Hà Nội: Đóng cửa tất cả quán ăn đường phố, cafe, trà đá vỉa hè

Vũ Hân
Vũ Hân
15/02/2021 20:16 GMT+7

Hà Nội quyết định đóng cửa tất cả các quán ăn đường phố , trà đá vỉa hè, cà phê và tạm thời dừng việc mở cửa các cơ sở di tích, đình chùa, tôn giáo kể từ 0 giờ ngày 16.2, để đối phó với Covid-19 .

Chiều 15.2 (mùng 4 Tết), tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.Hà Nội với các quận, huyện lần thứ 90, Phó chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu đóng cửa tất cả các quán ăn đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê và tạm thời dừng việc mở cửa các cơ sở di tích, đình chùa, tôn giáo từ 0 giờ đêm nay. 
Nguyên nhân của quyết định này được cho biết do nguy cơ dịch bệnh là rất cao.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng, từ trường hợp bệnh nhân người Nhật Bản đặt ra yêu cầu các đơn vị phải tầm soát, khống chế dịch bệnh nhanh hơn nữa. Chủ tịch Hà Nội nhắc nhở, Bí thư, Chủ tịch UBND xã phường phải chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác chống dịch ở địa bàn.
Nêu việc từ ngày mai (16.2), người dân các tỉnh sẽ trở về TP làm việc trong đó sẽ có người về từ vùng dịch như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh… ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, vài ngày tới, là giai đoạn quan trọng trong công tác phòng chống dịch.

Hà Nội ra thông báo khẩn tìm những người từ Cẩm Giàng trở về

Nguồn CDC Hà Nội

“Nơi khác thì lập chốt để kiểm soát người ra vào TP, nhưng Hà Nội cần tính toán cụ thể phương án làm sao không để ùn tắc; gắn trách nhiệm với chủ phương tiện vận tải để nắm chắc thông tin y tế từng người về thủ đô", Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo. 
Với tình hình hiện nay, Hà Nội đã quyết định xét nghiệm cả các F1 và F2, xét nghiệm tất cả những người từ Cẩm Giàng về Hà Nội và yêu cầu người dân khai báo y tế đầy đủ, kịp thời.
Liên quan đến bệnh nhân người Nhật Bản, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện cơ quan chức năng vẫn đang xác định nguyên nhân lây nhiễm, trong đó có nhiều giả thuyết như lây bệnh từ nước ngoài hoặc tại Việt Nam và nếu bệnh nhân bị nhiễm ở Hà Nội thì nguy cơ của thủ đô rất cao.
Ông Hiền đặc biệt lưu ý, người cách ly 14 ngày sau vẫn phải tiếp tục giám sát chặt chẽ sức khỏe trong 14 ngày nữa, nếu không sẽ khó ứng phó với các tình huống bất thường; các trường hợp cách ly tại nhà phải yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là đối tượng chuyên gia.

Đóng cửa các di tích

Ông Hiền cũng nêu việc trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Hàng Khay, Tràng Tiền (Q.Hoàn Kiếm), các hàng quán vẫn đông đúc và nhiều người không đeo khẩu trang; đề nghị quận phải xử lý nghiêm, nếu không có biện pháp mạnh sẽ không thể kiểm soát được.
“Các quận huyện báo cáo thì rất đầy đủ, nhưng thực tế chưa quyết liệt xử phạt. Nhiều nơi vẫn tụ tập đông người, không đeo khẩu trang là rất nguy hiểm”, ông Hiền nói thêm
Tại phiên họp, Phó giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Vân Anh, cho biết, một số quận huyện đã có quyết định đóng cửa các di tích và cho rằng đây là quyết định đúng đắn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đề xuất thành phố xem xét việc dừng hoạt động toàn bộ các di tích trên địa bàn thành phố.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng đồng ý với đề xuất này và yêu cầu “đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cafe từ 0 giờ ngày 16.2; tạm thời đóng cửa các di tích để ngăn chặn sớm", bởi hàng quán, đình chùa hiện nay người dân đến rất đông.
 “Theo CDC Hà Nội, nguy cơ BN người Nhật có thể phát bệnh từ ngày 3.2 nên nguy cơ với cộng đồng rất cao. Các sở ngành phải quán triệt nghiêm các chỉ đạo của T.Ư và Chủ tịch UBND TP”, ông Dũng yêu cầu.
Các quận, huyện, thị xã, lực lượng y tế được yêu cầu phải tập trung cao độ, thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến các ca bệnh mới phải theo dõi y tế chặt chẽ. 
Ông Dũng giao CDC Hà Nội lên phương án xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên ở các khu công nghiệp, nhất là các điểm có người đi từ 12 tỉnh thành có dịch trở về, những nơi có chuyên gia nước ngoài làm việc, để có sàng lọc sớm, tránh rủi ro.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.