Góc nhìn phóng viên: Nước mắt người giữ rừng

04/06/2019 05:40 GMT+7

Suốt một tháng qua, tôi theo sát việc điều tra và xử lý vụ hủy hoại hơn 10 ha rừng thông ba lá gần 20 năm tuổi tại xã Tân Thanh, H.Lâm Hà (Lâm Đồng, ảnh).

Đây là vụ phá rừng mà ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định “rất nghiêm trọng, quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh”. Còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, trước khi chủ trì Hội nghị triển khai đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây nguyên (ngày 24.5), trực tiếp đến thị sát hiện trường vụ phá rừng trên đã thốt lên: “Lâm Đồng có 8 vụ hủy hoại rừng với diện tích 28,7 ha, vi phạm pháp luật nhiều nơi; công nhiên như thế là không chấp nhận được”.
Với tôi, một PV đóng trên địa bàn vùng Tây nguyên, nhiều lần và nhiều năm phản ánh các vụ việc phá rừng, hủy hoại rừng, nhưng đây là lần đầu tôi chứng kiến những giọt nước mắt của “người giữ rừng” - ông Trần Quang Sáng, Trưởng ban Quản lý (BQL) rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà (thuộc Công ty Tân Mai). Khi dẫn chúng tôi đến hiện trường hơn 10 ha rừng thông chết đứng vì bị đầu độc, ông Sáng nghẹn ngào: “Chúng nó ác quá! Bao nhiêu công sức anh em đổ ra suốt hơn 17 năm để có khu rừng xanh tốt nhưng chúng triệt hạ trắng. Đau lòng quá! Xót xa quá!”.
Để minh chứng cho sự bất lực, ông Sáng cho biết từ tháng 11.2017 đến tháng 4.2019, BQL phát hiện, lập biên bản nhiều vụ phá rừng, chiếm đất rừng. Trong đó có 6 vụ nghiêm trọng đã phối hợp với các ngành chức năng khám nghiệm hiện trường, chuyển hồ sơ qua Công an H.Lâm Hà đề nghị khởi tố vụ án nhưng đều “bặt vô âm tín”.
Cách đây vài ngày, khi biết tin Ban chuyên án bắt được nghi phạm là Bạch Đình Kế (còn gọi là Kế “hấp”, 36 tuổi), một cán bộ có hơn 20 năm công tác tại xã Tân Thanh cho hay mọi người vừa mừng vừa không lấy gì làm ngạc nhiên. Kế “hấp” có nhiều đất lâm nghiệp tại TK 292; từng sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép cho người khác.
Nếu tỉnh Lâm Đồng không quyết liệt giữ rừng, cơ quan chức năng không làm rõ được nạn “bảo kê” thì rừng Lâm Đồng tiếp tục bị triệt hạ; nước mắt của những người giữ rừng vẫn ứa trào trong sự bất lực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.