Hà Nội lên tiếng về việc lợn dịch bị vứt ra mương, trạm kiểm dịch không người

Vũ Hân
Vũ Hân
14/05/2019 21:23 GMT+7

Chiều 14.5, tại buổi giao ban Thành ủy Hà Nội, đại diện Sở NN-PTNT Hà Nội đã trả lời một số câu hỏi về dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành hết sức phức tạp trên địa bàn hiện nay.

Tại buổi giao ban này, một số phóng viên đã đặt câu hỏi với Hà Nội về việc tại một số huyện, xã vẫn còn hiện tượng lợn chết bị vứt ra mương như Thanh Oai, trong khi lãnh đạo một số xã cho biết họ không đủ nhân lực và kinh phí để vớt lợn chết, không đủ hố để chôn… Điều này đã khiến cho dịch vốn diễn biến phức tạp càng trở nên khó kiểm soát.
Thêm vào đó, Hà Nội nhiều lần ra khuyến cáo người dân không tẩy chay thịt lợn mà ăn thịt an toàn, nhưng theo ông Chi cục Chăn nuôi - Thú ý TP, hiện mới chỉ có khoảng 60% lượng thịt ra thị trường là được kiểm soát. Như vậy, vẫn có ít nhất 40% thịt lợn ngoài thị trường là chưa rõ về chất lượng và người dân cũng không thể phân biệt bằng mắt thường với các loại thịt này.
Trả lời các câu hỏi trên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết sẽ cho kiểm tra ngay việc lợn chết bị vứt ra mương ở Thanh Oai.
“Quan điểm chỉ đạo của TP luôn luôn nhấn mạnh là không để xác lợn chết vứt ra đường. Trên thực tế, vì Hà Nội có hỗ trợ kịp thời nên cơ bản là không có hiện tượng trên, nhưng có một số trường hợp đặc biệt, ở một số nơi có việc xác chết trôi nổi ở sông không biết ở đâu về. Một só trường hợp ở Phúc Thọ, Mỹ Đức, Đông Anh, Sóc Sơn... cũng có. TP đã chỉ đạo ở địa phương nào thì đồng chí chủ tịch phải xử lý ngay. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra việc này”, ông Sơn cho biết.
Về việc một số địa phương kêu thiếu kinh phí chống dịch, ông Sơn thông tin: TP đã 3 lần họp và ra thông báo rất rõ ràng là ngoài nguồn kinh phí của TP cấp, các quận, huyện trích từ nguồn dự phòng để chủ động tất cả hoạt động chuyên môn, sau đó báo cáo TP.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng được chất vấn về việc báo cáo là giám sát cả ngày lẫn đêm ở các chốt kiểm dịch để tránh lây lan, nhưng trên thực tế có hiện tượng nhiều chốt không hề người túc trực, như ở An Khánh (Hoài Đức).
Lý giải việc này, ông Sơn cho biết “sẽ tăng cường kiểm tra, nếu không có hiệu quả thì sẽ đưa về chốt của quận, huyện và TP” thay vì để các chốt kiểm dịch cấp xã".
Theo thống kê của cơ quan chức năng Hà Nội, đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi (chiếm 9,2% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) tại 1.206 thôn, tổ dân phố của 346 xã thuộc 24 quận, huyện của TP.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Chu Phú Mỹ, toàn TP đã tiêu hủy hơn 120.000 con với trọng lượng hơn 8.000 tấn và dự báo dịch sẽ còn diễn biến phức tạp.
“Dịch ở Trung Quốc đã kéo dài hơn 6 tháng, còn Việt Nam đã phát sinh dịch 2 tháng 20 ngày. Lực lượng thú y TP còn phải tiếp tục thực hiện tốt việc phòng chống dịch”, ông Mỹ cho biết.
Về khó khăn trong việc chống dịch, ông Mỹ cho biết lực lượng tham gia tiêu hủy, phục vụ phòng chống dịch hiện được trả thù lao quá thấp – 100.000 đồng/ngày đêm, nên rất khó tìm người.
“Hiện lao động phổ thông ở nông thôn cũng có thu nhập 250.000 – 300.000 đồng/ngày. TP đang xin cơ chế của Chính phủ để được chi trả mức trên. Chúng tôi chỉ thiếu cơ chế chứ TP không thiếu tiền làm việc này”, theo ông Mỹ.
Một cái khó khác cần phải lường đến là việc bố trí đất để tiêu hủy gia súc bệnh. Theo ông Mỹ, hiện Hà Nội chưa có dịch tại các trang trại chăn nuôi lớn, nếu không may xảy ra dịch tại trang trại có 2.000 – 3.000 con thì chưa biết chôn vào đâu. Do đó, Phó chủ tịch UBND TP đã yêu cầu quận huyện phải khảo sát hố chôn lấp để không may xảy ra tại các trang trại lớn sẽ có hố để tiêu hủy.
Liên quan đến việc địa phương phản ánh chính sách hỗ trợ cho người dân có lợn bị dịch bất nhất (riêng Chương Mỹ có ngày nhận được 3 công văn thông báo giá lợn với các mức giá khác nhau), ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, kể từ sau khi Công văn 1329 được ban hành, chính sách của TP hỗ trợ là 80% giá thị trường. Thanh Niên đã đặt câu hỏi về việc bao nhiêu hộ dân đã nhận được tiền hỗ trợ nhưng ông Sơn không trả lời cụ thể mà cho biết Phó chủ tịch TP đã chỉ đạo “trong thời gian ngắn nhất, từ 5 - 7 ngày phải đảm bảo hỗ trợ cho người dân. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến (về việc hỗ trợ người dân) để kiểm tra, tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính để hỗ trợ kịp thời cho các hộ bị thiệt hại”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.