Hà Nội loay hoay với chính quyền đô thị

Vũ Hân
Vũ Hân
02/10/2018 08:00 GMT+7

Sáng 1.10, tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội tiếp tục bàn về dự thảo đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Đây là dự án Hà Nội đã ấp ủ khá lâu, dự kiến sẽ báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 12.
Sẽ bỏ HĐND cấp xã, phường
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, sau khi “tiếp thu tối đa” các ý kiến, dự thảo mới nhất của đề án đề xuất 2 phương án tổ chức chính quyền đô thị.
Phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã) bao gồm đầy đủ HĐND và UBND; một cấp hành chính (xã, phường, thị trấn) không có HĐND.
Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (thành phố) gồm đầy đủ HĐND, UBND; 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) không có HĐND và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn) không có HĐND, không gọi là UBND mà gọi là Ban đại diện hành chính.
Ông Bảo cho rằng cả 2 phương án đều có ưu, nhược điểm riêng và không mâu thuẫn nhau, chỉ khác nhau về mức độ cải cách. “Căn cứ ưu điểm, hạn chế của 2 phương án; để phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng, tránh xáo trộn... tổ soạn thảo đề án đề nghị thực hiện theo phương án 1”, ông Bảo nói và cho biết dự kiến tháng 12 tới đây, Hà Nội sẽ báo cáo đề án với Bộ Chính trị. Nếu được Bộ Chính trị thông qua và ban hành Nghị quyết về thí điểm đề án thì trong quý 1/2019 TP sẽ báo cáo Chính phủ, đến quý 4/2019 sẽ trình Quốc hội xây dựng và ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm. Sau khi Quốc hội thông qua, Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể.
Các ý kiến đóng góp thêm tại hội nghị đa phần thể hiện sự nhất trí với phương án tổ soạn thảo đề xuất chọn.
Không thể đánh đồng đô thị với nông thôn
Tuy Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội khẳng định “đã tiếp thu tối đa” các ý kiến đóng góp, nhưng các phương án lần này gần như không thay đổi so với phương án được đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo gần đây nhất vào đầu tháng 9. Tại hội thảo khi đó, nhiều chuyên gia đã góp ý việc Hà Nội đánh đồng nông thôn với đô thị để xây dựng một mô hình chính quyền chung, trong khi phần nông thôn của Hà Nội hiện còn nhiều hơn đô thị với 12 quận và 18 huyện, thị xã.
Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội, thẳng thắn cho rằng “cả 2 phương án đều hỏng”. “Muốn xây dựng được chính quyền đô thị, anh phải có đô thị hoàn chỉnh. Ở đó, người dân có thể ở quận này mà đi làm ở quận khác, chỉ làm việc theo chuyên môn và pháp luật. Họ không có đất sở hữu chung; thực hiện nghĩa vụ thông qua việc nộp thuế, không phải lao động công ích, đắp đê gì cả; cho nên họ không cần hội họp để bàn thảo, quyết định việc chung. Điều này khác hẳn với xã. Ở cấp xã, người ta có ruộng đất sở hữu chung; có cố kết cộng đồng, lao động công ích... nên phải hội họp và phải có thiết chế dân chủ là HĐND để đại diện cho dân giám sát”, GS Dung nói.
TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, người đã có ít nhất 3 lần được tham vấn ý kiến về đề án này, cũng cho rằng mô hình chính quyền nông thôn vẫn phải giữ nguyên như hiện nay, không thể bỏ được HĐND xã, dù HĐND huyện có thể bỏ. “Phường hình thành cơ học chứ không phải hình thành nghìn đời nay như xã. Pháp ở đầu thế kỷ 20 đã làm một cuộc cách mạng, nhưng không thành công và buộc họ phải sử dụng mô hình chính quyền công chính cấp xã. Và họ sử dụng hiệu quả, bộ máy gọn nhẹ”, TS Phúc nói.
TS Vũ Văn Hiền, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, phân tích: “Hà Nội có đặc trưng rất quan trọng, cái lõi của nó là đô thị, nhưng xung quanh là nông thôn. Huyện giờ còn nhiều hơn là quận, nên phải phân biệt, đa dạng mô hình chính quyền. Để chính quyền của huyện cũng như quận là không phải. Vấn đề của chúng ta là chính quyền quá nhiều tầng nấc, nên không hiệu quả; nên mạnh dạn bỏ HĐND 2 cấp ở quận và phường. Chính quyền chỉ có 1 chính quyền TP thôi, còn cấp dưới là cấp hành chính. Nhưng nếu bỏ hết HĐND của cả 2 cấp huyện và xã lại có điều không phù hợp vì làng quê hàng nghìn năm nay thế rồi. Nếu không bắt buộc, không nên cắt HĐND xã”. Ngay cả nguyên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng trong thủ đô bao gồm cả thành thị và nông thôn. Vì vậy, bộ máy chính quyền phải đa dạng hóa.
Theo GS Nguyễn Đăng Dung, thực tế việc nhũng nhiễu nhất thường ở cấp dưới, tức cấp xã, phường, nên chỗ nào có thẩm quyền quyết định chỗ đó phải có HĐND, nếu không sẽ là tai hại. Trong khi cho rằng việc bỏ HĐND xã ở khu vực nông thôn sẽ dẫn đến lạm quyền, vì đặc trưng nông thôn có rất nhiều việc phải được người dân góp ý kiến; thì GS Dung lại cho rằng mô hình thành thị lại chưa đủ cách mạng, khi vẫn giữ cấp quận là một cấp trung gian. Chính việc thiết kế “nửa vời” này sẽ khiến đề án của Hà Nội khó có thể thành công như mục tiêu mà nó muốn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.