Hái lá xào giấm rồi giã đắp đầu gối trị đau khớp, bệnh nhân phải nhập viện

Duy Tính
Duy Tính
13/05/2021 09:00 GMT+7

Nhiều người ngoài sử dụng phương pháp dân gian là đắp lá trị đau khớp thì còn lạm dụng chế phẩm như nhóm thuốc corticoid, gây những biến chứng nguy hiểm.

Ngày 13.5, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân (58 tuổi, ngụ Lâm Đồng), nhập viện trong tình trạng 2 khớp gối sưng nề, tấy đỏ, bỏng rộp da… sau bó thuốc trị bệnh đau khớp.
Nữ bệnh nhân cho biết, vài năm qua bà bị bệnh khớp, đau cứng 2 khớp gối và ít khi đi khám bệnh viện, chủ yếu sử dụng thuốc nam, thuốc bắc không rõ loại. Gần đây, bệnh nhân đi đứng khó khăn nên nghe theo lời hàng xóm, bà hái lá xào giấm, sau đó giã rối đắp 2 đầu gối, kết hợp uống thuốc nam để trị bệnh khớp. Tuần đầu đắp không sao nhưng đến tuần thứ 2 bà bị ngứa, nghĩ là có sâu róm trong lá nên lấy tay chà. Sau đó thấy mẫn đỏ, bà nghĩ do đắp lá nên đi bệnh viện ở quê, rồi đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Nữ bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng xung quanh 2 khớp gối nóng rát, sưng nề, có 1 số nơi nổi bóng nước, một số chỗ loét, có dấu hiệu nhiễm trùng.

Sau bó đầu gối trị đau khớp, nữ bệnh nhân suýt bị đoạn chi

Ảnh: BVCC

“Bệnh nhân bị viêm nhiễm mô mềm quanh khớp gối sau đắp thuốc trị bệnh khớp, trên nền bệnh lý thoái hóa khớp gối. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng viêm, kháng sinh, tạm thời tổn thương mô mềm khớp gối tạm ổn. Chúng tôi đang làm một số xét nghiệm khác để xem bệnh nhân chỉ thoái hóa khớp gối hay bệnh lý viêm khớp khác để có hướng điều trị lâu lài”, PGS.TS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Khoa, bệnh khớp - thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến, đặc biệt là người trung niên, cao tuổi, nhất là phụ nữ. Ngoài ra, gần đây bệnh viện còn gặp thoái hóa khớp ở bệnh nhân trên 30 tuổi do nguyên nhân yếu tố cơ địa, gia đình, di truyền; thừa cân béo phì; tập luyện sinh hoạt gây chấn thương khớp không điều trị kịp thời; bệnh lý khớp mạn tính không điều trị hợp lý…
“Mặc dù bệnh khớp là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi dứt điểm vì cho đến nay chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm hay phục hồi tổn thương sụn, khớp trong bệnh lý thoái hóa khớp, nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị phù hợp ở chuyên khoa thì bệnh có thể ổn định, triệu chứng được kiểm soát và làm chậm quá trình của bệnh”, PGS.TS Nguyễn Đình Khoa cho biết thêm
Nhưng thực tế rất nhiều bệnh nhân không hiểu rõ bệnh khớp, và việc đau cứng khớp kéo dài ảnh hưởng đi lại, vận động nên tìm đủ mọi cách, tự cách ý mua thuốc sử dụng, áp dụng các phương pháp dân gian không hợp lý, phản khoa học gây biến chứng nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Thỉnh thoảng, bệnh viện cũng gặp một số ca tương tự như trên, kèm nhiễm trùng huyết sau khi đắp thuốc. Một số người thì ngoài bó thuốc thì còn cắt lễ dù đang bị tiểu đường, dẫn đến biến chứng nặng.
Một số người khác thì lạm dụng thuốc, chế phẩm thuốc như nhóm corticoid sau đó gây biến chứng mỏng da, bầm tím da, loãng xương, tiểu đường…
“Biểu hiện thường gặp của bệnh đau khớp là cứng khớp, đau khớp, sưng tràn dịch trong khớp… Để xác định bệnh lý khớp và điều trị tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện để thầy thuốc thăm khám, chẩn đoán , điều trị trước mắt và lâu dài”, PGS.TS Nguyễn Đình Khoa khuyến cáo.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Đình Khoa cũng khuyên người dân khi mắc bệnh lý thoái hóa khớp, đau khớp thì cần thay đổi thói quen sinh hoạt, lối sống để sống chung với bệnh lý này. Trị đau khớp quan trọng là giữ cân nặng ở mức lý tưởng, nếu béo phì thì giảm cân, vận động tập luyện thích hợp trong khả năng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.