Hà Nội: 12 năm chưa phát hiện vụ tham nhũng nào qua tự kiểm tra nội bộ

Vũ Hân
Vũ Hân
16/04/2021 15:56 GMT+7

Trong 12 năm qua, từ năm 2009 đến tháng 6.2020, qua tự kiểm tra nội bộ, Hà Nội chưa phát hiện và xử lý trường hợp tham nhũng nào , nhưng qua thanh tra thì phát hiện sai phạm trên 3.597 tỉ đồng.

Thu hồi chưa được một nửa tài sản tham nhũng

Sáng 16.4, UBND TP.Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng trên địa bàn Hà Nội.
Theo báo cáo của Hà Nội, trong 12 năm qua, từ năm 2009 đến tháng 6.2020, qua tự kiểm tra nội bộ, chưa phát hiện và xử lý trường hợp tham nhũng nào.
Nhưng cũng trong 12 năm qua, các đơn vị thanh tra trên toàn TP.Hà Nội đã tổ chức triển khai 3.136 cuộc thanh tra, đã kết luận 3.078 cuộc, phát hiện sai phạm trên 3.597 tỉ đồng.
Trong số sai phạm được phát hiện, thanh tra các cấp của Hà Nội đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 2.380 tỉ đồng, kiến nghị khác trên 1.185 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi trên 2.000 ha đất, xử lý hành chính 523 tập thể và 579 cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính trên 375 tỉ đồng, chuyển cơ quan điều tra 57 vụ.
Cũng trong thời gian này, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 237.109 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 230.960 đơn các loại (trong đó khiếu nại 45.988 đơn, tố cáo 23.300 đơn); thụ lý và giải quyết 18.160/18.319 vụ khiếu nại và 6.612/6.647 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền.
Như vậy, vẫn còn 159 vụ khiếu nại và 35 vụ tố cáo còn tồn đọng, chưa được xử lý.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi 22,5 tỉ đồng và 17,5 ha đất; kiến nghị trả lại quyền lợi cho công dân 43,8 tỉ đồng và 3,7 ha đất; kiến nghị điều chỉnh 109 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; bán bổ sung 8 nhà tái định cư, thu hồi và điều chỉnh 31 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý về hành chính 229 tập thể và 389 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 30 vụ.
Về kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố 240 vụ/610 bị can và chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố 206 vụ/578 bị can. Hiện đang điều tra 35 vụ/26 bị can.
Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã truy tố, chuyển tòa án xét xử 204 vụ/568 bị can; TAND TP.Hà Nội đã xét xử 265 vụ/777 bị cáo, trả hồ sơ điều tra bổ sung 77 vụ/246 bị cáo; đang giải quyết 10 vụ với 36 bị cáo.
Số tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng đã xét xử là trên 15.687 tỉ đồng, 52.221 m2 đất, 1.774 m2 đất phi nông nghiệp, 79.896 USD, 2.750 euro; nhưng số tiền đã được thu hồi chỉ đạt chưa đến một nửa, là hơn 7.623 tỉ đồng.

Tham nhũng còn phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn

UBND TP.Hà Nội dự báo tình hình tham nhũng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: tín dụng, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng; tài chính, thuế... với thủ đoạn tinh vi hơn; phạm vi, lĩnh vực ngày càng rộng.
Đặc biệt, vẫn còn dư luận về tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, thực hiện chế độ chính sách người có công đã gây bức xúc dư luận. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực…
Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, “về cơ bản, Hà Nội đã đạt được mục đích đặt ra tại Kế hoạch số 15 năm 2010 về thực hiện Chiến lược quốc gia Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”; đã “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các nguy cơ, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực".
Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại như người đứng đầu ở một số nơi còn chưa quyết liệt; còn những sơ hở trong cơ chế, chính sách, chậm khắc phục; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao…
Để khắc phục, ông Đông yêu cầu “các cấp, các ngành quán triệt mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng”.
Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng "xin - cho", tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức…
“Cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, nhân dân; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông và mỗi cán bộ, đảng viên trong phòng chống tham nhũng…”, ông Đông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.