Hải tặc Somalia thả 3 thuyền viên VN

24/10/2016 06:33 GMT+7

Các thuyền viên VN có sức khỏe ổn định và dự kiến sẽ bay về VN trong ngày 25.10, sau khi bị bắt cóc hơn 4 năm.

Nguồn tin từ Đại sứ quán VN tại Tanzania (kiêm nhiệm Somalia và Kenya) hôm qua (23.10) cho biết 3 con tin người VN trên một con tàu mang cờ Oman bị cướp biển Somalia bắt cóc hồi năm 2012 đã được trả tự do và đang tiến hành các thủ tục để về nước.
“Hôm nay, sứ quán cử người sang Kenya để tiếp nhận 3 con tin này”, nguồn tin này nói và cho biết người của đại sứ quán trực tiếp đến thủ đô Nairobi để tiếp nhận, mua vé máy bay cho 3 thuyền viên này về nước.
Một nguồn tin khác cho biết ngoài 3 thuyền viên VN còn có các thuyền viên của các quốc gia khác, trong đó có các nước như Campuchia, Philippines... đều đã được đưa về Kenya. “
Bên tổ chức Chương trình hỗ trợ con tin (thuộc Chương trình phát triển LHQ - UNDP) đã bố trí khách sạn và nơi ăn ở. Ngày 24.10, tất cả thuyền viên sẽ được đưa đi kiểm tra y tế. Tuy nhiên, theo đại diện Chương trình hỗ trợ con tin thì mọi thuyền viên đều trong tình trạng chấp nhận được, nghĩa là về cơ bản là ổn”, nguồn tin thứ hai nói với Thanh Niên.
Cũng theo nguồn tin này, dự kiến đến sáng 25.10 (giờ Kenya) diễn ra lễ trao trả và sau đó các thuyền viên VN sẽ được sắp xếp chuyến bay để về nước. Theo các thông tin trước đây, danh tính 3 thuyền viên VN trên tàu cá này là Nguyễn Văn Hạ và Nguyễn Văn Xuân (cùng 35 tuổi, ở Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (27 tuổi, ở Nghệ An). Trong khi đó, Đại sứ quán VN tại Tanzania cho biết sẽ thông tin chính thức với báo chí sau khi tiến hành xong thủ tục tiếp nhận 3 thuyền viên.
Trước đó, Hãng Reuters đưa tin cướp biển Somalia đã thả 26 thủy thủ, toàn bộ là người châu Á, sau khi giam giữ họ hơn 4 năm kể từ vụ cướp tàu FV Naham 3 tại một vùng biển khét tiếng về nạn cướp biển gần quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương) hồi tháng 3.2012. Các thuyền viên này đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và VN. Ông John Steed, điều phối viên của tổ chức Hostage Support Partners (Các đối tác hỗ trợ con tin), đã tham gia thương lượng vụ thả con tin, cho biết nhóm thuyền viên đã ở một đêm tại TP.Galkayo (Somalia) trước khi được đưa đến thủ đô Nairobi của Kenya. Trong khi ông Hirsi Yusuf Barre, Thị trưởng Galkayo, nói các thuyền viên không tiết lộ liệu các bên có trả tiền chuộc cho cướp biển hay không.
Theo ông Steed, có một thủy thủ thiệt mạng trong vụ cướp biển và 2 người khác chết do bệnh tật. Trong số những người được thả có một người đang điều trị vết thương do bị bắn vào chân và 3 người khác bị bệnh đái tháo đường. Các thuyền viên bị giữ ở Dabagala gần thị trấn Harardheere, cách thủ đô Mogadishu của Somalia khoảng 400 km. Harardheere từng là căn cứ chính của cướp biển Somalia trước đây. Theo tổ chức Oceans Beyond Piracy, cướp biển đã đưa các thuyền viên lên bờ sau khi con tàu bị chìm khoảng hơn 1 năm sau vụ cướp tàu.
Theo Reuters, hoạt động cướp biển ngoài khơi Somalia đã lắng xuống trong 3 năm qua, chủ yếu do sự hiện diện của tàu chiến quốc tế và các hãng tàu theo dõi thông tin an toàn hàng hải. Các vụ tấn công đã gây thiệt hại hàng tỉ USD cho ngành công nghiệp vận tải biển và làm tê liệt các tuyến đường biển. Hàng trăm thủy thủ đã bị bắt cóc và nhiều tàu bị cướp khi đi qua vùng biển trong phạm vi khoảng 1.600 km ngoài khơi Somalia.
“Hai ngày nữa con tôi về”
Ảnh: Tình Văn
Tối 23.10, bà Nguyễn Thị Thủy (ảnh, trái, 60 tuổi, ngụ tại thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), mẹ anh Nguyễn Văn Hạ cho PV Thanh Niên biết đã nhận được điện thoại của vợ anh Hạ là chị Bùi Thị Lệ, đang làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, báo tin anh được cướp biển Somalia thả. “Con dâu tôi nói Hạ gọi điện về vào chiều 21.10. Thằng Hạ gọi về nói đã được cướp biển thả ra, đang ở khách sạn, khoảng 2 ngày nữa sẽ đi máy bay về tới nhà. Mấy ngày ni tui nóng hết ruột gan vừa mừng vừa lo. Đã 2 ngày nó gọi điện về nhưng đến nay vẫn chưa về nhà”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, đầu năm 2011, anh Hạ đóng tiền cho Công ty xuất khẩu lao động Vinamotor để đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Tại Đài Loan, anh Hạ làm việc trên tàu đánh cá FV Naham 3. Tuy nhiên, đi biển mới được 11 tháng thì tàu bị cướp biển Somalia bắt và đòi tiền chuộc.
“Tháng 3.2012, thằng Hạ gọi điện về cho tui nói toàn bộ 26 thủy thủ trên tàu bị cướp biển Somalia bắt giữ. Trên tàu ngoài nó ra có 2 người VN. Nó nói tôi thông báo cho phía Công ty xuất khẩu lao động Vinamotor để họ liên lạc sang Đài Loan, nói họ đưa tiền cho cướp biển để chuộc người”, bà Thủy cho biết.
Sau đó, gia đình bà Thủy nhiều lần ra Hà Nội gặp Công ty xuất khẩu lao động Vinamotor để tìm cách giải thoát cho con trai, nhưng không kết quả. “Từ lần đầu tiên, chúng tôi và một gia đình ở Nghệ An, một gia đình ở P.Kỳ Trinh (Hà Tĩnh) cũng có con trai bị bắt cóc cùng thằng Hạ nhà tôi, ra Công ty xuất khẩu lao động Vinamotor để cầu cứu nhưng họ đều trả lời là gia đình về nhà chờ đợi. Đến nay đã 4 năm, tôi cũng không nhớ là bao nhiều lần chúng tôi ra công ty này hỏi tin con trai. Những lần sau chúng tôi chỉ được đại diện công tin trả lời: đang chờ đàm phán”, bà Thủy bức xúc.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Quỳnh (33 tuổi, ngụ tổ dân phố Hòa Lộc, P.Kỳ Trinh, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), vợ anh Nguyễn Văn Xuân (35 tuổi), cũng cho biết ngày 22.10 đã nhận được tin của người thân, thông báo anh Xuân gọi điện về lúc 16 giờ ngày 22.10 nói đã được cướp biển thả. “Người thân nói chồng tôi gọi về bảo khoảng 10 ngày nữa sẽ lên máy bay về tới nhà. Nhận được tin chồng được thả tôi vui lắm. Nhưng mới chỉ nghe rứa thôi chứ chưa được cơ quan chức năng nào thông báo cho gia đình để xác nhận anh Xuân được thả ra. Hơn 4 năm nay, tôi và 3 đứa con thơ mòn mỏi ngóng anh về”, chị Quỳnh nói.
Phạm Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.