GS Đặng Hùng Võ: Cần có chính sách mới hợp lý về đất đai

Trung Hiếu
Trung Hiếu
22/11/2019 17:03 GMT+7

Ngày 22.11, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”.

Hội thảo nhằm tháo gỡ những nút thắt trong cả pháp luật, quy hoạch, tài chính và hành chính về đất đai đang gây cản trở cho quá trình phát triển đô thị, đặc biệt là đối với các đô thị lớn.
Tại hội thảo, GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận hệ thống tài chính đất đai của Việt Nam thuộc loại yếu kém, thu cho nhà nước không xứng tầm, người bị nhà nước thu hồi đất cũng thiệt thòi, thuế không điều tiết được thị trường…
Theo GS Đặng Hùng Võ, cả TP.HCM và Hà Nội đều rơi vào tình trạng dân số tăng cơ học quá lớn; hạ tầng hiện nay không chịu nổi, chất lượng dịch vụ công quá thấp, môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Dân số Hà Nội đã gần 10 triệu, TP.HCM khoảng 13 triệu, không kể khách vãng lai dài ngày. Chẳng mấy mà dân số cả 2 siêu đô thị này lên tới con số vài mươi triệu. Khi đó sức chịu tải của đô thị quá giới hạn, quản lý mất kiểm soát và có thể rơi vào thế “vỡ trận”. Tuy nhiên, trên thực tế không thể ngăn dòng người di cư vì lựa chọn nơi cư trú là quyền hiến định của công dân.

Đô thị TP.HCM

NGUYỄN VĂN HẢI

Trong các giải pháp tổng thể nêu ra liên quan đến giải quyến vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ đề cập thuế bất động sản, từng được đúc rút từ lý luận cũng như kinh nghiệm phát triển đô thị tại tất cả các nước công nghiệp phát triển.
GS Đặng Hùng Võ cho hay theo kinh nghiệm của các nước công nghiệp, thuế bất động sản được tính theo thuế suất cơ bản 1% tính trên giá đất thị trường, chiếm tỷ trọng từ 50% tới 90% nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đây là nguồn lực chính để phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng. Nguyên tắc của họ đặt ra là nguồn thu chính cho địa phương là từ đất, không đánh thuế cao vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm kích thích phát triển kinh tế. Mỗi người sống tại đâu đểu phải đóng góp thông qua thuế bất động sản để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng. Mỗi một địa phương phải thu ở mức đủ để tự phát triển trên đôi chân của mình theo hướng phù hợp với mức thu nhập của người dân.
Cho rằng việc xem xét áp dụng thuế bất động sản là cần thiết, GS Đặng Hùng Võ diễn giải thêm về cách thức có thể xem xét áp dụng: Tại đô thị giá bất động sản cao thì thuế đóng cao, tại nông thôn giá bất động sản thấp thì thuế đóng thấp. Mỗi người tùy theo khả năng thu nhập của mình mà lựa chọn nơi ở cho phù hợp. Mọi người luôn mong muốn cuộc sống tiện lợi nhất, nhưng năng lực lao động sẽ quyết định thu nhập là cơ sở để lựa chọn nơi sinh sống cho phù hợp. Thuế bất động sản chính là công cụ quan trọng để điều chỉnh dòng người tự do tìm nơi cư trú. Công cụ thuế này cũng tạo nên nguồn lao động chất lượng cao cho phát triển cả đô thị và nông thôn.

Ý kiến chuyên gia cho rằng chính sách mới hợp lý về đất, sẽ góp phần thúc đẩy hạ tầng đô thị phát triển

NGUYỄN VĂN HẢI

Ưu tiên đảm bảo lợi ích chính đáng của dân

Liên hệ với với thực tại Việt Nam, GS Đặng Hùng Võ cho hay thu thuế bất động sản hiện nay chỉ với thuế suất cơ bản 0,03% giá đất của nhà nước, tức là chỉ khoảng 0,01% giá đất thị trường. Tổng thu từ thuế sử dụng đất chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách từ đất, tức là chỉ chiếm 0,6% tổng thu ngân sách địa phương. So với các nước công nghiệp, quả là một trời - một vực. Chúng ta vẫn phải sử dụng tiền vay để phát triển hạ tầng; phát triển thì không nhanh, quá đắt đỏ với những con đường đắt nhất hành tinh, mà làm nợ công tăng cao; đô thị hóa chất lượng không cao…
Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, thuế bất động sản nếu được tính toán áp dụng, thì còn phải đóng vai của nhiều chính sách điều tiết khác nữa cho quá trình phát triển và nâng cấp đô thị. Thứ nhất, thuế phải đóng vai ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ bất động sản (bao gồm cả đất đai) dưới dạng có bất động sản nhưng không sử dụng, để hoang hóa đất đai, giữ đất nhưng đầu tư cầm chừng, sử dụng đất không hiệu quả. Từ đây, giá bất động sản sẽ giảm, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và dễ dàng tiếp cận nhà ở cho nhóm người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Thuế bất động sản cũng đảm bảo chức năng thu giá trị bất động sản tăng thêm không do đầu tư của chủ sở hữu bất động sản mang lại, ngăn chặn tình trạng sốt giá đất cục bộ xảy ra trong quá trình đô thị hóa như thành lập các khu kinh tế mới, chuyển từ huyện thành quận…. thông qua cách đánh thuế lũy tiến vào những trường hợp nhận chuyển nhượng rồi chuyển nhượng trong thời gian ngắn.
“Tất nhiên, cải cách thuế bất động sản không chỉ nhằm mục tiêu tăng thuế, mà phải xem xét điều chỉnh sao cho công cụ thuế đạt hiệu quả cao. Ví dụ như không đánh thuế vào kinh doanh bất động sản và chỉ đánh thuế vào sử dụng bất động sản, hay không đánh thuế vào trường hợp thuê đất mà chỉ đánh thuế vào các trường hợp giao, cho thuê trả tiền một lần”, GS Đặng Hùng Võ nêu.

Theo kinh nghiệm của các nước công nghiệp, thuế bất động sản được tính theo thuế suất cơ bản 1% tính trên giá đất thị trường, chiếm tỷ trọng từ 50% tới 90% nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đây là nguồn lực chính để phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng

NGUYỄN VĂN HẢI

Kết luận về vấn đề thuế bất động sản liên quan đến yêu cầu phát huy tối đa lợi ích từ tài nguyên đất, và đó được xem như là một trong những giải pháp kỹ thuật giải quyết nhu cầu phát triển cũng như quản lý đô thị, đặc biệt là đô thị lớn, GS Đặng Hùng Võ cho rằng việc cải cách thuế bất động sản là một nhiệm vụ lớn, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để sao cho mỗi người dân thấy được nghĩa vụ xã hội của mình trong phát triển đô thị, đồng thời cũng phải bảo vệ được lợi ích chính đáng của mình. Chúng ta nên học tập kinh nghiệm của các nước công nghiệp phát triển, có như vậy mới thoát được bẫy thu nhập trung bình.
Riêng đối với người có thu nhập thấp, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh cần có chính sách trợ giúp người có thu nhập thấp tại đô thị để có thu nhập cao hơn, thuế bất động sản nếu áp dụng thì cũng cần đánh ở mức thấp đối với diện tích đất - nhà ở trong hạn mức.
Bài viết đã được biên tập chỉnh sửa để làm rõ nội dung phát biểu chính xác của GS Đặng Hùng Võ. Báo Thanh Niên xin cáo lỗi về sự hiểu lầm gây ra cho bạn đọc trong bài viết ban đầu.

"Tổn thất" cán bộ ở TP.HCM đều liên quan tài chính đất đai

Theo GS Đặng Hùng Võ, vừa qua TP.HCM tổn thất rất nhiều cán bộ nguyên là Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nguyên giám đốc một số sở ngành. Điều đáng nói là những “tổn thất” cán bộ này đều vướng vào chuyện tài chính đất đai.

“Tại sao chúng ta tổn thất những cán bộ to như thế. Cách xây dựng pháp luật của chúng ta làm luật nọ mâu thuẫn với luật kia. Đấy chính là lý do chúng ta tổn thất cán bộ một cách không cần thiết”, GS Đặng Hùng Võ nói.

Theo GS Đặng Hùng Võ, để việc sử dụng nguồn lực đất đai có hiệu quả, Nhà nước phải sớm hoàn thiện hệ thống thu từ đất đai. Chứ còn hiện nay, bảng giá đất nhà nước chỉ bằng 30 - 40% giá thị trường sẽ khiến thất thu thuế, làm thất thoát ngân sách.

“Bảng giá đất phải ngang bằng thị trường để ngăn chặn tình trạng khai giá bán quá thấp gây thiệt hại cho nhà nước’, GS Đặng Hùng Võ nói, và cho biết bảng giá đất nhà nước của tỉnh, thành ít nhất phải bằng 80% so với giá thị trường. Bộ TN-MT và Tổng cục Quản lý đất đai phải thực hiện khung giá ở Trung ương để các địa phương làm theo.

“Không nên tạo hệ thống tài chính đất đai giả vờ, tức là hệ thống tài chính không thật. Ngoài ra, muốn sử dụng nguồn lực đất đai có hiệu quả cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp lại việc sử dụng quỹ đất công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.