Hà Nội giãn bớt 215.000 dân khỏi khu nội đô lịch sử

23/03/2021 05:53 GMT+7

Sáng 22.3, TP.Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Đây là quy hoạch đã được rục rịch triển khai từ năm 2011, nhưng đến nay mới chính thức được thông qua.

Cải thiện bộ mặt khu nội đô lịch sử

Vị trí quy hoạch nằm trong khu vực nội đô lịch sử, thuộc địa giới hành chính Q.Hoàn Kiếm (H1-1), Q.Ba Đình (H1-2), Q.Đống Đa (H1-3) và Q.Hai Bà Trưng (H1-4).
Khu vực nội đô lịch sử được chia thành 7 tiểu khu để kiểm soát phát triển, trong đó, khu vực Hoàn Kiếm (H1A, B, C) là khu vực khu phố cổ; khu phố cũ và hồ Gươm phụ cận; khu vực Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Đặc thù khu vực lập quy hoạch là đô thị hiện hữu cải tạo chỉnh trang, mật độ dân cư cao, không còn quỹ đất phát triển, các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, TP đặt ra 8 mục tiêu với quy hoạch này, trong đó mục tiêu đầu tiên là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân vào năm 2030, tức là phải giảm khoảng 400.000 người. Trong hồ sơ quy hoạch, dân số “hiện trạng” theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là 887.411 người, chưa kể biến động.
Để thực hiện quy hoạch, ngoài di dân ra bên ngoài khu vực nội đô lịch sử để mở đường, đầu tư phát triển các dự án công cộng, hạ tầng xã hội của TP và địa phương, ông Huy cho rằng cần triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giãn dân cơ học. Thứ nhất, triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành... ra khỏi khu vực nội đô lịch sử.
Thứ hai, đẩy nhanh xây dựng “chương trình phát triển đô thị”, tập trung vào các khu vực phát triển đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các dự án tạo động lực phát triển đô thị, phát triển loại hình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ cùng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật đồng bộ, tạo các cực hút dân cư ra khu vực trung tâm TP.
Về khung cấu trúc đô thị, khu vực khu phố cổ có tầng cao đặc trưng 3 - 4 tầng (12 - 16 m); tầng cao đặc trưng trên các tuyến phố xung quanh hồ Gươm không quá 16 m; khu vực khu phố cũ tầng cao đặc trưng 4 - 6 tầng (16 - 22 m); khu vực hạn chế phát triển (còn lại) có tầng cao đặc trưng 5 - 7 tầng (20 - 25 m).

Quan trọng là con người thực hiện

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng của Hà Nội, cho biết: “Từ 1998, đã đặt ra vấn đề dân số tại các khu nội đô lịch sử chỉ khoảng 80 vạn dân, nhưng lúc đó thực tế có khoảng 96 vạn người. Đến nay, thực tế đã phình lên khoảng 1,4 triệu dân sinh sống tại khu vực nội đô lịch sử, gây quá tải nên cần xem xét, định hướng mới”.
Ông Nghiêm cho rằng việc di dời trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… là vấn đề bức thiết đặt ra từ lâu, thậm chí Thủ tướng từng nhiều lần có văn bản nhưng vẫn chưa thực hiện tốt. Quy hoạch phân khu sẽ giúp bảo tồn, tôn vinh giá trị Thăng Long của khu nội đô lịch sử vì ngày càng phát hiện ra nhiều công trình di tích có giá trị tại Q.Ba Đình, khu vực phố cổ, hồ Gươm…
“6 quy hoạch phân khu lần này góp phần làm giảm ách tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, đã tính toán kỹ các vấn đề tác động của biến đổi khí hậu về lượng mưa, nhiệt độ… giải quyết bằng mật độ, diện tích hồ nước trong nội đô. Quy hoạch phân khu 4 quận nội đô này sẽ giúp tạo điều kiện ban đầu để giải quyết vấn đề cải tạo, tái thiết nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, vấn đề con người thực hiện vẫn là chính”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Liên quan định hướng di dời 215.000 người ra khỏi 4 quận nội đô, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng rất cần thiết, vì đến nay, hạ tầng tại đây đã quá tải. “Mục tiêu đặt ra là 215.000 người, nhưng khi thực hiện vẫn phải căn cứ vào nguồn lực, giải pháp, kế hoạch, lộ trình… phải đủ các điều kiện”, vị lãnh đạo cho hay.

8 mục tiêu quy hoạch đặt ra

- Kiểm soát dân số, giảm dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu dân vào năm 2030.
- Bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo nâng cấp hệ thống công trình hiện có; phát triển hệ thống dịch vụ thương mại.
- Tạo các không gian ở hiện có; cải tạo các khu chung cư cũ.
- Phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị.
- Phát triển tổ hợp TOD (Transit Oriented Development) tại khu vực đầu mối giao thông (ga Hà Nội).
- Bảo tồn di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gò Đống Đa… các công trình đặc trưng khác, khai thác phục vụ du lịch, văn hóa.
- Cải tạo sông Tô Lịch; hình thành hành lang xanh, không gian công cộng dọc theo sông; tạo các liên kết về cây xanh cảnh quan.
- Phát triển các trục chính đô thị, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.