Gượng dậy sau bão

Chưa kịp khôi phục các hoạt động kinh tế sau khi khống chế được dịch Covid-19 , người dân miền Trung lại phải gồng mình “gượng dậy” từ sự tàn phá của cơn bão số 5.

Nước mắt cao su

Chiều 20.9, PV Thanh Niên chứng kiến khu rừng cao su 6 ha của ông Nguyễn Văn Quý (48 tuổi, thôn Hòa Bắc, xã Phong Mỹ, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) nằm sâu trong Khe Mạ (xã Phong Mỹ) bị gãy đổ la liệt. 22 năm trước, ông Quý lên Khe Mạ dựng lán vỡ đất khai hoang, từ trồng mía chuyển sang cao su.
Hai vợ chồng ông vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng trồng cao su, tìm kế sinh nhai nuôi 3 người con ăn học. Con gái đầu vào đại học, con thứ hai vào lớp 11, con út vào lớp 1, tất cả chi phí đều “nhìn” cả vào rừng cao su này. Rồi bão số 5 quét qua, 70% cây cao su của ông Quý gãy ngang… “Một cây cao su hết khai thác mủ bán được khoảng 200.000 đồng. Nay bị gãy, người ta mua cũng chỉ 30.000 đồng, ấy vậy mà mình phải mang ơn họ, nhờ mua giúp… Tương lai chắc tôi phải trồng keo, tràm để lấy ngắn nuôi dài”, ông Quý thổ lộ.
Cách đó không xa, khu rừng cao su 1,5 ha của bà Hồ Thị Lệ (quê xã Điền Lộc, H.Phong Điền) cũng bị bão quét làm gãy ngang gần hết. Hơn 12 năm qua, rừng cao su này cho khai thác mủ để người phụ nữ góa chồng đã 10 năm như bà Lệ có chi phí nuôi 6 con, hiện còn 3 đứa đang tuổi ăn tuổi học. “Bây giờ tôi cũng không biết tính sao. Mong là có người mua và bán được ít gỗ để vớt vát”, bà nói.

Sửa mái nhà trong bão số 5, cha ra đi bỏ lại 3 con dại

Rất nhiều hộ dân ở xã Phong Mỹ trồng cao su. Đây cũng là địa phương có diện tích cao su lớn hàng đầu của Thừa Thiên-Huế. Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, cho biết toàn xã có 1.400 ha cao su thì khoảng 80% bị gãy đổ, trong đó 700 ha bị thiệt hại rất nặng (gãy đổ 50 - 70%). Chỉ riêng 700 ha cao su bị gãy đổ đã khiến mỗi năm người dân của xã mất khoảng 56 tỉ đồng (bình quân mỗi héc ta cho thu nhập 80 triệu đồng/năm).
Cao su ở Phong Mỹ (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) bị gãy đổ do bão số 5 ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Cao su ở Phong Mỹ (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) bị gãy đổ do bão số 5

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Sau khi bão số 5 vừa tan, ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã đi kiểm tra tình trạng cao su bị gãy đổ ở Phong Mỹ. Ông Phương chỉ đạo chính quyền huyện, xã sớm tìm nguồn tiêu thụ gỗ cao su bị gãy đổ giúp người dân và thống kê chi tiết thiệt hại. Chiều 20.9, ông Nguyễn Hữu Chung cho biết địa phương đã đàm phán, làm việc với 4 doanh nghiệp tại Quảng Trị thống nhất mua gỗ cao su bị gãy đổ. “Vớt vát được chút nào hay chút đó. Về lâu dài, chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo huyện, tỉnh để chuyển đổi cây trồng thay thế số cây cao su bị gãy”, ông Chung nói.

Kinh hoàng cảnh mưa lũ đánh gãy đôi cầu bê tông ở Quảng Nam

Chia nhau từng nắm gạo

Hai ngày sau trận lũ dữ đổ về, người dân ở nhiều ngôi làng huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng vì cơn lũ mạnh nhất từ trước đến nay vừa càn quét qua. Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 18.9, nước từ thượng nguồn đổ về nhấn chìm nhiều bản làng, nhiều người dân không kịp trở tay. Cây cầu Achiing - Zrượt nối từ trung tâm huyện về xã A Nông bị lũ cuốn gãy đôi khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập.

Người dân Tây Giang giúp nhau sửa chữa lại nhà và chia sẻ từng nắm gạo sau lũ dữ

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Hôm qua, lớp bùn dày ở làng Tà Vàng (xã A Tiêng) đã kịp “gội rửa” khi lực lượng công an, biên phòng tới giúp dân làng dần khôi phục nhịp sống. Riêng ông Hôih Tía (61 tuổi, ở làng Tà Vàng) vẫn chưa thôi ám ảnh: “Thật khủng khiếp, chỉ trong chốc lát trận lũ quét đã nhấn chìm toàn bộ ngôi làng. Chúng tôi chỉ biết kêu gọi nhau bỏ chạy trong tiếng “gầm” của nước lũ”. Ông Tía lo khi lương thực, lúa mì ở rẫy bị lũ cuốn hết, dân không biết sắp tới lấy gì ăn...
Là một trong số 30 người dân được cán bộ đu dây cứu thoát khi mắc kẹt trong dòng lũ dữ trên sông A Vương, ông Abing Trái (52 tuổi, ở thôn Ahu, xã A Tiêng) kể ông chỉ biết cõng mẹ với đứa con nhỏ chạy sang bờ bên kia, khi quay lại thu dọn đồ thì không còn kịp nữa, bởi nước lũ lên quá nhanh, rồi mắc kẹt… Tài sản dành dụm bao lâu nay, đàn vịt 80 con, đàn heo 4 con đang kỳ sinh sản cùng căn nhà bếp mới dựng đã bị cuốn trong dòng nước…

Cầu Achiing - Zrượt nối trung tâm huyện về xã A Nông (H.Tây Giang, Quảng Nam) bị lũ cuốn gãy đôi

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Cũng trong hôm qua, Plong A Trạch (27 tuổi, ở làng Tà Vàng) vừa mang ít gạo còn sót trong nhà ra chia cho 3 hộ dân trắng tay sau lũ. Chẳng nhiều nhặn gì, mỗi hộ được “chia” 5 lon, nhưng đó là cái tình đồng bào. Chị Bhling Thị Akêu, Trưởng thôn Tà Vàng, cho hay 87 hộ dân (hơn 320 nhân khẩu) trong làng vừa trải qua nạn lớn, nhiều hoa màu chuẩn bị thu hoạch đều bị cuốn trôi, kể cả gạo, mì cất giữ trong nhà. Hộ nào kịp chuyển lương thực đi nơi khác thì giờ san sẻ lại, như cách làm của A Trạch. “Giai đoạn này, có một nắm gạo chia nhau là quý lắm rồi!”, chị Akêu tâm sự.
Nghe tin làng Tà Vàng bị lũ quét, dân làng Adu gần đó kéo nhau chạy qua. Nhưng họ đành bất lực nhìn tài sản bị cuốn trôi, chờ khi lũ rút cùng xúm vào dọn dẹp bùn đất, dựng lại nhà… Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay sau trận lũ quét lớn nhất trong lịch sử H.Tây Giang lần này, có ít nhất 4 xã vùng cao đang bị ách tắc giao thông. “Chúng tôi đã phân công cán bộ khẩn trương xuống cơ sở. Các cơ quan chuyên môn cũng có phương án huy động phương tiện trực sẵn sàng trên các tuyến đường huyết mạch để đảm bảo giao thông thông suốt”, ông Linh nói.
Theo thống kê bước đầu của Quảng Nam, riêng tại huyện vùng cao Tây Giang mưa lũ đã gây thiệt hại hơn 170 tỉ đồng; trong đó làm đứt gãy, sạt lở hơn 130 điểm, vùi lấp 95 cống; cuốn trôi và làm hư hỏng 5 cầu treo, 160 công trình thủy lợi; gây ngập hơn 300 căn nhà, hơn 100 ha lúa hè thu… Còn tại H.Đông Giang, ước tính thiệt hại khoảng 25 tỉ đồng.

Đã có 6 người chết do bão số 5

Chiều 20.9, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết thiệt hại do bão số 5 và mưa sau bão tại các tỉnh miền Trung tiếp tục gia tăng. Theo đó, đến 17 giờ ngày 20.9, bão số 5 đã làm 6 người chết (Hà Tĩnh 1 người; Quảng Trị 1 người; Thừa Thiên-Huế 4 người); 112 người bị thương (Quảng Bình 10 người; Quảng Trị 7 người; Thừa Thiên-Huế 92 người; Đà Nẵng 1 người; Quảng Nam 2 người). Tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, đã có 13 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn; 22.716 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 36 điểm trường học bị ảnh hưởng do mưa bão.
Bão số 5 tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp khi mưa sau bão làm ngập lụt, thiệt hại 1.439 ha lúa (Nghệ An 1.256 ha; Quảng Bình 2 ha; Quảng Trị 36 ha; Quảng Nam 145 ha); 2.449 ha hoa màu bị thiệt hại (Nghệ An 1.723 ha; Hà Tĩnh 196 ha; Quảng Bình 2 ha; Quảng Trị 31 ha; Thừa Thiên-Huế 439 ha; Đà Nẵng 30 ha; Quảng Nam 28 ha). Tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam đã có 2.339 ha cây lâm nghiệp và 309 ha cây ăn quả; 105 ha ao hồ thủy sản bị ngập lụt, thiệt hại.
Tại Thừa Thiên-Huế, đến 19 giờ ngày 20.9 vẫn còn nhiều địa phương chưa khắc phục xong sự cố mất điện trên diện rộng, chỉ có 230.989/312.201 khách hàng được đóng điện trở lại. Tại Thừa Thiên-Huế, bão số 5 đã khiến 217 cột điện gãy đổ; 7 trạm biến áp hư hỏng; 103 km dây điện hạ thế bị đứt, 43 tuyến cáp quang bị đứt.
Phan Hậu 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.