Hà Nội 'nhất trí' bỏ điều kiện riêng khi nhập hộ khẩu vào thành phố

Vũ Hân
Vũ Hân
19/07/2020 17:44 GMT+7

Dù chỉ ra vấn đề quá tải hạ tầng khi người nhập cư đông hơn, nhưng Hà Nội vẫn ủng hộ bỏ điều kiện riêng để đăng ký thường trú tại TP lớn, vì sẽ giảm bớt thủ tục hành chính và công bằng hơn với người dân.

Theo thông tin chúng tôi có được, hôm 15.7, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có buổi làm việc với TP.Hà Nội để khảo sát việc thi hành một số quy định của luật Cư trú (sửa đổi) trên địa bàn.
Buổi làm việc này nhằm đánh giá tác động của 2 chính sách rất đột phá của dự án luật này: bỏ sổ hộ khẩu và bỏ điều kiện riêng để đăng ký thường trú ở TP lớn. 2 quy định này đều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân rất lớn, nhưng đang bị lo ngại sẽ gây quá tải hạ tầng ở các đô thị, vì người nhập cư sẽ đổ về nhiều hơn. 
Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, hiện đây là thành phố đông dân thứ 2 cả nước (sau TP.HCM) và cũng có mật độ dân số cao thứ 2 trong 63 tỉnh, thành, với trung bình 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.
Dân số Hà Nội phân bố không đều, tập trung đông nhất ở các quận nội thành như Đống Đa, Thanh Xuân. Tốc độ tăng dân số trong những năm gần đây với khoảng 210.000 người/năm, chủ yếu là tăng cơ học, chiếm khoảng 70%.
Đến thời điểm 30.6 năm nay, toàn TP.Hà Nội có 7,855 triệu nhân khẩu, trong đó thường trú khoảng 6,744 triệu và tạm trú khoảng 1,1 triệu.
Đặc điểm dân cư của Hà Nội rất đa dạng, phức tạp, khó quản lý, nhưng thách thức nhất của TP là việc quá tải hạ tầng, dẫn đến bức xúc trên một số lĩnh vực như: nhà ở, giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, môi trường…  
Tuy chỉ ra nhiều áp lực về hạ tầng, nhưng khá ngạc nhiên là báo cáo của UBND TP.Hà Nội lại ủng hộ việc bỏ điều kiện riêng để đăng ký thường trú tại TP lớn.
Theo đó, Hà Nội cho rằng, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi cho họ, trong khi “không tác động nhiều” đến hệ thống cơ sở hạ tầng như y tế, giáo dục của địa phương vì thực tế công dân các tỉnh đến thuê nhà, ở nhờ tạm trú vẫn sinh sống trên địa bàn, vẫn sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục… tuy có những hạn chế nhất định (như trẻ em không có hộ khẩu không được học trường công).
“Quy định này chỉ hạn chế công dân không được đăng ký thường trú chứ không hạn chế được công dân đến nhập cư”, văn bản của UBND TP.Hà Nội khẳng định.

'Việc đăng ký thường trú khó khăn khiến người lao động thêm phần vất vả'

Hà Nội cũng chỉ ra các ưu điểm của việc bãi bỏ quy định này, trong đó có việc cải cách hành chính (theo thông kế, năm 2017 có khoảng gần 40 thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu, đến nay, sau 3 năm cải cách, vẫn còn khoảng 25 thủ tục buộc phải có sổ hộ khẩu); “buộc các TP điều chỉnh lại các chính sách về an sinh xã hội để người dân được hưởng chính sách an sinh xã hội tốt hơn vì thực sự hộ cũng đang lao động, làm việc, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố”; “việc đăng ký thường trú khó khăn khiến người lao động thêm phần vất vả, họ phải mất nhiều thời gian làm thủ tục hành chính; trường hợp không đăng ký thường trú thì con em họ phải học trường tư, không được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước...”.
Quan điểm này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong tư duy của cơ quan quản lý nhà nước, đã bớt đẩy cái khó về cho người dân.  
Tựu trung lại, Hà Nội bày tỏ “nhất trí với việc bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, bỏ thời hạn tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên và quy định về diện tích ở bình quân”, với lý do các biện pháp này “chỉ giảm được nhập khẩu, không giảm được nhập cư”, gây bất bình đẳng về quyền cư trú, gây khó khăn cho người ngoài tỉnh về sinh sống phải chi phí tốn kém hơn các dịch vụ như điện, nước, con em học tập trái tuyến và các thủ tục hành chính khác...
Tuy nhiên, song hành với chính sách mới, Hà Nội cũng đề xuất phải có chính sách đầu tư phát triển về y tế, giáo dục, giao thông, nhà ở…; đưa các cơ sở sản xuất; các trường đại học, trung học chuyên nghiệp dạy nghề ra các khu công nghiệp, ra ngoại thành, đầu tư xây dựng các khu đô thị ở ngoại thành để kéo dãn số cư dân về nội thành…
Hà Nội cũng kiến nghị những người tỉnh ngoài làm hợp đồng không xác định thời hạn trong các Công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân nên quy định phải có thời gian cư trú từ một 1 năm trở lên thì mới giải quyết đăng ký thường trú để tránh việc một số người lợi dụng cơ cấu tổ chức đơn giản của doanh nghiệp tư nhân làm Hợp đồng lao động không đúng người, đúng việc, tạo bất bình đẳng trong đăng ký thường trú.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.