Góc nhìn phóng viên: Nước đến chân mới... nhảy

25/09/2019 05:31 GMT+7

Miền Trung, Tây nguyên và miền Nam được xem là những điểm nóng về sốt xuất huyết từ thời điểm này hằng năm.

Năm nay, nhìn số ca mắc tăng cao, số ca tử vong tăng theo tỷ lệ thuận thì không thể không lo, nhưng lo nhất là thiếu dịch cao phân tử (dung dịch hydroxyethyl Starch - HES 200.000 kD) trong phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết. Vai trò của dung dịch này đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học; được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; hướng dẫn của Bộ Y tế VN cũng ghi rõ chỉ định của dung dịch này.
Nhưng tại sao thiếu? Khả năng dự trù HES 200.000 kD của các bệnh viện yếu?... Điều này hoàn toàn không phải vì hiện giờ có tiền... mua cũng không ra. Không biết trên thế giới có bao nhiêu nhà sản xuất loại dung dịch này nhưng ở VN, hiện chỉ có một nhà phân phối. Nhà phân phối bảo chưa có số đăng ký mới, Bộ Y tế chưa cấp thì các bệnh viện “vỡ trận”.
Thực tế, cơ quan quản lý thừa biết nhà sản xuất đã có kế hoạch hạn chế sản xuất loại dung dịch này vì các phản ứng, tác dụng phụ của nó trong điều trị các bệnh khác. Biết, nhưng phản ứng lại có phần chậm chạp, thiếu sự dự phòng, sớm chuẩn bị nguồn dịch đáp ứng nhu cầu chữa bệnh. Mới đây, khi báo chí lên tiếng về nguy cơ thiếu dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết ở các bệnh viện, địa phương, hỏi tới Cục Quản lý dược thì cục này cho biết đã có công văn chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc nhằm đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh
Khi “nước đến chân mới nhảy” thì ắt xảy ra nhiều chuyện, mà chuyện lớn nhất là sức khỏe, tính mạng của người dân bị đe dọa do không có thuốc điều trị kịp thời. Đây là bài học để cơ quan quản lý ngành dược cần nhìn lại trách nhiệm của mình trong chăm lo sức khỏe nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.