Giúp “cần câu” cho người mới ra tù

03/05/2016 07:25 GMT+7

Cựu Giám đốc Công ty Epco Liên Khui Thìn đã tích cực vận động và thành lập được quỹ trợ giúp những người mãn hạn tù có điều kiện làm ăn, tạo dựng lại cuộc sống.

Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết nhiều năm qua Công an TP và quận huyện huy động các nguồn lực của xã hội, triển khai nhiều mô hình hỗ trợ cho người mãn hạn tù như “lắng nghe và chia sẻ”, “hỗ trợ vốn vay”, “đi về phía mặt trời”...
Theo đại tá Nhàn, tùy mỗi đơn vị công an quận, huyện huy động được, như có quận vận động được doanh nghiệp hỗ trợ “chương trình dạy nghề” miễn phí, cũng có huyện tặng xe gắn máy cho người mãn hạn tù chạy xe ôm… Tất cả đều chung mục đích là đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho người mãn hạn tù. Ngoài ra, Quỹ hòa nhập và phát triển cộng đồng phối hợp với Báo Công an TP.HCM, Phòng Xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an TP) triển khai chương trình “1.000 xe bánh mì” giúp cho hàng trăm người vượt khó, thoát nghèo…
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP, các đơn vị cũng đang tiếp tục vận động tìm kiếm các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để công tác này càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả thiết thực hơn.
Hòa nhập và phát triển cộng đồng
Sau khi ra tù, cựu Giám đốc Công ty Epco Liên Khui Thìn đã tích cực vận động và thành lập được quỹ trợ giúp những người mãn hạn tù có điều kiện làm ăn, tạo dựng lại cuộc sống. Quỹ này hiện nay có tên gọi là Hòa nhập và phát triển cộng đồng, do cựu Phó giám đốc Công an TP.HCM Trần Văn Tạo làm Chủ tịch kiêm Giám đốc, ông Thìn làm Phó chủ tịch Hội đồng quản lý.
Để tìm nguồn giúp đỡ người mãn hạn tù và duy trì quỹ, ông Thìn cùng cộng sự vận động những đơn vị đồng hành tài trợ xe bánh mì, cung cấp giò, chả, nguyên liệu (có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) cho bà con. Riêng Công an TP.HCM giúp quỹ chọn đối tượng và địa điểm đặt xe bánh mì phù hợp để kinh doanh hiệu quả mà không ảnh hưởng đến trật tự lòng lề đường. Tuy nhiên theo ông Thìn, từ khi quỹ thành lập đến nay chỉ giúp khoảng 100 người, trong khi hằng năm có hàng ngàn người được mãn hạn tù. “Khi có nguồn tài trợ, quỹ sẽ gửi công văn qua công an để phía công an xem xét, gửi danh sách cần được giúp đỡ. Ngoài ra, nhiều người mãn hạn tù tới nhờ quỹ giúp đỡ nhưng quỹ không giúp được bởi điều họ cần là vay vốn”, ông Thìn nói. “Chuyện này là chuyện rất lớn về mặt xã hội, nhà nước phải cùng làm, chịu trách nhiệm với quỹ. Tôi nghĩ, việc giúp đỡ những người mãn hạn tù là chuyện của nhà nước, của chính quyền. Tôi là người có ý tưởng, chính quyền cần hỗ trợ. Tôi muốn mọi người cùng hiểu, chia sẻ. Tôi chỉ là “mồi lửa” để nhân dân và chính quyền cùng nhóm lửa”, ông Thìn nhấn mạnh.
Ông Thìn cũng ví von sinh viên ra trường còn khó có việc làm huống gì những người được mãn hạn tù. “Chúng ta chỉ làm một công việc đơn giản là sắm cho họ cái cần câu để họ bắt đầu kế sinh nhai. Đây là cách hướng nghiệp tốt, có giá trị nhân văn cực lớn. Nếu không hỗ trợ thì lượng người này rất dễ trở lại con đường phạm tội và xã hội càng nhức nhối hơn”, ông nói.
Doanh nhân với an ninh trật tự
Thượng tá Lê Thành Công (Phó trưởng phòng Công tác hòa nhập cộng đồng - Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng (C86 - Bộ Công an) nhìn nhận, Chính phủ đã có quy định cụ thể về các điều kiện, biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; trách nhiệm của các bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan... nhưng đến nay chưa phải tỉnh thành nào cũng có những mô hình hiệu quả.
Thực tế, theo thượng tá Công, Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh Đồng Nai không phải là quỹ duy nhất ở VN, mà học tập theo mô hình từ H.Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Quỹ này được Công an H.Nga Sơn và Hội Doanh nhân Nga Sơn thành lập năm 2008, tính đến nay có hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham gia đóng góp vào quỹ với số tiền vài tỉ đồng. Theo quy định, quỹ này dành 80% cho những người mãn hạn tù vay ưu đãi, mỗi suất vay từ 10 - 30 triệu đồng, lãi suất chỉ với 0,5%; 20% còn lại dùng để khen thưởng những người tiến bộ, có nhiều đóng góp cho cộng đồng. “Những mô hình này nếu được triển khai tại các địa phương trên cả nước thì quá tốt, vừa đảm bảo được an ninh trật tự, làm giảm tội phạm, vừa xóa đói giảm nghèo cho người dân. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa và rất tốt mà tất cả các tỉnh thành trên cả nước cần học tập. Cho người mãn hạn tù vay vốn làm ăn, giúp họ ổn định cuộc sống thì họ sẽ không đi lại con đường cũ nữa. Nếu được, quỹ cần mở rộng hơn để giúp đỡ những người sau khi mãn hạn tù có điều kiện xóa bỏ lỗi lầm, làm người có ích cho xã hội, đặc biệt giúp họ xóa bỏ mặc cảm, định kiến của xã hội...”, thượng tá Công nhấn mạnh.
Hiện nay nhiều địa phương như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Nam Định, Trà Vinh... cũng thành lập được những quỹ như ở Đồng Nai, nhưng quy mô nhỏ hơn, chỉ có khoảng vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Quỹ ở Đồng Nai thành lập sau nhưng có sự đóng góp, ủng hộ của 241 doanh nhân, doanh nghiệp với hơn 11,7 tỉ đồng đang có quy mô lớn nhất cả nước.
Tiếp xúc với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho biết TP sẽ xem xét và có cách làm phù hợp với điều kiện đặc thù của TP, để những người mãn hạn tù được quan tâm nhiều hơn, thuận lợi hơn trong vấn đề mưu sinh.
Cùng tạo ra của cải cho xã hội
Sau 2 năm thực hiện, đến nay Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng của tỉnh Đồng Tháp đã giúp cho gần 300 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có vốn để chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ... giúp họ ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Văn Thái (ngụ xã Tân Phú, H.Châu Thành, Đồng Tháp) hiện đang làm chủ đàn gà thả vườn với quy mô 2.000 con, có nguồn thu nhập khá ổn định, tâm sự khi anh đang là sinh viên đại học năm cuối ngành thú y, trong một lần điều khiển phương tiện anh đã gây tai nạn chết người phải chấp hành án phạt tù. Được cán bộ quản giáo quan tâm động viên, anh Thái chấp hành tốt các quy định trại giam và được tha tù trước thời hạn. Ban đầu khi về địa phương, với kiến thức đã học trong ngành thú y, anh Thái có ý định sẽ nuôi gà để có thu nhập cho bản thân và gia đình, nhưng đành phải gác lại ý định vì không có vốn. Sau đó, nhờ sự giới thiệu của công an địa phương, anh Thái đã được vay 30 triệu đồng từ quỹ để làm vốn chăn nuôi và được nhận vào làm nhân viên thú y của xã. “Giờ cuộc sống gia đình tôi đã ổn định. Dự định cuối năm tôi sẽ xin trả lại số vốn đã vay để những người mãn hạn tù khác có điều kiện tiếp cận nhằm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”, anh Thái nói.
Cũng từng lâm vào cảnh tù tội, ông Lê Vũ Hùng (ngụ xã Tân Khánh Trung, H.Lấp Vò) sau khi được ra tù trở về địa phương cũng không có vốn để phát triển sản xuất, mặc dù gia đình có hơn 4 công đất vườn. Cuối năm 2014, cũng từ sự giới thiệu của công an địa phương, ông Hùng được vay 25 triệu đồng từ nguồn Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng của tỉnh. Tất cả số tiền vay được ông Hùng đều dùng vào việc mua cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc vườn cây. Hiện tại, vườn ổi của ông mỗi tháng thu hoạch được khoảng 4 tấn trái; còn rẫy dưa thì mỗi năm thu hoạch 4 vụ nên cuộc sống của gia đình ông dần dần ổn định. Ngoài chăm sóc vườn cây, ông Hùng còn thường xuyên giúp đỡ những hộ xung quanh và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp cây giống cho những người cùng cảnh ngộ...
Những người mãn hạn tù tại Đồng Tháp vay vốn từ Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng Ảnh: Công an cung cấp
Mai Trâm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.