Hà Nội chính thức cấm lưu thông xe máy từ năm 2030

05/07/2017 06:52 GMT+7

Với số phiếu đồng thuận rất cao, 95/96 đại biểu (ĐB) HĐND TP.Hà Nội hôm qua đã thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030.

Theo nghị quyết, TP sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030, phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải khách công cộng.
Hà Nội cũng sẽ cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố, thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ, ban hành quy định hoạt động của taxi ngoại tỉnh. Đồng thời, để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông,
Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch vận tải taxi, với các xe tương tự taxi như Uber, Grab... TP sẽ cấp hạn ngạch phù hợp điều kiện giao thông và năng lực kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, thời gian tới Hà Nội sẽ lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP.
Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng việc thông qua đề án mang tính lịch sử, đột phá, vì sự phát triển của thủ đô. Đề án nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu HĐND TP với 10 ý kiến trong gần 2 giờ thảo luận. ĐB Hoàng Huy Được đồng tình với lộ trình dừng hoạt động xe máy, nhưng cũng cho rằng tốc độ phát triển của phương tiện công cộng đang có vấn đề, điển hình là tuyến BRT gần 10 năm mới đi vào hoạt động, hay đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nhiều năm nay vẫn dở dang.
Trong khi đó, ĐB Phạm Đình Đoàn đề xuất TP miễn phí cho người dân đi xe buýt, bởi nếu so với việc TP mất nửa tỉ USD mỗi năm vì ùn tắc giao thông thì có thể chi trả để miễn phí đi xe buýt, tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, ông Đoàn cũng cho rằng: “Các biện pháp mà TP đưa ra tôi thấy chưa an tâm, vì chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Giao thông Hà Nội chỉ tương đương 1 bát cơm cho 1 người ăn, nhưng giờ 3 người ăn, quỹ chỉ hạn chế như vậy” và đề xuất nên xây dựng một TP.Hà Nội mới bên cạnh Hà Nội cũ để giải quyết tận gốc bài toán ùn tắc.
Sai sót quản lý khiến 50 biệt thự công bị phá
Cũng trong hôm qua, HĐND TP.Hà Nội thông qua tờ trình về việc điều chỉnh danh mục biệt thự công, trong đó rút 148 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý. Giải trình về đề xuất điều chỉnh danh mục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết sau điều chỉnh, danh mục 970 biệt thự sẽ còn 853 biệt thự, các biệt thự đưa ra khỏi danh mục do được xác định là nhà phố, thống kê 2 lần, điều chỉnh địa chỉ...
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội, báo cáo của UBND TP chưa giải trình rõ được những hạn chế trong công tác quản lý biệt thự thời gian qua.
“Nếu chúng ta dễ dàng thông qua nghị quyết, mai mốt lại tiếp tục rút các biệt thự ra khỏi danh mục. Mong Chủ tịch TP bảo đảm cam kết với HĐND TP khóa này, bởi khóa trước lãnh đạo TP, một số lãnh đạo sở, quận, huyện chưa làm hết trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá dỡ biệt thự...”, ông Nam nói và bày tỏ xót xa về các biệt thự bị phá dỡ, dù danh mục đề án quản lý biệt thự đã được Chính phủ thông qua nhiều năm nay. Nhiều lần chất vấn, thanh tra, giám sát thanh tra nhưng vẫn bị mất hơn 100 biệt thự. Trong đó gần 70 biệt thự bị mất từ thời điểm trước, được các cơ quan nhà nước, Chính phủ đồng ý chủ trương, nhưng còn lại hơn 50 cái mất là do quản lý không tốt.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng thừa nhận thực tế triển khai có những bất cập trong chính sách thực tiễn, từ đó buông lỏng trong quản lý, TP đang tổ chức điều chỉnh, xây dựng lại. Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng cho biết sẽ rà soát lại danh mục, xác định rõ sai đến đâu xử đến đó nếu có sai phạm trong quản lý biệt thự. Đồng thời, số hóa toàn bộ hồ sơ các biệt thự, tránh trùng lặp, nhầm lẫn như trước đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.