Hà Nội nên cấm xe máy đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi theo giờ?

Mai Hà
Mai Hà
12/03/2019 15:53 GMT+7

Theo lộ trình, năm 2030 Hà Nội sẽ cấm xe máy vào trung tâm thành phố , trước đó 2 - 3 năm có thể cấm thí điểm trên đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi. Người dân phản ứng ra sao trước thông tin “sốc” này?

Có nên cấm theo giờ?
Liên quan đến đề xuất cấm xe máy của Hà Nội, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, chỉ nên hạn chế xe máy theo vùng, không nên cấm theo trục, tuyến dài như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương là phản khoa học, rất dễ thất bại và gây khổ sở cho người dân, chưa kể khiến tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường khác thêm trầm trọng hơn.
Theo ông Tạo, đây là hai tuyến giao thông huyết mạch, kéo dài, nếu cấm xe máy sẽ chuyển sang đường khác để đi, ví dụ cấm đường Lê Văn Lương người dân sẽ đi sang Trần Duy Hưng hoặc Nguyễn Trãi gây ùn tắc hơn.
“Nên hạn chế xe máy khoanh vùng, trước tiên có thể ở vùng lõi quanh hồ Hoàn Kiếm, sau đó loang da báo dần ra các khu vực phụ cận, có thể lan tới bến xe Kim Mã. Tại các khu vực này phải phát triển các điểm trông giữ xe quy mô lớn hoặc các điểm trông giữ tư nhân, người dân sẽ gửi xe máy để đi phương tiện công cộng vào trung tâm”, ông Tạo nói.
Tuyến đường Lê Văn Lương giờ thấp điểm rất thông thoáng Ảnh Ngọc Thắng
Chuyên gia này cũng cho rằng, tuy đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi đã hoặc sắp có buýt nhanh BRT, tàu đường sắt đô thị nhưng cũng chỉ là phương tiện phối hợp, không thể thay thế hoàn toàn được xe máy. Bởi buýt BRT, tàu điện chưa trở thành mạng lưới khép kín để người dân đi từ điểm đầu đến điểm cuối.
Cũng theo ông Tạo, có thể cấm theo giờ hành chính, giờ cao điểm, vào các giờ thấp điểm hoặc từ 19 giờ đến 6 – 7 giờ sáng hôm sau không cấm để tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt.
“Khi ban hành chính sách anh phải tính đến cả những người mà đời sống kinh tế gia đình phụ thuộc vào chiếc xe máy. Không nên ban hành một chính sách mà có thể gây thiệt hại lớn cho người dân và xã hội”, ông Tạo nói.

Xe buýt cũng đông nghẹt

Chủ đề cấm xe máy đang rất nóng trên các diễn đàn mạng xã hội, khi có ý kiến cho rằng cần một “quyết sách mang tính mệnh lệnh hành chính mới thực hiện được các chủ trương lớn”, trong khi phần lớn đều lo lắng nếu bị cấm đi xe buýt, tàu điện ra sao dù đây vẫn là câu chuyện của vài năm tới.
Dù vẫn lựa chọn xe buýt đi làm những hôm không đi xe máy, nhưng chị Nguyễn Thị Hạnh (Hà Đông) chia sẻ xe buýt khá nhiều bất tiện. “Nhà tôi cách bến xe buýt 1 km, ngày mưa ngày nắng đi bộ ra bến xe khá xa, đi xe buýt lúc nào cũng đông nghẹt vào giờ cao điểm”, chị Hạnh nói.
Nếu đi lại bằng tuyến đường sắt Cát Linh  Hà Đông, sẽ phải xuống tàu ở Cát Linh, đi xe buýt lên nơi làm việc tại Trần Hưng Đạo, chị Hạnh lo lắng thời gian đi làm mỗi buổi sáng có thể kéo dài tới 1 - 2 tiếng.
“Chủ trương gì cũng nên lựa theo thực tế và đặt lợi ích đông đảo nhân dân lên trên. Đường Nguyễn Trãi thì tôi ngày nào cũng đi làm, thấy tắc phần nhiều do quá đông ô tô, dàn hàng 5, hàng 6 toàn ô tô, xe máy len lỏi giữa các làn ô tô.
Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi do việc lưu thông lộn xộn, ô tô, xe máy lấn làn của nhau Ảnh Ngọc Thắng
Đây là tuyến đường rất rộng, nếu phân làn hợp lý, cấm phương tiện lấn làn thì đã giảm tải rất nhiều ùn tắc. Nhưng đường rộng mà giao thông lộn xộn, không có kỷ luật nên mới gây ùn tắc”, chị Hạnh nói. Người này cũng cho rằng, trước khi áp dụng biện pháp cuối cùng là cấm xe máy, thành phố nên làm nghiêm túc việc phân làn và tính toán lại thời gian chờ đèn tín hiệu, có thêm các nút giao thông đồng mức, khác mức.
Không chỉ những người đi làm xuyên tâm thành phố mới lo lắng, nhiều người dân sinh sống tại các ngõ ngách ven tuyến đường Nguyễn Trãi cũng rất băn khoăn trước thông tin tuyến này có thể bị thí điểm cấm xe máy.
Anh Nguyễn Thế Mạnh (Khương Trung, quận Thanh Xuân) cho biết, ngõ nhà anh rất khó đi, chỉ xe máy mới vào được, xe taxi cũng “chịu chết” chưa nói gì đến xe buýt. Để đi bộ ra đường lớn bắt xe buýt có khi phải đi bộ 1 – 2 km. Ngay cả hiên nay nhiều người cấp cứu cũng phải đi xe máy chở từ ngõ ra đường lớn bắt taxi lên viện. “Nếu cấm xe máy thì chúng tôi rất bí”, anh Mạnh nói.
Lựa chọn thí điểm cấm xe máy trên tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, đây là 2 tuyến có hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn, có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu có tuyến buýt nhanh BRT hoạt động song song với một số tuyến xe buýt khác.
Tương tự, tuyến Trần Phú - Nguyễn Trãi trong vài tháng tới sẽ có thêm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hoạt động, kéo theo mạng lưới tuyến xe buýt nhánh đi các khu vực khác trong thành phố.
Ông Viện cũng khẳng định, việc thí điểm cấm xe máy ở những tuyến đường nào sẽ được nghiên cứu thấu đáo để khả thi, đảm bảo điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của người dân ở khu vực liên quan. Trong quá trình xây dựng đề án, thành phố sẽ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.