng định cả 2 vụ việc xảy ra sự cố đều do những lỗi chủ quan, không đáng có đối với quy mô công trình như vậy. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, sự cố sập một phần mái sảnh ở độ cao 8,8 m công trình tổ hợp căn hộ, thương mại dịch vụ và khách sạn Alphanam Luxury (lô A1-A6 Khu biệt thự Sao đỏ, đường Võ Nguyên Giáp) là do tụt giáo một phần biên mái sảnh tại vị trí ram dốc xuống tầng hầm. Lúc này, các công nhân đang hoàn thiện bề mặt bê tông vừa mới đổ và dọn dẹp vệ sinh.
Theo ông Dũng, bê tông mái sảnh không lớn, nhưng sự cố vị trí sập ram dốc tầng hầm là do không chú ý khi giằng chống cũng sơ suất kiểm tra trước khi thi công, bởi lẽ mặc dù lực đứng đảm bảo nhưng vị trí dốc rất dễ bị trượt. Đối với vụ phá dỡ còn lại, ông Dũng cho rằng tòa nhà 4 tầng không lớn, nhưng công nhân thi công và quản lý công trình chủ quan. “Thời gian cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn quản lý rất nghiêm minh, năm qua kiểm tra 70-80 công trình quy mô lớn, hầu hết đều chấp hành an toàn lao động rất tốt. Tuy nhiên hai vụ tai nạn vừa qua khá gần nhau, đều là những vị trí thi công không lớn nhưng đúng ra sự cố không đáng có là do lỗi chủ quan”.
Ngay sau vụ sự cố ở Alphanam Luxury, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yên cầu tổng kiểm tra toàn bộ các công trình lớn đang xây dựng trên địa bàn. Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho hay, trong ngày 13.11, Sở Xây dựng đã mời một số chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát công trình lớn trên địa bàn họp chấn chỉnh nội quy an toan lao động.
Trong khi Sở LĐ-TB-XH đang tập trung đợt kiểm tra chuyên đề về an toàn lao động, Sở Xây dựng tiếp tục thanh kiểm tra các công trình quy mô lớn để đảm bảo an toàn lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.