GS Nguyễn Tài Thu, người thầy thuốc tài hoa và nhân ái

17/02/2021 06:26 GMT+7

Thầy Nguyễn Tài Thu đã kế thừa và phát huy, nâng tầm châm cứu là một lĩnh vực khoa học.

Không chỉ để lại những tư liệu, giáo trình quý về châm cứu trị bệnh, với tài năng và trái tim nhân ái, GS Nguyễn Tài Thu còn dành cho các bệnh nhân nghèo, trẻ em thiếu may mắn những cơ hội được cứu chữa, bình phục.

Cứu người nghiện bằng châm cứu cắt cơn

Kỹ thuật mãng châm, châm cứu hỗ trợ cai nghiện ma túy, châm tê trong phẫu thuật... là những phương pháp nổi bật trong nhiều kỹ thuật châm được ứng dụng rộng rãi, do GS Nguyễn Tài Thu trực tiếp nghiên cứu, phát triển, phát minh, đã đem lại hiệu quả cao.
Đặc biệt, các châm tê trong phẫu thuật và châm cứu hỗ trợ cai nghiện ma túy do GS Nguyễn Tài Thu phát minh đã được Bộ Y tế nghiệm thu, với hiệu quả cao. Những phương pháp này đã được ông trực tiếp phổ biến các quy trình trong các lớp tập huấn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và được giới thiệu tới các quốc gia khác.
Sinh thời, chia sẻ về hiệu quả của phương pháp châm cứu điều trị cắt cơn nghiện, GS Nguyễn Tài Thu cho biết trung bình 10 ngày, có người 7 ngày, có người 2 tuần thì cắt được cơn khi cai nghiện ma túy.
GS Nguyễn Tài Thu, người thầy thuốc tài hoa và nhân ái

GS Nguyễn Tài Thu luôn tận tụy với từng ca bệnh, cặn kẽ khi truyền đạt kiến thức cho các học trò

Mãng châm phục hồi sự sống

GS Nguyễn Tài Thu cũng dày công nghiên cứu, phát triển và ứng dụng phương pháp mãng châm, với kim châm khác kim thường dùng, là kết hợp của 2 loại trường châm và đại châm. Với cây kim dài, đốc kim dài bình quân từ 5 - 8 cm. Trong đó, loại thân kim dài, ngắn nhất là 5 thốn (khoảng 10 cm), dài nhất là 30 thốn (khoảng 60 cm).
GS Nguyễn Tài Thu, Phó chủ tịch Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, người được mệnh danh “thần kim”, đã qua đời sáng 14.2 (mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu), hưởng thọ 90 tuổi. Ông là bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới trong lĩnh vực đông y, đặc biệt về châm cứu chữa bệnh.
GS Nguyễn Tài Thu sinh năm 1931, tại thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, H.Hoài Đức, Hà Nội. Ông là tác giả của hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận đông y như: Tân châm, Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, Thủy châm, Nhĩ châm, Mai hoa châm, Điện châm... làm “cẩm nang” cho hàng ngàn y, bác sĩ. Ông đã được Giải thưởng Nhà nước về công trình “Nghiên cứu phát triển lý luận và hoàn thiện kỹ thuật phương pháp tân châm trong chữa bệnh”.
GS Nguyễn Tài Thu là giáo sư - tiến sĩ danh dự của 16 trường đại học nước ngoài và viết sách phổ biến tại nhiều quốc gia. Trong lĩnh vực của mình, ông đã hợp tác về khoa học, chuyên môn với 38 nước trên thế giới. Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Anh và đã trực tiếp giảng dạy, truyền kiến thức cho sinh viên, các chuyên gia tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ La tinh... Ông cũng đã thành lập các trung tâm và chuyển giao công nghệ cho các nước như Nga, Pháp, Mexico, Ý...
Trong suốt cuộc đời cống hiến, GS Nguyễn Tài Thu đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động hạng nhất, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân...
Lễ viếng GS Nguyễn Tài Thu diễn ra từ 9 - 10 giờ 30 ngày 22.2 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).
Quá trình điều trị, mãng châm thường được dùng các loại kim dài 10 - 50 cm, thậm chí có thể lên đến 60 cm và dài nhất lên đến 70 cm. Thân kim tương đối to, đường kính trung bình là 0,5 - 1 mm. Mũi kim không nhọn lắm (để dẫn khí vận khí sau khi châm đắc khí). Cây kim dài trong mãng châm là để đi vào các huyệt sâu trong cơ thể, có hiệu quả cao trong chữa bệnh.
Theo Hội Châm cứu Việt Nam, mãng châm là một trong những phương pháp châm cứu được thế giới đánh giá cao về hiệu quả và khuyến khích đưa vào điều trị. Mãng châm được đặc biệt nhấn mạnh trong các ứng dụng: châm tê phẫu thuật, điều trị các chứng đau, mãng châm châm chữa bệnh liệt... Đó cũng là những kết quả xuất sắc mà châm cứu Việt Nam đã đạt được bằng phương pháp mãng châm (Boa Acupuncture).
Trong các báo cáo về ứng dụng của mãng châm, các học trò của GS Nguyễn Tài Thu cho biết mãng châm được ứng dụng trong điều trị trúng phong (bán thân bất toại - liệt nửa người); đau đốt sống cổ, đau thần kinh tọa, đau viêm quanh khớp vai, bại liệt ở trẻ em...

Lá thư hạnh phúc

Là người gây dựng, phát triển Bệnh viện Châm cứu T.Ư, nhiều năm là Giám đốc Bệnh viện Châm cứu T.Ư, GS Nguyễn Tài Thu đã huy động các nguồn tài trợ để tiếp nhận, mỗi năm điều trị miễn phí cho các trẻ em nghèo bị tàn tật hoặc các di chứng do bệnh lý. Không chỉ tổ chức, huy động các nhân lực giỏi tham gia điều trị, chăm sóc cho các cháu nhỏ có bệnh, là con em các gia đình nghèo, ông thường xuyên thăm hỏi, động viên, trực tiếp nắm bắt diễn biến sức khỏe của các trẻ.
Ông cũng là người sáng lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật và đã gây dựng được Trung tâm cứu trợ trẻ em tại một số địa phương, giúp các gia đình có trẻ thiệt thòi ở tỉnh xa thêm cơ hội được chăm sóc, chữa trị miễn phí cho con em.
Một trong những lá thư bày tỏ niềm vui, niềm hy vọng khi có con em được cứu chữa tận tình, có viết: “Tôi là bà ngoại của cháu Phạm Trung A., ở Yên Bái. Đến nay cháu hơn 4 tuổi, nhưng chỉ bập bẹ nói được vài từ, không rõ tiếng. Bố mẹ cháu đã đưa con đi nhiều bệnh viện khám và được biết cháu bị chứng tự kỷ, chậm nói. May mắn, được một số người quen có con từng chữa trị ở Trung tâm Nam Định đạt kết quả tốt, đã giới thiệu cho gia đình tôi đưa cháu xuống Trung tâm Nam Định điều trị. Cháu Trung A. khi mới đến còn bập bẹ, đến nay gần 3 tháng đã nói được rõ tiếng hơn, nói được nhiều từ, câu ngắn, thậm chí cháu còn biết hát, đếm số. Gia đình chúng tôi sung sướng lắm. Cùng ở nội trú với cháu tôi có nhiều người quê ở Hải Hậu, Nam Trực, họ cho tôi biết ở đây còn có nhiều gia đình đến từ Thái Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Nam để chữa trị cho con em...”.
Đó là một trong những bức thư bày tỏ niềm vui lớn của các gia đình có con em được cưu mang, cứu chữa từ công sức tâm huyết của GS Nguyễn Tài Thu và các cộng sự nhiệt thành của ông.
“Không phải tất cả mọi bệnh tật hoặc di chứng nặng gây tàn tật đều có thể chữa khỏi, nhưng những điều tốt đẹp mà GS Nguyễn Tài Thu và các bác sĩ giỏi được ông tin cậy, giao phó công việc dành cho các trẻ em nghèo không may bị bệnh khó chữa, là niềm động viên lớn, tiếp thêm niềm hy vọng để các gia đình yên tâm cho con theo đuổi điều trị; các trẻ thêm cơ hội được chữa trị, giúp các em vững vàng hơn trong cuộc sống sau này”, một học trò của ông giãi bày.
Tại Bệnh viện Châm cứu T.Ư, các thế hệ học trò đã tiếp nhận và phát triển hơn nữa những thành quả mà GS Nguyễn Tài Thu đã gây dựng. Trong đó, châm cứu điều trị trẻ tự kỷ, bại não được triển khai, giúp nhiều trẻ có chuyển biến tích cực về tư duy, vận động, về khả năng học tập. Bệnh viện Châm cứu T.Ư hiện đã là bệnh viện đa khoa, kết hợp châm cứu và y học hiện đại, phát huy tối đa hiệu quả trong điều trị cho người bệnh.
PGS-TS Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu T.Ư, bày tỏ niềm kính trọng người thầy, vị giáo sư đã đặt nền móng và xây dựng Bệnh viện Châm cứu T.Ư hiện đại: “Bệnh viện Châm cứu T.Ư là bệnh viện mang thương hiệu chuyên châm cứu duy nhất trên thế giới. Thầy Nguyễn Tài Thu đã kế thừa và phát huy, nâng tầm châm cứu là một lĩnh vực khoa học. Thầy luôn luôn mang trong tim niềm đam mê nghề nghiệp, kiên trì định hướng và không lùi bước trước mọi khó khăn, đã đưa ra một trường phái, một phương pháp chữa bệnh rất hiệu quả cho người dân Việt Nam”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.