Hà Nội xin không sáp nhập 14 phường của Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng

Vũ Hân
Vũ Hân
02/07/2019 14:02 GMT+7

Nếu theo quy định, các phường Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền, Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm của Hà Nội phải sáp nhập trong năm nay.

Sáng 2.7, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn đã kiến nghị Thành ủy hướng dẫn cụ thể về việc sáp nhập huyện, xã chưa đủ tiêu chí, vì theo quy định của T.Ư, việc này sẽ phải hoàn thành trong năm nay.
Kiến nghị của ông Tuấn cho thấy các cấp dưới đang rất thiếu thông tin về việc này, dù Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 37, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 653 và Chính phủ cũng đã ra Nghị quyết 32 về việc này.
Theo ông Tuấn, nếu cả sắp xếp huyện, xã; chuẩn bị cho ĐH Đảng các cấp và triển khai các nội dung trong đề án Chính quyền đô thị của TP, thì lượng công việc sẽ vô cùng lớn, mà đến giờ phút này các quận, huyện, thị chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về sáp nhập đơn vị hành chính.
“Chúng tôi biết có nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, cả nước có 16 huyện, 631 xã phải sắp xếp. 11 phường của Hoàn Kiếm có khả năng phải sáp nhập vì không đạt 50% của cả 2 tiêu chí, nhưng chưa có thông tin gì thêm. Chúng tôi quan sát các chỉ đạo từ T.Ư thì việc sáp nhập phải hoàn thành trước ĐH Đảng. Đề nghị Thành ủy quan tâm hướng dẫn cụ thể”, ông Tuấn nói.
Trả lời thắc mắc này, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hà Nội đã có rà soát và có văn bản đề nghị Chính phủ và Bộ Nội vụ cho phép được “giữ ổn định” 21 xã, phường thuộc diện không đáp ứng cả 2 tiêu chí trên.
Cụ thể, ngoài 11 phường của Hoàn Kiếm gồm: Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền; Hai Bà Trưng cũng có 3 phường thuộc diện này, gồm phường Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân và Ngô Thì Nhậm.
7 xã không đủ tiêu chí còn lại thuộc các huyện Mỹ Đức (xã Mỹ Thành), huyện Phú Xuyên (xã Thụy Phú), huyện Phúc Thọ (3 xã Cầm Đình, Phương Độ, Vân Hà), huyện Quốc Oai (xã Phú Mãn) và huyện Thanh Oai (xã Kim An)
Căn cứ theo Nghị quyết của T.Ư, cấp quận của TP.Hà Nội phải có quy mô dân số từ 150.000 người trở lên, diện tích từ 35 km2 trở lên; cấp phường có quy mô dân số từ 15.000 người trở lên, diện tích từ 5,5 km2 trở lên.

Sẽ bỏ Hội đồng nhân dân ở 177 phường

Theo rà soát của Hà Nội, 30 quận, huyện đều không thuộc diện phải sáp nhập (Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ hơn nhiều so với quy định, nhưng dân số lại đông).
Riêng với 21 phường, xã trên, Hà Nội muốn giữ ổn định đến 2021, vì hiện TP đang triển khai đề án Chính quyền đô thị, nên tổ chức, bộ máy hành chính sẽ có thay đổi. Mặt khác, TP.Hà Nội cũng đang trong quá trình phát triển, có tốc độ đô thị hóa rất cao, trung bình mỗi năm tăng dân số khoảng 200.000 người (2,5% dân số).
Ngoài ra, theo UBND TP Hà Nội, khi đề án Chính quyền đô thị được thực hiện thì tổ chức, bố máy hành chính của TP sẽ có sự thay đổi.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của TP, các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được sắp xếp, tinh gọn. Nhiều lĩnh vực chuyên môn sẽ được tổ chức theo chiều dọc, nhiều dịch vụ hành chính công và dịch vụ công ích sẽ được thực hiện tại cấp TP và khu vực liên quận, huyện, không phụ thuộc vào địa giới hành chính của phường, xã.
Do đó, việc sắp xếp sẽ được thực hiện đồng loạt ở cả 584 phường, xã của TP, chứ không riêng gì 21 phường, xã trên.
Theo Hà Nội, chỉ riêng việc không tổ chức Hội đồng nhân dân tại 177 phường trên địa bàn TP sẽ giảm được 200 cán bộ và 5.100 đại biểu Hội đồng nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.